BSC: Cần thêm vài ngày để đợi HPG phản ứng thế nào với MA200
Điểm nhấn kỹ thuật:
- Xu hướng hiện tại: Có dấu hiệu bật lại ngưỡng kháng cự ở mức 37.500 đồng
- Chỉ báo xu hướng MACD: Dưới mức 0
- Chỉ báo RSI: Xuất hiện nhiều lực bên mua
- Khối lượng giao dịch giảm 9% so với trung bình 20 phiên giao dịch
Nhận định: HPG có thể đang phục hồi sau đợt xuống giá mạnh từ tháng trước, và cố test lại MA200 và ngưỡng kháng cự ở 37.500 đồng.
Lưc cầu đang có dấu hiệu gia tăng từ việc tăng điểm và khối lượng giao dịch hơn so với phiên 12/7 cùng với việc lấp được gap trong phiên cuối tuần trước.
Tuy nhiên, nhà đầu tư cần thêm vài ngày để đợi HPG phản ứng thế nào với MA200.
Nếu cổ phiếu chạm đường MA200 rồi xuống thì có thể sẽ xuống mạnh hơn những phiên trước. Nếu CP phá ngưỡng MA200, nhà đầu tư có thể xem xét mở vị thế.
Trong tuần này, cổ phiếu HPG có 2 phiên giảm đầu tuần và cuối tuần (-0,3%; -1,3%), 1 phiên đứng tham chiếu và 2 phiên tăng (1,7%; 3%).
Thanh khoản khớp lệnh duy trì trung bình từ 4 triệu đến hơn 6,3 triệu đơn vị/phiên.
Chốt tuần, HPG tăng từ 35.600 đồng lên 36.700 đồng/cổ phiếu, tương đương +3,08%.
VCSC: Đây là cơ hội chốt lời tốt cho các cổ đông DHG
Taisho đã công bố thời hạn đăng ký chào mua cổ phiếu từ cổ đông hiện hữu của CTCP Dược Hậu Giang (DHG) là từ 19/07/2018 đến ngày 17/08/2018, cho đợt chào mua công khai 9,2 triệu cổ phiếu DHG (7% cổ phần).
Giá chào mua sẽ là 120.000 đồng/cổ phiếu (cao hơn 20% so với giá đóng cửa phiên 13/7), tương ứng với P/E 2017 là 27,1 lần.
Chúng tôi cho rằng đây là cơ hội chốt lời tốt cho các cổ đông DHG với dự báo triển vọng kém tích cực với tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) LNST 3% giai đoạn 2017-2022, trong bối cảnh cạnh tranh gia tăng và DHG còn thiếu sự đa dạng hóa sản phẩm.
Chúng tôi hiện đang có giá mục tiêu 85.500 đồng/cổ phiếu cho DHG, tương ứng với tổng mức sinh lời -11,2% bao gồm lợi suất cổ tức 3%.
Trong tuần này, cổ phiếu DHG có 2 phiên giảm (-0,5%; -2,2%), và 3 phiên tăng (2,1%; 0,7%; 0,5%). Thanh khoản khớp lệnh phiên cao nhất hơn 370.000 đơn vị, thấp nhất chỉ hơn 90.000 đơn vị.
Chốt tuần này, DHG tăng từ 99.700 đồng lên 100.200 đồng/cổ phiếu, tương đương +0,5%.
VCSC khuyến nghị MUA dành cho FPT với giá mục tiêu 61.000 đồng
FPT Software (FSOFT) cho biết vừa mua lại thành công 90% cổ phần Intellinet, một công ty tư vấn phần mềm của Mỹ được thành lập năm 1993.
Giá trị đầu tư là 30 triệu USD, với kế hoạch tăng sở hữu lên 100% trong 3 năm tới. 10% còn lại sẽ được định giá tối đa 20 triệu USD, và mức giá thực tế sẽ phụ thuộc vào tình hình hoạt động của Intellinet trong 3 năm tới. Công ty không công bố thêm thông tin chi tiết.
