Phố Wall có tuần giao dịch tệ nhất từ đầu năm 2013 - Ảnh: Reuters

Phố Wall có tuần giao dịch tệ nhất từ đầu năm 2013 - Ảnh: Reuters

Điểm tin quốc tế nổi bật sáng 6/4

(ĐTCK) Dữ liệu việc làm yếu kém của Mỹ đã kéo chứng khoán toàn cầu và giá dầu giảm mạnh, trong khi giá vàng lại thể hiện được vai trò nơi trú ẩn.

Phố Wall tăng giảm đan xen: Trong tuần qua, Phố Wall có những phiên tăng điểm đan xen, sau phiên tăng là phiên giảm điểm. Sau khi phục hồi trở lại ngày thứ Năm nhờ thông tin Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) nới lỏng mạnh chính sách tiền tệ và bơm tiền cứu nền kinh tế Nhật, Phố  Wall đã giảm trở lại trong phiên cuối tuần với dữ liệu việc làm yếu kém.

Theo dữ liệu vừa được Bộ Lao động Mỹ công bố ngày thứ Sáu, số việc tạo thêm trong lĩnh vực phi nông nghiệp trong tháng 3 của Mỹ chỉ là 88.000, mức thấp nhất trong 9 tháng và thấp hơn nhiều so với con số dự báo trước đó là 200.000. Cũng theo Bộ Lao động Mỹ, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ giảm 1 điểm phần trăm, xuống mức 7,6%. Tuy nhiên, phần giảm này chủ yếu là do số người ra khỏi độ tuổi lao động nhiều lên trong tháng vừa qua, chứ không phải là nền kinh tế tạo thêm được nhiều việc làm.

Thông tin tiêu cực từ dữ liệu việc làm cho thấy đà phục hồi của nền kinh tế lớn nhất thế giới chưa thực sự sáng sủa. Thông tin này đã kéo chứng khoán giảm trở lại trong phiên cuối tuần. Như vậy, sau phiên tăng mạnh, giúp S&P lập đỉnh cao mới, chứng khoán Mỹ đã giảm trở lại sau đó và có tuần giao dịch tồi tệ nhất tính từ đầu năm 2013.

Cụ thể, kết thúc phiên 5/4, chỉ số Dow Jones giảm 40,86 điểm (-0,28%), xuống 14.565,25 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 6,70 điểm (-0,43%), xuống 1.553,28 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 21,12 điểm (-0,65%), xuống 3.203,86 điểm.

Trong tuần, chỉ số Dow Jones giảm 0,1%, chỉ số S&P giảm 1% và chỉ số Nasdaq giảm 1,9%.

Chứng khoán châu Âu lao dốc: Những thông tin tiêu cực từ Mỹ, cùng với việc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) không đưa thêm ra chính sách nào để hỗ trợ nền kinh tế ngoài việc duy trì mức lãi suất hiện có khiến chứng khoán châu Âu lao dốc. Kết thúc phiên 5/4, chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 94,34 điểm (-1,49%), xuống 6.249,78 điểm. Chỉ số DAX của Đức giảm 158,64 điểm (-2,03%), xuống 7.658,75 điểm. Chỉ số  CAC 40 giảm 62,68 điểm (-1,68%), xuống 3.663,48 điểm.

Chứng khoán Nhật Bản tiếp tục tăng: Do kết thúc trước khi dữ liệu việc làm của Mỹ được công bố, nên chính sách nới lỏng tiền tề của BOJ được đưa ra trước đó 1 ngày tiếp tục giúp chứng khoán Nhật Bản tăng mạnh, trong khi chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kông vẫn duy trì đà giảm của mình sau khi giao dịch trở lại sau ngày nghỉ lễ. Cụ thể, kết thúc phiên 5/4, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 199,10 điểm (+1,58%), lên 12.833,64 điểm. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông giảm 610,59 điểm (-2,73%), xuống 21.726,9 điểm. Thị trường chứng khoán Trung Quốc vẫn nghỉ lễ.

Giá vàng tăng mạnh trở lại: Dữ liệu việc làm của Mỹ cho thấy nền kinh tế này phục hồi chưa chắc chắn, vì vậy thúc đẩy nhà đầu tư đổ tiền vào vàng như là kênh trú ẩn trước các bất ổn về chính trị, kinh tế, giúp kim loại quý này tăng vọt sau 3 phiên giảm điểm liên tiếp. Kết thúc phiên 5/4, giá vàng giao ngay trên sàn New York tăng 28,70 USD, lên 1.582,30 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 4 trên sàn Comex tăng 25,6 USD lên 1.575,4 USD/ounce.

Giá dầu tiếp tục giảm: Việc Mỹ công bố dữ liệu việc làm yếu kém khiến giá dầu tiếp tục giảm mạnh phiên thứ 3 liên tiếp. Kết thúc ngày 4/4, giá dầu Brent giảm 2,22 USD, xuống 104,12 USD/ounce. Giá dầu thô tại thị trường NewYork giảm 0,56 USD, xuống 92,70 USD/thùng.