MBS khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu VPB
Chúng tôi thực hiện báo cáo lần đầu cho cổ phiếu VPB với khuyến nghị KHẢ QUAN và đưa ra giá mục tiêu là 63.400 đồng (+18,5 % so với giá thị trường hiện tại).
Chúng tôi đánh giá cao hiệu quả hoạt động, lợi nhuận diễn biến tích cực và những lợi thế từ mảng tài chính tiêu dùng, đã tạo động lực tăng trưởng ấn tượng của VPB trong thời gian gần đây.
ROEA của VPB cao nhất trong ngành ngân hàng, đạt 27,5% vào năm 2017 và chúng tôi dự đoán rằng ROEA sẽ tiếp tục ở mức 25% năm 2018.
Giá mục tiêu 12 tháng của chúng tôi phản ánh sự kỳ vọng tích cực của thị trường cho ngành ngân hàng trong năm 2018 và cho rằng năm nay tăng trưởng tín dụng vẫn tốt, chúng tôi vẫn giữ quan điểm tích cực cho tiềm năng tăng trưởng của cổ phiếu VPB.
Trong tuần này, cổ phiếu VPB có 2 phiên tăng (0,6%; 1,6%) và 3 phiên giảm mạnh xen lẫn (-3,5%; -3,8%; -5,2%). Thanh khoản khớp lệnh phiên thấp nhất có 2,5 triệu đơn vị, phiên cao nhất hơn 8,4 triệu đơn vị.
Chốt tuần, VPB giảm từ 51.700 đồng xuống 46.550 đồng/cổ phiếu, tương đương -11%.
ACBS hạ khuyến nghị đối với cổ phiếu KDF từ giữ xuống bán
Chúng tôi giảm dự báo doanh thu 2018 xuống 24,3% còn 1.666,2 tỷ đồng (+11,6% n/n) để phản ánh hoạt động kém khả quan từ mảng sữa chua và sữa chua đá.
Kem sẽ tiếp tục là lực đẩy chính cho KDF , đặc biệt là thương hiệu Celano với sản phẩm kem cá taiyaki mới. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy sự hiện diện của sản phẩm mới này vẫn chưa được bao phủ rộng khắp.
Chúng tôi hạ khuyến nghị đối với cổ phiếu KDF từ Giữ xuống BÁN với giá mục tiêu mới là 34.900 đồng/cổ phiếu (-14,6% tổng tỷ suất sinh lợi).
Cổ phiếu hiện đang giao dịch ở mức 17,0x EPS năm 2018 là 2.473 đồng, tương ứng với 33,1% chiết khấu so với trung bình các doanh nghiệp ngành thực phẩm tại Việt Nam.
Chúng tôi tin rằng mức chiết khấu trên là hợp lý do cổ phiếu KDF niêm yết trên sàn UpCoM với thanh khoản thấp, và KDF có mức chi phí bán hàng &QLDN quá cao và kém hiệu quả.
Ttong tuần này, cổ phiếu KDF có 3 phiên giảm (-1,9%; -4,3%; -2%) và xen giữa là 2 phiên tăng (2,4%; 4,3%). Thanh khoản khớp lệnh chỉ vài nghìn đơn vị/phiên. Phiên cuối tuần chỉ có 600 cổ phiếu được sang tay.
Chốt tuần, KDF giảm từ 42.000 đồng xuống 40.000 đồng/cổ phiếu, tương đương -4,76%.
FPRS khuyến nghị theo dõi đối với cổ phiếu HBC
Doanh thu thuần đạt 16.037 tỷ đồng (+49% yoy) và lợi nhuận sau thuế đạt 859 tỷ đồng (+51% yoy) nhờ ngành xây dựng vẫn tăng trưởng khá tốt trong năm 2017.
HBC dự kiến chia cổ tức 55%/vốn điều lệ, trong đó, 5% là cổ tức tiền mặt (500 đồng/cổ phiếu) và 50% là cổ tức bằng cổ phiếu.