Chúng tôi cho rằng Intellinet sẽ cung cấp các khả năng hỗ trợ rất hiệu quả cho FSOFT vì:
(1) Hiện phần lớn doanh thu của FSOFT là từ các dự án coding đơn giản, trong khi các dự án này được tính theo chi phí nhân công theo giờ.
Khả năng của FSOFT trong việc thực hiện các công việc có giá trị gia tăng cao như tư vấn và thiết kế giải pháp còn hạn chế do còn thiếu chuyên gia tư vấn phần mềm.
Vì vậy, Intellinet là lựa chọn phù hợp đối với FSOFT vì công ty này có đến 150 chuyên gia chuyên về tư vấn và thiết kế giải pháp phần mềm trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Điều này sẽ mang lại cho FSOFT nhiều cơ hội lớn để thực hiện các dự án trọn gói, từ tư vấn và thiết kế đến thực hiện, qua đó cải thiện biên lợi nhuận.
(2) Intellinet có hơn 200 khách hàng, trong đó 17 khách hàng nằm trong danh sách Fortune 500. Trong khi đó, FSOFT có hơn 400 khách hàng và 80 khách hàng nằm trong Fortune 500. Tuy nhiên, cơ sở khách hàng của 2 công ty không có sự trùng lặp lớn.
Qua đó, Intellinet sẽ mang lại cho FSOFT một danh sách khách hàng mới đáng kể, trong khi FSOFT có thể khai thác khả năng của Intellinet để đưa ra các dịch vụ trọn gói không chỉ cho các khách hàng tại Mỹ mà còn tại Nhật Bản, EU, và APAC.
Doanh thu 2017 của Intellinet đạt 30 triệu USD, không đáng kể so với của FSOFT (275 triệu USD).
Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng tác động của Intellinet đối với FSOFT không chỉ ở mặt lợi nhuận mà còn đến từ các giá trị gia tăng từ sự kết hợp của hai công ty.
Vì vậy, chúng tôi cho rằng đây là thương vụ sẽ mang lại nhiều giá trị cho FPT. Chúng tôi nhiều khả năng sẽ điều chỉnh tăng dự báo tăng trưởng cho FSOFT trong các năm tới.
Chúng tôi giữ khuyến nghị MUA dành cho FPT với giá mục tiêu 61.000 đồng/cổ phiếu (tổng mức sinh lời 55%, lợi suất cổ tức 4,9%). FPT hiện đang giao dịch tại PER 2018 rất hấp dẫn là 10,7 lần.
Trong tuần này, cổ phiếu FPT tăng 3 phiên liên tiếp từ đầu tuần (0,7%; 2,4%; 2,4%), sau đó 2 phiên giảm cuối tuần (-0,9%; -2,1%). Thanh khoản khớp lệnh từ 800.000 đến 1,2 triệu đơn vị/phiên.
Chốt tuần, FPT tăng từ 40.600 đồng lên 41.600 đồng/cổ phiếu, tương đương +2,46%.
FPT: Đang nắm giữ MBB cũng nên theo sát để đưa ra quyết định phù hợp
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần 13/07, MBB mở rộng phục hồi về mốc giá 20,8. Theo đó, đường giá đã hoàn hiện mô hình đảo chiều Double bottoms với mục tiêu được xác định tại mốc giá 23.000 đồng.
Cần lưu ý rằng đồ thị giá MBB vẫn đang nằm trong xu hướng giảm tính từ trung tuần tháng 4/2018 kéo dài đến nay.
Trong đó, đường SMA 60 phiên đang đóng vai trò ngưỡng kháng cự mạnh.
Do đó, mô hình giá cùng tín hiệu giao cắt lên của RSI với đường bình quân 9 kỳ của chỉ báo này mới chỉ để ngỏ khả năng xuất hiện nhịp phục hồi kỹ thuật trong xu hướng giảm.
Cơ hội của một nhịp phục hồi thực sự sẽ chỉ được đề cập đến nếu MBB nhanh chóng phục hồi và vượt lên đường SMA 60 phiên, tương ứng với vùng giá 23.000-24.000 đồng.
