Phố Wall có phiên giảm thứ 3 liên tiếp do lo ngại FED sẽ cắt giảm gói QE3 - Ảnh: Reuters

Phố Wall có phiên giảm thứ 3 liên tiếp do lo ngại FED sẽ cắt giảm gói QE3 - Ảnh: Reuters

Điểm tin quốc tế nổi bật sáng 4/12

(ĐTCK) Chứng khoán toàn cầu lao dốc khi hoạt động bán tháo xảy ra trên diện rộng, bởi tâm lý lo sợ FED sẽ cắt giảm gói QE3 sau dữ liệu kinh tế tích cực.

Phố Wall tiếp tục mất điểm: Chứng khoán Mỹ tiếp tục có phiên giảm điểm thứ 3 liên tiếp khi nhà đầu tư lo ngại dữ liệu kinh tể khả quan sẽ khiến Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sớm cắt giảm chương trình mua trái phiếu trị giá 85 tỷ USD/tháng (QE3).

Hoạt động chốt lời hàng loạt đã diễn ra trong phiên thứ Ba, kéo các chỉ số chính của Phố Wall đánh mất các mốc điểm quan trọng đã đạt được sau chuỗi 9 tuần tăng điểm ấn tượng trước đó.

Ngoài ra, cổ phiếu ngành bán lẻ tiếp tục bị bán mạnh khi các doanh nghiệp bán lẻ công bố lỗ ngay trong mùa kinh doanh cuối năm.

Kết thúc phiên 3/12, Dow Jones giảm 94,15 điểm (-0,59%, xuống 15.914,62 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 5,75 điểm (-0,32%), xuống 1.795,15 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 8,06 điểm (-0,20%), xuống 4.037,20 điểm.

Hôm thứ Hai (2/12), dữ liệu sản xuất tháng 10 và tốc độ chi tiêu xây dựng tháng 10 của Mỹ khả quan, cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới đã phục hồi vững chắc, bất chấp việc Chính phủ Mỹ phải tạm ngừng hoạt động 2 tuần trong tháng 10.

Thứ Tư (4/12), thêm các dữ liệu kinh tế quan trọng được công bố là doanh số bán nhà mới, chỉ số dịch vụ và số lượng làm việc mới trong lĩnh vực từ nhân.

Tuy nhiên, số liệu quan trọng nhất là bảng lương phi nông nghiệp được công bố vào thứ Sáu, đây là dữ liệu quan trọng, ảnh hưởng tiên quyết đến quyết định của FED với gói QE3.

Chứng khoán châu Âu giảm mạnh: Ảnh hưởng từ Mỹ, chứng khoán châu Âu đã có phiên giảm mạnh nhất kể từ tháng 8/2013. Hoạt động bán tháo đã diễn ra trên diện rộng của chứng khoán châu Âu làm bay hơi mất 50 tỷ euro vốn hóa thị trường trong phiên thứ Ba.

Thông thường, các dữ liệu kinh tế lạc quan sẽ hỗ trợ cho thị trường chứng khoán, tuy nhiên, trong trường hợp này, kinh tế Mỹ lạc quan đồng nghĩa với việc FED sẽ cắt giảm gói kích thích kinh tế, khiến nhà đầu tư lo lắng và rút tiền về. Điều này ảnh hưởng tới các thị trường hàng hóa nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng.

Kết thúc phiên 3/12, chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 62,90 điểm (-0,95%), xuống 6.532,43 điểm. Chỉ số DAX của Đức giảm 178,56 điểm (-1,90%), xuống 9.223,40 điểm. Chỉ số CAC 40 của Pháp giảm 113,37 điểm (-2,65%), xuống 4.172,44 điểm.

Cũng trong phiên 3/12, giới đầu tư ở châu Âu đã chốt lời mạnh cổ phiếu ngành xe hơi khi nhóm cổ phiếu này tăng mạnh nhất từ đầu năm. Tuy nhiên, JPMorgan vẫn đánh giá lạc quan về triển vọng của ngành xe hơi khi trong năm 2014 kinh tế châu Âu sẽ phục hồi, nhu cầu của thị trường Trung Quốc và Bắc Mỹ cũng sẽ tốt hơn.

Cổ phiếu của các hãng hàng không như Air France của Pháp hay Lufthansa của Đức cũng giảm mạnh trên dưới 4% khi trường hợp đầu tiên có người mắc bệnh cúm gia cầm H7N9 ở Hồng Kông, lo ngại sẽ lây lan ra khắp khu vực và toàn cầu.

Chứng khoán châu Á trái chiều: Nhờ đồng yên giảm mạnh so với với các đồng yên mạnh khác là USD và euro hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu, Chứng khoán Nhật Bản đã phục hồi mạnh mẽ trở lại trong phiên 3/12 và đóng cửa ở mức cao nhất 6 năm.

Ngoài ra, việc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản tiếp tục chính sách tiền tệ nới lỏng và bơm 70 tỷ USD/tháng để hỗ trợ nền kình tế, quyết tâm đưa nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới tăng trưởng sau 15 năm đình trệ cũng hỗ trợ tốt cho thị trường chứng khoán.

Chứng khoán Trung Quốc cũng hồi phục trở lại, trong khi chứng khoán Hồng Kông lại đảo chiều giảm và nhanh chóng trả lại mốc 24.000 điểm đã dành được trong phiên đầu tuần.

Chứng khoán Hồng Kông giảm mạnh khi vùng lãnh thổ này phát hiện trường hợp vi rút cúm gia cầm H7N9 lần đầu tiên xuất hiện ở người, gây tâm lý lo sợ cho người dân nói chung và các nhà đầu tư nói riêng. Kinh tế sẽ bị ảnh hưởng mạnh một khi bệnh cúm này lây lan trên diện rộng.

Kết thúc phiên 3/12, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 94,59 điểm (+0,60%), lên 15.749,66 điểm. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông giảm 128,08 điểm (-0,53%), xuống 23.910,47 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tăng 15,30 điểm (+0,69%), lên 2.222,67 điểm.

Giá vàng hồi nhẹ: Sau khi lao dốc mạnh trong phiên đầu tuần, đánh mất mốc kháng cự ngắn hạn 1.220 USD/ounce, giá vàng gần như đi ngang trong suốt phiên giao dịch ngày 3/12 và kết thúc phiên với mức tăng nhẹ.

Kết thúc phiên 3/12, giá vàng giao ngay trên sàn New York tăng 5 USD/ounce (+0,41%), lên 1.224,3 USD/ounce.

Giá vàng giao tháng 12 giảm 0,6 USD, xuống 1.221,7 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 2/2014 giảm 1,1 USD, xuống 1.220,8 USD/ounce.

Giá dầu tiếp tục tăng vọt: Trong khi các thị trường khác lo ngại về đợt cắt giảm gói QE3 của FED, thì giá dầu lại hưởng lợi lớn từ dữ liệu kinh tế khả quan vừa được công bố khi có phiên tăng mạnh thứ 2 liên tiếp.

Kết thúc phiên 3/12, giá dầu thô tại thị trường New York tăng 2,22 USD (+2,27%), lên 96,04 USD/thùng.