Năm 2018, HBC đặt chỉ tiêu doanh thu là 20.680 tỷ đồng, +28,9% yoy và lợi nhuận sau thuế là 1.068 tỷ đồng, +24,3% yoy. Quý I/2018, HBC đạt doanh thu 3.345 tỷ đồng, +10% yoy và lợi nhuận sau thuế đạt 135 tỷ đồng, -25% yoy.
HBC dự kiến phát hành riêng lẻ cổ phiếu cho đối tác chiến lược tối đa 25% so với vốn điều lệ. Đợt phát hành dự kiến sẽ diễn ra sau khi phát hành cổ phiếu trả cổ tức năm 2017. Giá phát hành dự kiến sẽ không thấp hơn 2,5 lần giá trị sổ sách tại thời điểm phát hành.
Bên cạnh đó, HBC có kế hoạch chi trả cổ tức năm 2018 của HBC dự kiến là 15%/vốn điều lệ, phương thức là bằng tiền mặt và cổ phiếu.
EPS trượt 12 tháng (tính tới quý I/2018) đạt 6.287 đồng/cổ phiếu, tương đương mức P/E trượt 12 tháng (tính tới Q1/2018) = 6,5x. Mức P/E trượt 12 tháng trung bình 10 năm giai đoạn 2007 – 2017 của HBC khoảng 12,9x.
Khả năng cao hoàn thành kế hoạch doanh thu và lợi nhuận nhưng HBC lại đang đối mặt với rủi ro bị chiếm dụng vốn (khoản phải thu) quá cao và nhiều thách thức để thu hồi đầy đủ lượng vốn bị chiếm dụng đó, chúng tôi khuyến nghị THEO DÕI với cổ phiếu HBC tại thời điểm này cho tới khi tình hình tài chính được cải thiện.
Trong tuần này, cổ phiếu HBC có 3 phiên giảm liên tiếp từ đầu tuần (-0,3%; -0,3%; -2,1%), sau đó phục hồi trong cả 2 phiên còn lại (1%; 2,9%). Thanh khoản khớp lệnh trên dưới nửa triệu đơn vị/phiên, riêng phiên cuối tuần có hơn 994.000 đơn vị.
Chốt tuần này, HBC tăng từ 39.900 đồng lên 40.400 đồng/cổ phiếu, tương đương +1,25%.
VCSC giữ khuyến nghị mua cho cổ phiếu HPG
Chúng tôi giữ khuyến nghị MUA cho CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) và điều chỉnh giảm giá mục tiêu giảm xuống còn 74.100 đồng/cổ phiếu, khi chúng tôi duy trì các giả định tích cực cho mảng thép xây dựng của HPG, nhưng tăng tỷ lệ WACC.
Kết quả kinh doanh tích cực trong quý 1 với tăng trưởng doanh thu đạt 27% so với cùng kỳ năm ngoái được hỗ trợ từ cả tăng trưởng sản lượng và tăng giá bán.
Trong khi đó, biên LN vẫn duy trì lành mạnh bất chấp xu hướng điều chỉnh giảm biên LN mạnh của ngành thép, giúp dẫn dắt cho tăng trưởng LNST sau lợi ích CĐTS đạt 14% YoY.
Chúng tôi điều chỉnh giảm 3% dự báo LNST sau lợi ích CĐTS năm 2018 còn 9,1 nghìn tỷ đồng (+14% YoY), khi chúng tôi điều chỉnh giảm dự báo cho mảng tôn mạ và nông nghiệp do các ngành này đang gặp nhiều thách thức.
Chúng tôi giữ quan điểm tự tin về triển vọng mảng thép xây dựng cốt lõi. Nhu cầu mạnh mẽ từ hoạt động xây dựng trong nước và tình hình cung cầu thép ổn định toàn cầu sẽ hỗ trợ tích cực cho sản lượng thép bán ra và giá bán trong trung hạn.
P/E dự phóng 2018 của chúng tôi tương ứng với tỷ lệ tăng giá hấp dẫn, dựa trên nền tảng cơ bản vững chắc và triển vọng dài hạn của HPG đến từ Khu Phức hợp Gang thép Dung Quất trong thời gian tới.