Trong bối cảnh nhóm ngân hàng đang nhận được sự đồng thuận của dòng tiền trong 02 phiên trở lại đây, nhà đầu tư đang nắm giữ MBB cũng nên theo sát để đưa ra quyết định giao dịch phù hợp.
Trong tuần này, cổ phiếu MBB chỉ có 1 phiên giảm duy nhất vào 19/7 (-2,2%), còn lại 4 phiên đều tăng (2,9%; 4,4%; 3,4%; 3,1%).
Thanh khoản khớp lệnh trunh bình đạt từ hơn 6 triệu đến 8 triệu đơn vị/phiên.
Chốt tuần, MBB tăng từ 20.800 đồng lên 23.300 đồng/cổ phiếu, tương đương +12%.
BVSC khuyến nghị OUTPERFORM đối với cổ phiếu DXG
Đây là thời điểm tốt để tích lũy đối với cổ phiếu DXG, và chờ đợi thông tin tích cực trong 6 tháng cuối năm.
BVSC không thể sớm khẳng định xu hướng giảm giá đối với DXG đã chấm dứt, vì còn phụ thuộc nhiều vào diễn biến thị trường chung.
Tuy nhiên, qua những phân tích trên, chúng tôi ít nhiều cho rằng cơ hội đầu tư vào DXG thời điểm hiện tại đang được mở ra cho nhà đầu tư trung và dài hạn.
Với định giá của BVSC theo NAV & phương pháp so sánh, giá hợp lý đối với cổ phiếu DXG là 33.800 đồng/cổ phiếu, cao hơn 53% giá thị trường ngày 16/7.
Do đó, chúng tôi khuyến nghị OUTPERFORM với cổ phiếu DXG cho mục tiêu đầu tư trung hạn từ 6 – 12 tháng.
Trong tuần này, cổ phiếu DXG có phiên đầu tuần và cuối tuần mất điểm (-0,7%; -2,2%), còn lại 4 phiên đều tăng, trong đó có 1 phiên tăng trần vào ngày 17/7, (7%; 4,4%; 1%).
Thanh khoản khớp lệnh trung bình trên dưới 3,5 triệu đơn vị/phiên.
Chốt tuần, DXG tăng từ 22.350 đồng lên 24.500 đồng/cổ phiếu, tương đương +9,62%.
ACBS: Có thể phải rất kiên nhẫn nếu đầu tư MKP ở thời điểm hiện tại
Trong quý I/2018, MKP đạt doanh thu thuần 295 tỷ đồng (-3,6% n/n) và LNST 18 tỷ (- 24,9% n/n) do tỷ lệ chi phí BH&QLDN/doanh thu thuần tăng. Cổ phiếu đang giao dịch ở mức P/E ~ 15x dựa trên EPS ước tính sơ bộ của chúng tôi cho năm 2018.
Tuy nhiên, do triển vọng mờ nhạt cho đến năm 2020 cộng với thanh khoản giao dịch cổ phiếu thấp, nhà đầu tư có thể phải rất kiên nhẫn nếu đầu tư vào cổ phiếu này ở thời điểm hiện tại.
Các chỉ số tài chính không có nhiều nổi bật với ROE 11-15% và ROA 9-12%, mặc dù tỷ lệ nợ ròng/EBITDA âm (tức công ty có tiền mặt ròng) trong 3 năm qua.
MKP cũng có thể sẽ chưa cân nhắc chuyển sàn lên HSX/HNX khi nhà máy mới chưa đi vào hoạt động ổn định.
Trong tuần này, cổ phiếu MKP có 1 phiên tăng duy nhất 5,2% nhưng chỉ có 100 đơn vị khớp lệnh, 4 phiên còn lại đứng tham chiếu do không có giao dịch.
Chốt tuần, cổ phiếu MKP tăng 5,2% lên 68.800 đồng.
BSC: Có thể mở vị thế sau khi DRC phá mức kháng cự 24.600 đồng
Điểm nhấn kỹ thuật:
- Xu hướng hiện tại: Xu hướng kiểm tra mức kháng cự mức 24.600 đồng
- Chỉ báo xu hướng MACD: Trên mức 0
- Chỉ báo RSI: Trung tính
- Khối lượng giao dịch tăng 46% so với trung bình 20 phiên giao dịch
Nhận định: MDRC vừa vượt khỏi MA200 với sự tăng điểm và khối lượng giao dịch trong vài phiên trước.
