Giới đầu tư Phố Wall đang hướng sự chú ý vào cuộc họp sắp tới của FED - Ảnh: Reuters

Giới đầu tư Phố Wall đang hướng sự chú ý vào cuộc họp sắp tới của FED - Ảnh: Reuters

Điểm tin quốc tế nổi bật sáng 29/1

(ĐTCK) Dù dữ liệu kinh tế khả quản, giới đầu tư Phố Wall vẫn khá thận trọng và đang hướng sự chú ý vào cuộc họp sắp tới của FED.

Chứng khoán Mỹ điều chỉnh: Ngày thứ Hai (28/1), Bộ Thương mại Mỹ công bố báo cáo với sự gia tăng bất ngờ về đơn đặt hàng của các nhà máy trong lĩnh vực công nghiệp (không kể các đơn đặt hàng quân sự) tăng trong tháng 12/2012. Dữ liệu này cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới đang có dấu hiệu phục hồi dần và nhà đầu tư đang chờ đợi Mỹ công bố GDP quý IV/2012, cũng như dữ liệu việc làm tháng trong những ngày tới để biết rằng nền kinh tế Mỹ có thực sự đã hồi phục hay không. Bên cạnh đó, thị trường cũng đón nhận thông tin tích cực khác khi Hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch đã tạm thời rút lại lời cảnh báo hạ bậc tín nhiệm AAA trong ngắn hạn của Mỹ do vấn đề nợ công đã tạm được giải quyết.

Tuy đón những thông tin tích cực, nhưng chứng khoán Mỹ đã đảo chiều giảm trở lại sau 8 phiên tăng liên tiếp trước đó, chuỗi tăng dài nhất trong 8 năm. Tuy nhiên, chỉ số Nasdaq vẫn duy trì được sắc xanh nhờ cổ phiếu của Apple phục hồi sau những phiên lao dốc mạnh cuối tuần trước. Phố Wall điều chỉnh dù nhận nhiều thông tin tích cực bởi nhà đầu tư tỏ ra thận trọng trước chuỗi tăng điểm dài của thị trường, cũng như đang chờ đợi vào các thông tin tiếp theo và nhất là cuộc họp đầu năm mới, kéo dài 2 ngày của FED.

Kết thúc phiên ngày 28/1, chỉ số Dow Jones giảm 14,05 điểm (-0,10%), xuống 13.881,93 điểm. Chỉ số S&P500 giảm 2,78 điểm (-0,18%), xuống 1.500,18 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 4,59 điểm (+0,15%), lên 3.154,30 điểm.

Chứng khoán châu Âu trái chiều: Chứng khoán châu Âu đã giảm mạnh về cuối phiên, trong đó chứng khoán Anh và Pháp vẫn còn giữ mức tăng nhẹ, trong khi Chứng khoán Đức giảm điểm. Chứng khoán châu Âu giảm sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu cho biết, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng khu vực thời gian qua chưa được đi vào nền kinh tế trong thực tế. Người tiêu dùng và các doanh nghiệp sản xuất vẫn còn e ngại, chưa dám tiếp cận với nguồn vốn từ ngân hàng, dẫn chứng là dòng vốn tín dụng ngân hàng từ cuối năm 2012 đến nay vẫn chưa được cải thiện. Đây là tín hiệu cho thấy, cuộc suy thoái kéo dài của kinh tế khu vực châu Âu chưa kết thúc. Kết thúc phiên 28/1, chỉ số FTSE 100 của Anh tăng 9,96 điểm (+0,16%), lên 6.294,41 điểm. Chỉ số DAX của Đức giảm 24,97 điểm (-0,32%), xuống 7.833,00 điểm. Chỉ số CAC 40 của Pháp tăng 2,73 điểm (+0,07%), lên 3.780,89 điểm.

Chứng khoán Trung Quốc tăng mạnh: Phiên đầu tuần trên thị trường châu Á có phần ngược lại với phiên cuối tuần trước. Trong khi thị trường chứng khoán Nhật Bản điều chỉnh giảm trở lại thì chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kông lại đảo chiều tăng, nhất là chứng khoán Trung Quốc có phiên tăng mạnh. Kết thúc phiên 28/1, chỉ số Nekkei 225 của Nhật Bản giảm 102,34 điểm (-0,94%), xuống 10.824,31 điểm. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông tăng 91,45 điểm (+0,39%), lên 23.671,88 điểm. Chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc tăng 55,20 điểm (+2,41%), lên 2.346,51 điểm.

Giá vàng tiếp tục giảm nhẹ: Những tín hiệu tích cực từ nền kinh tế Mỹ, cùng với việc đồng USD tiếp tục tăng so với đồng euro khiến giá vàng tiếp tục giảm nhẹ. Kết thúc phiên 28/1, giá vàng giao ngay giảm 4,80 USD/ounce, xuống 1.654,50 USD/ounce. Đây là phiên giảm thứ 3 liên tiếp của giá vàng. Giá vàng giao tháng 2/2013 giảm 3,7 USD/ounce, xuống 1.652,9 USD/ounce.

Giá dầu tiếp tục tăng nhẹ: Giá dầu tiếp tục tăng nhẹ phiên thứ 3 liên tiếp khi tín hiệu tích cực từ nền kinh tế được công bố. Kết thúc phiên 28/1, giá dầu thô giao tháng 2/2013 tăng 0,42 USD/thùng, lên 96,51 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,08 USD/thùng, lên 113,48 USD/thùng.