Trong tuần này, cổ phiếu HPG tăng nhẹ 0,2% phiên đầu tuần, sau đó 3 phiên tiếp theo giảm (-0,7%; -2,5%; -1,9%), và tăng trở lại 1,7% trong phiên cuối tuần. Thanh khoản khớp lệnh từ 2,4 triệu đến hơn 4 triệu đơn vị/phiên.
Chốt tuần này, HPG giảm từ 55.700 đồng xuống 53.900 đồng/cổ phiếu, tương đương -3,2%.
MBS khuyến nghị mua đối với cổ phiếu TCM
Từ năm 2018, TCM định hướng tập trung năng lực sản xuất cho ngành đan kim và nhuộm, nhằm đáp ứng nhu cầu vải đan kim thành phẩm cho các nhà máy may, giảm bớt kinh doanh sợi tại công ty.
Chúng tôi cho rằng đây là hướng đi khá hợp lý khi biến động giá sợi khó đoán trước và biên lợi nhuận từ mảng này cũng không cao.
Chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu TCM của CTCP Dệt may – Đầu tư – Thương mại Thành Công, với giá mục tiêu 26.500 đồng/cổ phiếu, tăng 26% so với mức 21.050 đồng/cổ phiếu ngày 14/5/2018.
Mức giá mục tiêu tăng tương đương với P/E forward 9,6 lần (theo EPS ước tính 2018 là 2.767 đồng).
Trong tuần này, cổ phiếu TCM có phiên tăng trần +6,9% đầu tuần và tiếp tục tăng 4,3% trong phiên tiếp theo. Nhưng cả 3 phiên sau đó lại điều chỉnh giảm (-1,6%; -0,9%; -0,5%). Thanh khoản khớp lệnh trunh bình từ 150.000 đến hơn 460.000 đơn vị/phiên.
Chốt tuần, TCM tăng từ 19.700 đồng lên 21.300 đồng, tương đương +8,12%.
BSC khuyến nghị tiếp tục theo dõi diễn biến giá cổ phiếu VIC
Điểm nhấn kỹ thuật:
- Xu hướng hiện tại: Đi ngang ngắn hạn
- Chỉ báo MACD: đang có xu hướng hội tụ với đường tín hiệu sau khi giảm sâu
- Chỉ báo RSI: bật tăng mạnh trở lại về ngưỡng 70
Nhận định: VIC đang trong xu hướng tăng giá dài hạn ổn định. Hiện tại, giá cổ phiếu VIC đang trong nhịp tích lũy ngắn hạn ở biên độ tương đối ổn định so với đợt điều chỉnh mạnh của thị trường trong thời gian vừa qua.
Trong phiên giao dịch hôm nay, giá cổ phiếu tăng mạnh, tuy nhiên giá trị thanh khoản không cao, mặc dù có sự cải thiện so với các phiên trước đó.
Các chỉ báo kỹ thuật cho thấy khả năng giá cổ phiếu sẽ kiểm tra lại vùng đỉnh 136.800 trước đó trong các phiên tới.
Khuyến nghị: Nhà đầu tư tiếp tục theo dõi diễn biến giá cổ phiếu. Trong trường hợp, giá cổ phiếu chinh phục thành công vùng đỉnh 136.800 với giá trị thanh khoản tốt, sẽ tiếp tục xu hướng tăng giá với mục tiêu 152.000 đồng/cổ phiếu.
Trong tuần này, cổ phiếu VIC giao dịch giằng co, khi phiên đầu tuần tăng mạnh +6,5%, sau đó là 2 phiên đứng tham chiếu và giảm điểm xen lẫn (-1,5%; -5,4%). Thanh khoản khớp lệnh từ hơn 870.000 đến 2,36 triệu đơn vị.
Chốt tuần này, VIC giảm từ 124.000 đồng xuống 123.000 đồng/cổ phiếu, tương đương -0,8%.
VCSC khuyến nghị theo dõi và tìm điểm tích luỹ hợp lý cổ phiếu VNM
VNM vẫn là cổ phiếu Ngành hàng tiêu dùng mà chúng tôi ưa thích nhất với vị thế dẫn đầu Ngành Sữa và thương hiệu lâu năm.