Tuy nhiên, DRC có thể chuyển hướng khi chạm ngưỡng kháng cự dài hạn ở mức 24.600 đồng nếu không đủ lực mua cùng với lực bán lấy lời từ đáy ngắn hạn 21.500 đồng.
Nhà đầu tư có thể xem xét mở vị thế sau khi phá mức kháng cự 24.600 đồng.
Trong tuần này, cổ phiếu DRC chỉ có 1 phiên duy nhất giảm vào ngày cuối tuần (-1,6%), và 4 phiên còn lại đều tăng (4,2%; 1,3%; 3,4%; 0,8%).
Thanh khoản khớp lệnh từ hơn 340.000 đến 750.000 đơn vị/phiên.
Chốt tuần, DRC tăng từ 22.450 đồng lên 24.300 đồng/cổ phiếu, tương đương +8,24%.
ACBC: Hạ khuyến nghị từ MUA sang GIỮ đối với cổ phiếu ACV
Chúng tôi duy trì định giá cp ACV bằng phương pháp EV/EBITDA. Mặc dù giá cổ phiếu gần đây đã giảm (-24,6% kể từ cuối tháng 3/2018) nhưng ACV vẫn đang giao dịch ở mức 5,6% cao hơn trung bình ngành trong khu vực.
Vị thế của ACV tại Việt Nam cùng với ngành hàng không trong nước đang đạt mức tăng trưởng cao có thể giải thích cho mức định giá cao này.
Tuy nhiên với việc đàm phán tài sản khu bay chưa hoàn tất cũng như chi phí đầu tư cao trong những năm tới có thể làm giảm sức hấp dẫn của cổ phiếu ACV.
Chúng tôi đặt mức EV/EBITDA mục tiêu cho năm 2019 ở mức 12,6x, bằng với trung bình ngành, và đạt được mức giá mục tiêu là 70.400 đồng/cổ phiếu (-10,9% TSR).
Trong tuần này, cổ phiếu ACV chỉ có 1 phiên tăng duy nhất đầu tuần (0,1%), sau đó 2 phiên sau giảm (-0,2%; -0,2%), và đứng tham chiếu trong phiên kế tiếp, trước khi lại điều chỉnh giảm 0,1% trong phiên cuối tuần.
Thanh khoản khớp lệnh trồi sụt, khi phiên cao nhất có hơn 130.000 đơn vị, phiên thấp nhất chỉ có 3.400 đơn vị.
Chốt tuần, ACV giảm nhẹ từ 80.700 đồng xuống 80.600 đồng/cổ phiếu.
BSC: VPB có khả năng điều chỉnh giá để tiếp tục xu hướng lên
Điểm nhấn kỹ thuật:
- Xu hướng hiện tại: Xu hướng điều chỉnh sau khi chạm kháng cự và MA200
- Chỉ báo xu hướng MACD: Dưới mức 0
- Chỉ báo RSI: Trung tính
- Khối lượng giao dịch tăng 39% so với trung bình 20 phiên giao dịch
Nhận định: VPB sau phiên tăng điểm và khối lượng giao dịch cao hơn trung bình 20 phiên giao dịch, nhưng không tăng mạnh và xuất hiện doji.
Lực bán lấy lời từ đáy cộng với sức cản từ kháng cự dài hạn trùng với MA200, có thể thấy VPB có khả năng điều chỉnh giá để tiếp tục xu hướng lên.
Nếu vượt qua MA200, VPB có khả năng chạy tới ngưỡng kháng cự tiếp theo ở mức 33.500 đồng/cổ phiếu.
Trong tuần này, cổ phiếu VPB có 2 phiên giảm cuối tuần liên tiếp (-1,2%; -0,7%), và trước đó là 3 phiên tăng (0,7%; 6,7%; 2%).
