Dow Jones có tuần tăng điểm đầu tiên sau 4 tuần giảm liên tiếp - Ảnh: Reuters

Dow Jones có tuần tăng điểm đầu tiên sau 4 tuần giảm liên tiếp - Ảnh: Reuters

Điểm tin quốc tế nổi bật sáng 7/9

(ĐTCK) Dữ liệu việc làm kém khả quan của Mỹ khiến giới đầu tư kỳ vọng FED sẽ chưa cắt giảm gói QE3, hỗ trợ cho chứng khoán, giá vàng.

Phố Wall bằng phẳng sau dữ liệu việc làm: Theo dữ liệu vừa được công bố, bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ trong tháng 8 đạt 169.000 việc làm, thấp hơn con số dự kiến 180.000 việc làm trước đó. Con số của tháng 7 cũng được điều chỉnh giảm mạnh so với con số ước tính công bố trước đó. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp lại giảm mạnh, xuống còn 7,3%, mức thấp nhất kể từ tháng 12/2008, nhưng tỷ lệ thất nghiệp giảm có nguyên nhân chính là do số người trong độ tuổi lao động giảm đi so với trước.

Dữ liệu này bình thường sẽ khiến Phố Wall giảm mạnh, tuy nhiên, nhà đầu tư lại kỳ vọng, dữ liệu việc làm không khả quan như kỳ vọng sẽ khiến FED chưa sớm cắt giảm gói kích thích kinh tế QE3.

Kết thúc phiên 6/9, chỉ số Dow Jones giảm 14,98 điểm (-0,10%), xuống 14.922,50 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,09 điểm (+0,01%), lên 1.655,17 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 1,23 điểm (+0,03%), lên 3.660,01 điểm.

Trong tuần, chỉ số S&P 500 tăng 1,4%, chỉ số Nasdaq tăng 2%, chỉ số Dow Jones tăng 0,8%, kết thúc 4 tuần giảm liên tiếp trước đó.

Chứng khoán châu Âu tiếp tục tăng: Dữ liệu việc làm không khả quan của Mỹ khiến giới đầu tư kỳ vọng FED sẽ chưa cắt giảm gói QE3, cùng với dữ liệu kinh tế khu vực tốt được công bố trước đó giúp chứng khoán châu Âu tăng điểm. Tuy nhiên, lo ngại về cuộc chiến Syria khiến các chỉ số chứng khoán khu vực này không thể tăng mạnh. Kết thúc phiên 6/9, chỉ số FTSE 100 của Anh tăng 14,89 điểm (+0,23%), lên 6.547,33 điểm. Chỉ số DAX của Đức tăng 40,69 điểm (+0,49%), lên 8.275,67 điểm. Chỉ số CAC 40 của Pháp tăng 42,39 điểm (+1,06%), lên 4.049,19 điểm.

Chứng khoán Nhật Bản giảm mạnh: Trong khi chứng khoán Hồng Kông và Trung Quốc tăng, thì chứng khoán Nhật Bản lại giảm mạnh trong phiên cuối tuần. Kết thúc phiên 6/9, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 204,01 điểm (-1,45%), xuống 14.860,81 điểm. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông tăng 23,25 điểm (+0,10%), lên 22.621,22 điểm. Chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc tăng 17,56 điểm (+0,83%), lên 2.139,99 điểm.

Giá vàng hồi phục: Giá vàng đã hồi phục trở lại trong phiên cuối tuần sau 2 phiên lao dốc trước đó. Giá vàng tăng khi dữ liệu việc làm của Mỹ không khả quan như kỳ vọng, qua đó sẽ khiến FED không cắt giảm sớm QE3. Ngoài ra, giá vàng tăng còn do lo ngại Mỹ sẽ tấn công Syria trong thời gian ngắn tới. Kết thúc phiên 6/9, giá vàng giao ngay tăng 17,3 USD (+1,26%), lên 1.388,8 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 12 trên sàn Comex tăng 13,5 USD (+0,98%), lên 1.386,5 USD/ounce.

Giá dầu tăng vọt: Lo ngại Mỹ sẽ tấn công Syria, giá dầu thô tăng vọt trong phiên cuối tuần. Kết thúc phiên phiên 6/9, giá dầu thô tại thị trường New York tăng 2,16 USD (+1,95%), lên 110,53 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,86 USD (+0,74%), lên 116,12 USD/thùng.