Xét trên triển vọng ngành vẫn khả quan và hiệu quả hoạt động cao hơn hẳn các công ty trong khu vực, chúng tôi đề ra giá mục tiêu 198.000 đồng/cổ phiếu tương ứng với P/E 29,5 lần cao hơn mức PE bình quân 25x của khu vực.
Dù đã bắt đầu chuyển giao sang giai đoạn tăng trưởng chậm và ổn định hơn, BVSC vẫn cho rằng VNM còn nhiều động lực từ M&A và khả năng F&N và Jardine sẽ đấu tranh trong việc giành quyền kiểm soát VNM ở trường hợp SCIC tiếp tục thoái các lô lớn.
Ở mức giá thị trường hiện tại, chúng tôi tạm đánh giá NEUTRAL đối với VNM và khuyến nghị nhà đầu tư theo dõi và tìm điểm tích luỹ hợp lý khi thị trường tiếp tục điều chỉnh.
Trong tuần này, cổ phiếu VNM đứng tham chiếu phiên đầu tuần, sau đó cả 3 phiên sau đó giảm (-1,1%; -3,9%; -2,4%), và phục hồi 3,7% trong phiên cuối tuần. Thanh khoản khớp lệnh từ hơn 1 triệu đến 1,6 triệu đơn vị phiên, riêng phiên đầu tuần có hon 570.000 đơn vị.
Chốt tuần này, VNM giảm từ 178.000 đồng xuống 171.100 đồng/cổ phiếu, tương đương -3,87%.
BVSC khuyến nghị NEUTRAL đối với cổ phiếu STK
STK là doanh nghiệp sản xuất sợi hàng đầu tại Việt Nam với nhà máy được đầu tư bài bản, sản phẩm mang tính cạnh tranh cao và đã khẳng định được vị thế, thương hiệu đối với khách hàng.
Triển vọng tăng trưởng ngành dệt may tích cực trong năm 2018 sẽ là cú hích giúp công ty mở rộng doanh thu và gia tăng lợi nhuận trong năm nay.
Về trung và dài hạn, chúng tôi thấy việc đầu tư vào các dự án sợi màu, sợi chập, sợi recycle để hướng đến thời trang xanh sẽ góp phần xây dựng nền tảng vững chắc hơn cho STK.
Tuy nhiên, định giá hiện tại là chưa hấp dẫn, do đó, chúng tôi khuyến nghị NEUTRAL đối với cổ phiếu STK dựa trên mức giá ước tính hợp lý cho năm 2018 là 16.300 đồng/cổ phiếu, +7% so với giá đóng cửa ngày 08/5/2018.
Trong tuần này, cổ phiếu STK có 2 phiên tăng (1,8%; 0,3%) cùng 2 phiên giảm (-1,2%; -0,6%) xen giữa, cùng 1 phiên đứng tham chiếu. Thanh khoản khớp lệnh vài chục nghìn đơn vị/phiên.
Chốt tuần, STK tăng nhẹ từ 16.500 đồng lên 16.550 đồng/cổ phiếu.
FPTS khuyến nghị theo dõi với cổ phiếu MEL
Trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu bằng tiền mặt với tỷ lệ 10% (tương đương 1.000/cổ phiếu, sử dụng nguồn vốn từ lợi nhuận chưa phân phối).
Kế hoạch cổ tức cho năm 2018 cũng là 1.000/cổ phiếu, tương đương với tỷ lệ cổ tức tiền mặt/thị giá hiện tại là vào khoảng 11.5%, khá hấp dẫn với các nhà đầu tư ưa thích cổ tức.
Hợp tác với CTCP Kim Khí Việt để xây dựng nhà máy cắt xẻ thép và chế biến than tại Hải Phòng.
Tổng mức đầu tư là 500 tỷ đồng, tỷ lệ VCSH/vay nợ là 3:2, tỷ lệ góp vốn của MEL là 15%, và của CTCP Kim Khí Việt là 85%. Kế hoạch doanh thu cho năm 2018 là 1.300 tỷ đồng (+6.4% yoy) và lợi nhuận sau thuế là 24 tỷ đồng (-0,03% yoy).