Thanh khoản khớp lệnh phiên cao nhất cuối tuần có 12,8 triệu đơn vị, phiên thấp nhất đầu tuần hơn 2,4 triệu đơn vị. Còn lại trung bình từ 5 đến 8 triệu đơn vị/phiên.
Chốt tuần này, VPB tăng từ 27.400 đồng lên 29.500 đồng/cổ phiếu, tương đương +7,66%.
FPTS: Khuyến nghị THEO DÕI đối với cổ phiếu SCS
Chúng tôi cho rằng SCS có khả năng hoàn thành kế hoạch kinh doanh đặt ra cho năm 2018 và kết quả kinh doanh của SCS sẽ tiếp tục tăng trưởng trong trung – dài hạn, nhờ:
(1) Lượng hàng hóa qua các sân bay Việt Nam dự kiến đạt tỷ lệ tăng trưởng kép 15%/năm, theo Cục Hàng không Dân dụng Việt Nam (CAAV).
(2) Là doanh nghiệp duy nhất trong ngành dịch vụ hàng hóa hàng không còn dư địa mở rộng công suất nhà ga hàng hóa tại sân bay Tân Sơn Nhất. (3) Được hỗ trợ từ các cổ đông lớn.
Một số rủi ro ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của SCS:
- Tình trạng quá tải tại sân bay Tân Sơn Nhất hiện nay sẽ làm giới hạn mức tăng trưởng hàng hóa thông qua cảng này trong ngắn hạn.
- Thương mại hàng hóa đình trệ. Mức định giá của cổ phiếu SCS trên thị trường hiện nay khá cao khi được giao dịch quanh mức P/E trailing là 24, cao hơn mức P/E trailing bình quân của các doanh nghiệp so sánh cùng ngành, cùng với một số rủi ro trên, chúng tôi đưa ra khuyến nghị THEO DÕI đối với cổ phiếu SCS.
Trong tuần này, cổ phiếu SCS chỉ có 1 phiên tăng duy nhất (0,1%), và 2 phiên đứng tham chiếu, cùng 2 phiên giảm (-1%; -0,5%).
Thanh khoản khớp lệnh tương đối thấp, phiên cao nhất chỉ hơn 11.000 đơn vị.
Chốt tuần, SCS giảm từ 169.000 đồng xuống 165.500 đồng/cổ phiếu, tương đương -2,07%.
FPTS: Khuyến nghị MUA cổ phiếu SBA cho mục tiêu trung và dài hạn
Chúng tôi tiến hành định giá cổ phiếu SBA của Công ty Cổ phần Sông Ba.
Bằng cách sử dụng phương pháp chiết khấu dòng tiền, chúng tôi xác định giá mục tiêu của SBA là 18.397 đồng/cổ phiếu, cao hơn 24% so với giá hiện tại.
Chúng tôi khuyến nghị MUA cho mục tiêu trung và dài hạn. Rủi ro đầu tư lớn nhất đối với doanh nghiệp là rủi ro thay đổi cơ chế mua - bán và rủi ro về tình hình thủy văn.
Trong tuần này, cổ phiếu SBA có 3 phiên đầu tuần đứng tham chiếu, sau đó tăng kịch trần (6,8%) trong phiên kế tiếp, trước khi điều chỉnh giảm nhẹ (-0,6%) vào phiên cuối tuần.
Thanh khoản khớp lệnh từ hơn 6.500 đến 45.000 đơn vị/phiên.
Chốt tuần, SBA tăng từ 14.800 đồng lên 15.700 đồng/cổ phiếu, tương đương +6,08%.
BSC: NKG cần tích lũy thêm trước khi có thể tạo mô hình 2 đáy
Điểm nhấn kỹ thuật:
- Xu hướng hiện tại: Hồi phục ngắn hạn
- Chỉ báo xu hướng MACD: Dưới mức 0
- Chỉ báo RSI: Hồi phục lên trung tính
- Khối lượng giao dịch tăng 250% so với trung bình 20 phiên giao dịch
Nhận định: NKG đã hồi phục với thanh khoản cao tại phiên hôm qua nhưng do gặp ngưỡng cản vùng 16.000 đồng đã khiến NKG xuất hiện cây nến giảm trong phiên hôm nay.
