Dù giảm mạnh cuối phiêu, Phố Wall vẫn giữ được sắc xanh - Ảnh: Reuters

Dù giảm mạnh cuối phiêu, Phố Wall vẫn giữ được sắc xanh - Ảnh: Reuters

Điểm tin quốc tế nổi bật sáng 27/11

(ĐTCK) Dù chứng khoán Mỹ lao mạnh cuối phiên khi niềm tin tiêu dùng gây thất vọng, nhưng Nasdaq vẫn vượt 4.000 điểm lần đầu tiên sau 13 năm kể từ khi bong bóng dot-com bị vỡ năm 2000.

Phố Wall lao dốc cuối phiên: Có mức tăng rất tốt trong phần lớn thời gian giao dịch của phiên 26/11 nhờ dữ liệu lạc quan của chỉ số xây dựng và giá nhà tăng. Tuy nhiên, các chỉ số chứng khoán Mỹ đã lao mạnh trong những phút cuối phiên khi chỉ số niềm tin tiêu dùng được công bố với con số đáng thật vọng.

Ngoại trừ chỉ số Nasdaq duy trì đà tăng tốt nhờ được hỗ trợ bởi các cổ phiếu công nghệ có kết quả kinh doanh tốt, thì chỉ có may mắn mới giữ 2 chỉ số Dow Jones và S&P500 trên sát mốc tham chiếu.

Giấy phép xây dựng nhà trong tương lai cũng đạt mức năm 5,5 năm và chỉ số giá nhà ở trong tháng 10 được cải thiện so với tháng 9.

Dữ liệu của Mỹ hôm thứ Ba cũng cho thấy, niềm tin tiêu dùng của Mỹ giảm khi người Mỹ lo lắng về công việc tương lai của họ.

Dù may mắn có được sắc xanh nhạt, nhưng cũng đủ để Dow Jones tiếp tục lập đỉnh cao mới, trong khi Nasdaq đã chính thức chinh phục thành công mốc 4.000 điểm lần đầu tiên sau 13 năm kể từ khi bong bóng dot-com bị vỡ vào năm 2000.

Kết thúc phiên 26/11, chỉ số Dow Jones tăng 0,26 điểm (+0,00%), lên 16.072,80 điểm, chỉ số S&P 500 tăng 0,27 điểm (+0,01%), lên 1.802,75 điểm, chỉ số Nasdaq tăng 23,18 điểm (+0,58%), lên 4.017,75 điểm.

Đồng USD giảm: Chỉ số USDIndex giảm xuống 80,599 điểm. So với đồng yên, đồng bạc xanh cũng lui về mức 101,27 yên từ mức đỉnh 6 tháng 101,91 yên của thứ Hai. Trong khi đó, đồng euro lại tăng lên mức cao nhất tuần 1,3575 USD, chuẩn bị tiến đến mức cao của tuần trước là 1,3584 USD và mức cao của tháng này là 1,3589 USD.

Chứng khoán châu Âu đảo chiều: Chứng khoán châu Âu giảm điểm trong phiên thứ Ba khi mùa công bố kết quả kinh doanh kết thúc với kết quả thất vọng hơn chờ đợt của nhà đầu tư. Ngoài ra, thị trường chứng khoán châu Âu còn bị tác động bởi niềm tin tiêu dùng của Mỹ thấp hơn dự kiến.

Kết thúc phiên 26/11, chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 58,40 điểm (-0,87%), xuống 6.636,22 điểm. Chỉ số DAX của Đức giảm 9,88 điểm (-0,11%), xuống 9.290,07 điểm. Chỉ số CAC 40 của Pháp giảm 6,06 điểm (-0,14%), xuống 4.295,91 điểm.

Chứng khoán châu Á giảm nhẹ:

Việc chứng khoán Nhật Bản lên mức cao nhất 5,5 năm và đồng USD tăng trở lại so với đồng yên đã kích thích hoạt động chốt lãi khiến thị trường này giảm khá mạnh trong phiên 26/11. Các thị trường chứng khoán Hồng Kông và Trung Quốc tiếp tục giảm nhẹ từng bước một.

Các thị trường chứng khoán châu Á giảm điểm còn do nguyên nhân nhà đầu tư lo sợ rủi ro về căng thẳng giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc leo thang sau khi Trung Quốc đơn phương tuyên bố vùng phòng không trên biển Hoa Đông.

Kết thúc phiên 26/11, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 103,89 điểm (-0,67%), xuống 15.515,24 điểm. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông giảm 3,17 điểm (-0,01%), xuống 23.681,28 điểm. Chỉ số Shanghai Composite giảm 3,04 điểm (-0,14%), xuống 2.183,07 điểm.

Theo giới phân tích, thị trường chứng khoán Nhật Bản sẽ tiếp tục chịu áp lực chốt lời trong phiên 27/11 và nhiều khả năng Nikkei 225 sẽ có thêm phiên giảm điểm.

Giá vàng giảm trở lại: Sau khi hồi phục mạnh trong phiên 25/11, giá vàng nhanh chóng giảm trở lại trong phiên 26/11.

Kết thúc phiên 26/11, giá vàng giao ngay trên sàn New York giảm 9,6 USD/ounce (-0,77%), xuống  1.242,00 USD/ounce.

Giá vàng giao tháng 12 tăng 0,2 USD, lên 1.241,4 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 2/2014 giảm 0,1 USD, xuống 1.241,5 USD/ounce.

Giá dầu tiếp tục giảm: Dù phục hồi nhẹ trong phiên giao dịch châu Á và châu Âu khi một số nhà phân tích cho rằng, dù phương Tây nới lỏng lệnh trừng phạt Iran, thì quốc gia này cũng khó đẩy mạnh xuất khẩu dầu trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, giá nhiên liệu sau đó giảm trở lại khi Tập đoàn công nghiệp dầu khí Mỹ (API) báo cáo cho biết, kho dữ trữ dầu của Mỹ tăng 6,9 triệu thùng, cao hơn 600.000 thùng so với dự đoán của giới phân tích.

Kết thúc phiên 22/11, giá dầu thô tại thị trường New York giảm 0,41 USD (-0,44%), xuống 93,68 USD/thùng. Giá dầu Brent giảm 0,12 USD (-0,11%), xuống 110,88 USD/thùng.