Kế hoạch này thể hiện sự thận trọng của ban lãnh đạo trong bối cảnh diễn biến giá nguyên vật liệu và thép biến động ngày càng khó lường, và nhiều nhà máy sẽ nâng công suất cho ra sản phẩm trong năm 2018.
Kết quả kinh doanh quý I/2018: doanh thu đạt 270 tỷ đồng (-16,7% so với cùng kỳ) và LNST đạt 3,7 tỷ đồng (- 23,4% so với cùng kỳ).
FPTS đánh giá công ty sẽ hoàn thành được mức kế hoạch đề ra. Chúng tôi đưa ra khuyến nghị THEO DÕI với cổ phiếu MEL với những luận điểm sau: Có kinh nghiệm hoạt động lâu năm trong ngành, với hệ thống khách hàng và nhà cung cấp đa dạng.
Tỷ lệ cổ tức tiền mặt/thị giá hiện tại là vào khoảng 11,5%, khá hấp dẫn với các nhà đầu tư ưa thích cổ tức. Giá cổ phiếu hiện tại đang giao dịch ở mức P/E trailing là 5,3, khá hấp dẫn so với các doanh nghiệp cùng ngành.
Trong tuần này, cổ phiếu MEL trắng thanh khoản cả 5 phiên, đứng ở mức 8.700 đồng/cổ phiếu.
BVSC khuyến nghị OUTPERFORM đối với cổ phiếu IMP
Chúng tôi ưa thích cổ phiếu IMP bởi đây là một trong số ít doanh nghiệp đã thành công trong việc nâng cấp nhà máy sản xuất dược phẩm đạt chuẩn EU-GPM để đưa chất lượng sản phẩm đạt những tiêu chuẩn cao hơn, đáp ứng nhu cầu thay thế thuốc nhập khẩu.
Doanh thu kênh ETC phục hồi chậm do tình hình đấu thầu không thuận lợi phần nào đã phản ánh lên giá cổ phiếu IMP. Tuy nhiên, chúng tôi đánh giá triển vọng tăng trưởng trong trung và dài hạn vẫn tích cực.
Do đó BVSC khuyến nghị OUTPERFORM đối với cổ phiếu IMP dựa trên giá mục tiêu 70.700 đồng, +15% so với giá đóng cửa ngày 10/5/2018. EPS sau quỹ khen thưởng năm 2018 khoảng 3.203 đồng/cổ phiếu, tương ứng P/E forward 19,2 lần.
Chúng tôi kỳ vọng công ty có thể đạt được mức tăng trưởng lợi nhuận cao kể từ năm 2019 khi chính sách đầu thầu diễn biến theo chiều hướng thuận lợi hơn đồng thời hoạt động xuất khẩu có sự khởi sắc đáng kể giúp IMP đẩy mạnh công suất nhà máy công nghệ cao hiện hữu.
Trong tuần này, cổ phiếu IMP tăng 1,8% trong 2 phiên đầu tuần và cuối tuần, 2 phiên giảm (-0,2%; -1,4%), cùng 1 phiên đứng tham chiếu. Thanh khoản khớp lệnh trồi sụt, có phiên chỉ 30 đơn vị, phiên cao nhất có hơn 30.000 đơn vị.
Chốt tuần, IMP tăng nhẹ từ 62.600 đồng lên 62.700 đồng/cổ phiếu.
BSC khuyến nghị theo dõi kỹ cổ phiếu SAB
Điểm nhấn kỹ thuật:
- Xu hướng hiện tại: Tăng ngắn hạn và trung hạn
- Chỉ báo xu hướng MACD: Vượt qua ngưỡng 0 và phân kỳ với đường Signal
- Chỉ báo RSI: Tiếp cận quá mua
Nhận định: Sau khi bán cổ phần cho cổ đông nước ngoài, cổ phiếu SAB đã rơi rất mạnh từ đỉnh 340.000 xuống mức đáy 200.000
Hiện tại, SAB đang tiếp cận ngưỡng kháng cự 260.000 là vùng giá được tích lũy ngắn hạn trước khi tiếp tục gãy cùng thị trường chung.
Cổ phiếu này có sự hồi phục tốt với mô hình 2 đáy W với đáy sau cao hơn đáy trước.