Với thanh khoản gia tăng, NKG đang chịu áp lực bán mạnh và cần tích lũy thêm trước khi có thể tạo thành mô hình 2 đáy bứt phá đi lên vượt qua 2 ngưỡng kháng cự là 16.000 và 18.000 đồng.
Trong tuần này, cổ phiếu NKG có 3 phiên tăng trong đó có 1 phiên tăng trần vào giữa tuần (1,1%; 6,9%; 2%), cùng 1 phiên đứng tham chiếu và 1 phiên giảm nhẹ (-0,4%).
Thanh khoản khớp lệnh phiên cao nhất có hơn nửa triệu đơn vị, phiên thấp nhất gần 70.000 đơn vị.
Chốt tuần, NKG tăng từ 13.750 đồng lên 15.100 đồng/cổ phiếu, tương đương +9,81%.
BVSC: Thời điểm tốt để tích lũy HDG đối với nhà đầu tư trung và dài hạn
Như chúng tôi trình bày, sự sụt giảm của thị trường làm giá cổ phiếu nhiều doanh nghiệp bất động sản giảm mạnh 30-40%.
Theo đó, các chỉ số định giá sẽ điều chỉnh ở mức hợp lý hơn so với tháng 4/2018.
Mặc dù vậy, không phải tất cả đều mang lại cơ hội đầu tư tốt nếu nhìn vào giá trị doanh nghiệp và câu chuyện tăng trưởng trong tương lai.
Nếu như DXG là câu chuyện về doanh nghiệp tăng trưởng nhanh, nhiều tham vọng, thì đối với HDG, chúng tôi thấy sự bền vững, an toàn trong chiến lược phát triển nhưng vẫn đảm bảo sự tăng trưởng trong hoạt động kinh doanh.
Do đó, với những phân tích trên, BVSC tiếp tục khuyến nghịOUTPERFORM với giá mục tiêu là 52.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng lợi nhuận kỳ vọng là 48%. Mục tiêu đầu tư trung hạn từ 6 – 12 tháng.
Trong tuần này, cổ phiếu HDG đứng tham chiếu phiên đầu tuần và giảm (-3,5%) trong phiên 19/7, còn lại 3 phiên đều tăng (0,3%; 3,6%; 1,5%).
Thanh khoản khớp lệnh trồi sụt, khi cao nhất hơn 120.000 đơn vị, thấp nhất chỉ hơn 15.000 đơn vị.
Chốt tuần, HDG tăng từ 33.400 đồng lên 34.000 đồng/cổ phiếu, tương đương +1,79%.
MBS khuyến nghị PHÙ HỢP THỊ TRƯỜNG đối với GAS
Trước tình hình các mỏ khí mới vẫn chưa thể đưa khí về bờ trong khi các nguồn khí hiện hữu tiếp tục suy giảm sản lượng, chúng tôi dự phóng doanh thu và lợi nhuận của PVGas đạt tương ứng khoảng 60.252 tỷ đồng và 8.172 tỷ đồng, giảm 6,6% và 15,6% so với kết quả thực hiện năm 2017. EPS ước tính 4.270 đồng.
Chúng tôi khuyến nghị PHÙ HỢP THỊ TRƯỜNG đối với cổ phiếu GAS của Tổng công ty Khí Việt Nam với giá mục tiêu 83.265 đồng/cổ phiếu, tương ứng P/E forward 19,5 lần, tương ứng mức P/E bình quân của các công ty cùng ngành trong khu vực.
Trong tuần này, cổ phiếu GAS chỉ có 2 phiên tăng (5,1%; 1,4%), và 3 phiên giảm (-0,7%; -2,7%; -1,8%).
Thanh khoản khớp lệnh trunh bình trên dưới nửa triệu đơn vị/phiên.
Chốt tuần, GAS tăng từ 81.800 đồng lên 82.700 đồng/cổ phiếu, tương đương +1,1%.