Nếu SAB vượt qua được ngưỡng kháng cự mạnh 260.000 với khối lượng cổ phiếu khớp lệnh cao hơn 300.000 cổ phiếu, mô hình được coi là kiểm tra thành công và thoát khỏi vùng đáy.
Khuyến nghị: Theo dõi kỹ SAB và chỉ mua khi giá cổ phiếu vượt qua ngưỡng 260.000 đồng/cổ phiếu với thanh khoản trên 300.000 cổ phiếu khớp lệnh.
Trong tuần này, cổ phiếu SAB chỉ có 1 phiên giảm vào ngày Thứ năm (-4,2%), còn lại 4 phiên tăng (4,2%; 1,6%; 0,8%; 4,5%). Thanh khoản khớp lệnh trên dưới 100.000 đơn vị/phiên.
Chốt tuần, SAB tăng từ 236.000 đồng lên 252.400 đồng/cổ phiếu, tương đương +6,95%.
MBS khuyến nghị mua đối với cổ phiếu TNG
TNG vẫn đang trong quá trình mở rộng quy mô sản xuất để đón đầu các hiệp định tự do thương mại. Lượng đơn đặt hàng mới khả quan từ các khách hàng lớn có thương hiệu chuyển từ Trung Quốc sang.
Việc tập trung cho các khách hàng lớn giúp công ty cải thiện biên lợi nhuận gộp cũng như biên lơi nhuận ròng do đơn hàng FOB tăng lên thay thế cho đơn hàng CMT thông thường.
Chúng tôi khuyến nghị Mua đối với cổ phiếu TNG của CTCP Đầu tư và thương mại TNG, với giá mục tiêu 16.269 đồng/cổ phiếu, tiềm năng tăng giá 21,6% so với ngày 14/05/2018.
Trong tuần này, cổ phiếu TNG tăng 2 phiên liên tiếp từ đầu tuần (3,1%; 2,2%), sau đó giảm 2 phiên tiếp theo (-0,7%; -2,2%), trước khi tăng trở lại 0,8% phiên cuối tuần. Thanh khoản khớp lệnh từ hơn 100.000 đến 260.000 đơn vị.
Chốt tuần, TNG tăng nhẹ từ 13.000 đồng lên 13.400 đồng/cổ phiếu, tương đương +3,07%.
BSC khuyến nghị tiếp tục theo dõi diễn biến giá cổ phiếu DXG
Điểm nhấn kỹ thuật:
- Xu hướng hiện tại: Tăng giá ngắn hạn
- Chỉ báo MACD: Tăng và phân kỳ bên trên đường tín hiệu sau khi giảm sâu
- Chỉ báo RSI: Tăng
Nhận định: DXG đã trải qua một giai đoạn tăng giá dài hạn, liên tục vượt các ngưỡng kháng cự, và đạt đỉnh ở mức 40.200 vào ngày 09/04/2018 trước khi bị điều chỉnh sâu.
Hiện tại, DXG đang bật tăng trở lại, sau khi giá cổ phiếu chạm ngưỡng điều chỉnh Fibonaccy 50%, với giá trị thanh khoản cải thiện.
Các chỉ báo kỹ thuật cho thấy khả năng giá cổ phiếu sẽ quay lại kiểm tra vùng đỉnh cũ trong ngắn hạn.
Khuyến nghị: Nhà đầu tư tiếp tục theo dõi diễn biến giá cổ phiếu. Trong trường hợp, giá cổ phiếu chinh phục thành công vùng đỉnh 40.200 với giá trị thanh khoản tốt, sẽ mở ra xu hướng tăng giá mới với giá mục tiêu 46.000 đồng.
Ngược lại, trong trường hợp không chinh phục thành công đỉnh cũ, giá cổ phiếu có thể sẽ hình thành mô hình “2 đỉnh”.
Trong tuần này, cổ phiếu DXG có 1 phiên giảm (-1,4%) và Thứ năm, còn lại 4 phiên đều tăng (4,5%; 2,7%; 1%; 0,6%). Thanh khoản khớp lệnh từ hơn 2 triệu đến 3,4 triệu đơn vị/phiên.