VCSC: mức giá mục tiêu 40.800 đồng cho NT2
NT2 đã công bố KQLN chính thức Quý 2/2018. Theo đó, doanh thu 6 tháng đầu năm tăng 13,5% do lượng điện thương phẩm và giá khí tăng lần lượt 17,2% và 20,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, lợi nhuận gộp 6 tháng đầu năm giảm 21% so với cùng kỳ năm ngoái xuống 624 tỷ đồng do:
(1) Sản lượng điện thương phẩm kém, chỉ đạt 2,6 tỷ kWh, hay 51,9% dự báo của chúng tôi, trong khi 6 tháng đầu năm thường có kết quả cao hơn so với 6 tháng cuối năm.
(2) Sản lượng hợp đồng giảm 7% so với cùng kỳ năm ngoái.
(3) Giá trên thị trường phát điện cạnh tranh phục hồi nhưng không bù đắp được cho việc giá khí tăng 20,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Chúng tôi cho rằng nguyên nhân chính khiến sản lượng thấp do đường ống Nam Côn Sơn phải ngừng hoạt động vì vấn đề kỹ thuật.
Chúng tôi lưu ý rằng tiêu thụ điện cả nước vẫn cao, tăng 10,6% trong 6 tháng đầu năm 2018.
Vì vậy, LNST thường xuyên 6 tháng đầu năm 2018 giảm 24,7% xuống 483 tỷ đồng, chỉ đạt 48,8% dự báo cả năm của chúng tôi.
Tuy nhiên, LNST báo cáo tăng 10,4% vì NT2 có khoản lãi tỷ giá 20 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2018 so với lỗ tỷ giá nặng 186 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2017.
Chúng tôi dự kiến sẽ điều chỉnh giảm 10% dự báo sản lượng năm 2018, qua đó cũng điều chỉnh giảm dự báo lợi nhuận và giả định cổ tức là 3.000 đồng/cổ phiếu cho năm nay (giảm 10%) khoảng 10% trong báo cáo sắp tới.
Hiện chúng tôi đang đưa ra mức giá mục tiêu 40.800 đồng/cổ phiếu.
Trong tuần này, cổ phiếu NT2 có 2 phiên tăng (0,6%; 1,7%) và 3 phiên giảm đan xen (-0,6%; -0,6%; -2,4%).
Thanh khoản khớp lệnh trung bình từ hơn 200.000 đến 400.000 đơn vị/phiên.
Chốt tuần, NT2 giảm nhẹ từ 26.350 đồng xuống 26.000 đồng/cổ phiếu, tương đương -1,32%.
VCSC khuyến nghị giá mục tiêu 50.000 đồng/cổ phiếu cho QNS
QNS tạm ứng cổ tức đợt 1 ở mức 500 đồng/cổ phiếu cho năm tài chính 2018. Ngày chốt danh sách cổ đông cho đợt cổ tức này của CTCP Đường Quảng Ngãi (QNS) là ngày 30/07/2018, ngày thanh toán dự kiến là ngày 10/08/2018.
Chúng tôi hiện đang dự phóng QNS sẽ chia tổng cổ tức tiền mặt cho năm tài chính 2018 là 1.500 đồng/cổ phiếu, tương ứng với lợi suất cổ tức 3,8% dựa theo giá đóng cửa ngày 18/7.
Chúng tôi hiện đang khuyến nghị giá mục tiêu 50.000 đồng/cổ phiếu cho QNS, tương ứng với tỷ lệ tăng 28,2% theo giá đóng cửa ngày 18/7. QNS hiện đang giao dịch ở mức P/E dự phóng 2018 khá hấp dẫn là 9,1 lần. (Báo cáo ngày 18/7).
Trong tuần này, cổ phiếu QNS đứng tham chiếu phiên đầu tuần, sau đó tăng liên tiếp 3 phiên sau (0,3%; 1,6%; 3,8%), và điều chỉnh giảm trong phiên cuối tuần (-1%).
Thanh kkhoản khớp lệnh trung bình từ 75.000 đến hơn 450.000 đơn vị/phiên.
Chốt tuần này, QNS tăng từ 38.500 đồng lên 40.000 đồng/cổ phiếu, tương đương +3,89%.