Chốt tuần, DXG tăng từ 33.500 đồng lên 36.000 đồng/cổ phiếu, tương đương +7,46%.
VCSC khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu KBC
Chúng tôi giữ khuyến nghị KHẢ QUAN dành cho Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC) và giá mục tiêu hiện nay 15.100/cổ phiếu không chênh lệch đáng kể so với giá mục tiêu trước đây. Tại mức giá trên, tổng mức sinh lời là 18,7%, lợi suất cổ tức 7,4%.
Tuy chúng tôi đã điều chỉnh tăng giả định 2018 đối với KCN Quế Võ vì kết quả bán đất quý I/2018 khả quan, mô hình định giá chiết khấu dòng tiền tăng nhưng phần nào bị ảnh hưởng do P/E các công ty cùng ngành giảm.
Chúng tôi dự báo năm 2018, KBC sẽ đạt doanh thu 2.400 tỷ đồng và LNST sau lợi ích CĐTS 763 tỷ đồng, tăng lần lượt 91,1% và 30,5% so với năm 2017.
LNST sau lợi ích CĐTS tăng chậm hơn so với doanh thu vì KBC ghi nhận khoản lãi tài chính bất thường 355 tỷ đồng năm 2017 và chi phí tài chính năm 2018 cao hơn so với năm 2017.
Các yếu tố hỗ trợ: tiến độ bán hàng và ghi nhận nhanh chóng hơn, đặc biệt là KCN Nam Sơn Hạp Lĩnh.
Trong tuần này, cổ phiếu KBC có 2 phiên giảm đều -0,7%, cùng 2 phiên tăng (1,1%; 2,9%) cùng 1 phiên đứng tham chiếu. Thanh khoản khớp lệnh từ 1,2 triệu đến hơn 3,3 triệu đơn vị/phiên.
Chốt tuần này, KBC tăng từ 13.550 đồng lên 13.900 đồng/cổ phiếu, tương đương +2,58%.
VCSC giữ khuyến nghị mua đối với cổ phiếu POW
Chúng tôi giữ khuyến nghị MUA với tổng mức sinh lời 41,4%. Chúng tôi giữ nguyên giá mục tiêu (19.800 đồng/cổ phiếu) do lợi nhuận cao hơn từ việc hết khấu hao sớm hơn dự kiến tại 2 nhà máy cũng như triển vọng tiêu thụ điện tăng mạnh bù đắp cho việc lùi tiến độ 2 dự án nhà máy điện khí Nhơn Trạch 3 và 4.
Chúng tôi tăng dự phóng tăng trưởng lợi nhuận cốt lõi năm 2018 từ 12,9% lên 17,1% do giảm khấu hao sớm hơn ước tính trước đây của nhà máy điện Cà Mau (CMPP).
Chúng tôi cũng dự phóng tăng trưởng lợi nhuận cao hơn cho năm 2019 và 2020 đạt lần lượt 29,6% và 16,6%, do khấu hao của nhà máy Cà Mau và Nhơn Trạch 1 giảm nhanh hơn dự phóng trước của chúng tôi và giả định sản lượng cao hơn khi tình trạng thiếu điện có thể nghiêm trọng hơn so với dự báo trước đây.
P/E 2018 12,3 lần và EV/EBITDA 6,5 lần thấp hơn lần lượt 14% và 21,7% so với các công ty cùng ngành và cực kỳ hấp dẫn trên cơ sở tăng trưởng lợi nhuận kép 2017-2020 là 21% và tỷ lệ PEG là 0,6.
Trong tuần này, cổ phiếu POW tăng cả 5 phiên (1,4%; 2,9%; 0,7%; 0,7%; 2,1%). Thanh khoản khớp lệnh từ hơn 600.000 đến 1,9 triệu đơn vị/phiên.
Chốt tuần, POW tăng từ 14.000 đồng lên 14.800 đồng/cổ phiếu, tương đương +5,71%.
VCSC khuyến nghị phù hợp thị trường cho PLX
Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (PLX) đã công bố sẽ thanh toán cổ tức tiền mặt 3.000 đồng/cổ phiếu (lợi suất 4,3%) cho năm 2017.
Ngày giao dịch không hưởng quyền là ngày 25/06/2018. Ngày thanh toán chưa được công bố. Trong khi đó, PLX đặt kế hoạch cổ tức tiền mặt ít nhất 1.200 đồng/cổ phiếu (lợi suất 1,6%) cho năm 2018.
Chúng tôi cho rằng lượng cổ tức tiền mặt thực tế có thể cao hơn trong bối cảnh nguồn lực tài chính mạnh mẽ của PLX, do đó chúng tôi dự báo cổ tức tiền mặt 3.000 đồng/cổ phiếu (lợi suất 4,3%), tương tự mức 2017.
Chúng tôi hiện đang có khuyến nghị PHÙ HỢP THỊ TRƯỜNG cho PLX với tổng mức sinh lời 7,1% (bao gồm lợi suất cổ tức 4,3%). PLX hiện đang giao dịch với P/E trượt 23,6 lần, dựa theo giá đóng cửa phiên 16/5.
Trong tuần này, cổ phiếu PLX có 2 phiên tăng từ đầu tuần, trong đó có 1 phiên tăng trần (3,1%; 7%), sau đó 2 phiên còn lại giảm (-2,3%; -1,4%) trước khi phục hồi 1,5% trong phiên cuối tuần. Thanh khoản khớp lệnh trên dưới 800.000 đơn vị/phiên.
Chốt tuần, PLX tăng từ 64.000 đồng lên 69.000 đồng/cổ phiếu, tương đương +7,81%.
VCSC khuyến nghị TLG đối với các nhà đầu tư dài hạn
Chúng tôi hạ khuyến nghị dành cho CTCP Tập đoàn Thiên Long (TLG) xuống PHÙ HỢP THỊ TRƯỜNG và điều chỉnh giảm giá mục tiêu xuống 105.500 đồng/cổ phiếu để phản ánh việc tăng lãi suất phi rủi ro và phần bù rủi ro thị trường trong mô hình chiết khấu dòng tiền.
Chúng tôi giữ nguyên giả định tăng trưởng doanh thu 2018 đạt 18% nhờ bút viết và dụng cụ văn phòng tăng trưởng mạnh, trong khi xuất khẩu dụng cụ mỹ thuật phục hồi. C
húng tôi dự báo biên lợi nhuận gộp 2018 sẽ đạt 36,6%, thấp hơn so với năm 2017 do giá nhựa tiếp tục phục hồi từ mức thấp.
Vì vậy, chúng tôi dự báo LNST sau lợi ích CĐTS sẽ tăng 10% lên 294 tỷ đồng, phù hợp với mục tiêu ban lãnh đạo đề ra.
Tại ĐHCĐ tổ chức ngày 16/05/2018 tại TP. HCM, cổ đông đã thông qua việc tách cổ phiếu tỷ lệ 10:3, trả cổ tức bằng tiền mặt 2.000 đồng/cổ phiếu cho năm 2017, và kế hoạch trả cổ tức tỷ lệ 20% cho năm 2018.
Chúng tôi cho rằng các ưu tiên chiến lược của TLG (mở rộng công suất, tăng cường khép kín chuỗi sản xuất, và chủ động về nguyên vật liệu) sẽ củng cố lợi thế cạnh tranh cũng như hiệu suất hoạt động của công ty.
Định giá tỏ ra hấp dẫn với PER 2018 tại mức 20,2 lần, phản ánh triển vọng tăng trưởng ổn định và chỉ số cơ bản lành mạnh. Chúng tôi khuyến nghị TLG đối với các nhà đầu tư dài hạn, tìm kiếm cổ phiếu ổn định, an toàn.
Trong tuần này, cổ phiếu TLG có 2 phiên giảm (-1,8%; -3,8%) và xen giữa là 3 phiên tăng (1,8%; 2,7%; 5,2%). Thanh khoản khớp lệnh chỉ trên dưới 1.000 đơn vị/phiên.
Chốt tuần này, TLG tăng từ 96.000 đồng lên 99.800 đồng/cổ phiếu, tương đương +3,96%.