Giới đầu tư Phố Wall vẫn lo ngại về vấn đề trần nợ công - Ảnh: Reuters

Giới đầu tư Phố Wall vẫn lo ngại về vấn đề trần nợ công - Ảnh: Reuters

Điểm tin quốc tế nổi bật sáng 25/9

(ĐTCK) Phố Wall giảm phiên thứ tư liên tiếp trước những lo ngại về trần nợ công của Mỹ, trong khi vàng đảo chiều đi lên từ dưới mốc 1.310 USD/ounce.

Phố Wall tiếp tục giảm: Trong ngày hôm qua (24/9), một số dữ liệu kinh tế của Mỹ được công bố. Theo số liệu điều chỉnh theo mùa, giá nhà của Mỹ đã tăng 0,6% trong tháng 7, mức thấp hơn dự báo. Tuy nhiên, theo một báo cáo khác của Cơ quan tài chính nhà đất Liên bang Mỹ, giá nhà của Mỹ tăng 1% trong tháng 7 so với tháng 6.

Trong khi đó, giới đầu tư vẫn lo lắng về cuộc đàm phán giữ 2 chính đảng của Mỹ về nới trần nợ công. Nếu cuộc đàm phán này không đi đến thống nhất, nhiều khả năng Chính phủ Mỹ sẽ dừng hoạt động do thiếu kinh phí.

Những thông tin trên khiến Phố Wall đảo chiều đi xuống vào nửa cuối phiên, trong đó, Dow Jones và S&P500 có phiên giảm thứ tư liên tiếp, trong khi Nasdaq phục hồi nhẹ, dù đà tăng bị hãm bớt rất nhiều so phần lớn thời gian của phiên.

Cụ thể, kết thúc phiên 24/9, chỉ số Dow Jones giảm 66,79 điểm (-0,43%), xuống 15.334,59 điểm, chỉ số S&P 500 giảm 4,42 điểm (-0,26%), xuống 1.697,42 điểm, chỉ số Nasdaq tăng 2,97 điểm (+0,08%), lên 3.768,25 điểm.

Chứng khoán châu Âu xanh trở lại: Theo báo cáo vừa được công bố hôm qua, niềm tin kinh doanh của các doanh nghiệp Đức cải thiện trong tháng 9, lên mức cao nhất 17 tháng. Dù mức tăng trong tháng 9 không như mong đợi, nhưng nó vẫn cho thấy sự phục hỗi vững chắc của nền kinh tế lớn nhất châu Âu.  Thông tin này giúp chứng khoán khu vực tăng điểm trở lại sau 2 phiên giảm. Kết thúc phiên 24/9, chỉ số FTSE 100 của Anh tăng 14,09 điểm (+0,21%), lên 6.571,46 điểm. Chỉ số DAX của Đức tăng 29,31 điểm (+0,34%), lên 8.664,60 điểm. Chỉ số CAC 40 của Pháp tăng 23,53 điểm (+0,56%), lên 4.195,61 điểm.

Chứng khoán châu Á giảm nhẹ: Chứng khoán châu Á giảm nhẹ khi giới đầu tư lo ngại về việc FED sẽ cắt giảm gói QE3 vào cuối năm nay như phát biểu của một số quan chức của cơ quan hoạch định chính sách này. Điều này khiến đồng yên của Nhật Bản tăng trở lại so với đồng USD, ảnh hưởng đến nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới. Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc cũng đã giảm trở lại sau chuỗi tăng mạnh nhờ dữ liệu kinh tế tích cực của nước này được công bố trước đó. Kết thúc phiên 24/9, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 9,81 điểm (-0,07%), xuống 14.732,61 điểm. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông giảm 192,50 điểm (-0,82%), xuống 23.179,04 điểm. Chỉ số Shanghai Composite giảm 13,51 điểm (-0,61%), xuống 2.207,53 điểm.

Giá vàng đảo chiều: Giảm mạnh trong phiên giao dịch châu Á và châu Âu, lùi xuống dưới mốc 1.310 USD/ounce. Tuy nhiên, bước sang phiên giao dịch Mỹ, giá vàng đã đảo chiều đi lên và tiến gần sát mức đóng cửa của phiên hôm trước. Kết thúc phiên 24/9, giá vàng giao ngay trên thị trường New York giảm 1,3 USD, xuống 1.324,1 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 12 giảm 10,7 USD (-0,81%), xuống 1.316,3 USD/ounce.

Giá dầu hãm đà giảm: Sau 3 phiên giảm mạnh liên tiếp, đà giảm của giá dầu đã hãm lại trong phiên 24/9. Giá dầu giảm khi cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran có đường ra khi Thổng thống của nước này đồng ý đàm phán với các nước phương Tây về vấn đề hạt nhân. Kết thúc phiên 24/9, giá dầu thô tại thị trường New York giảm 0,46 USD (-0,45%), xuống 103,13 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu thô Brent phục hồi, tăng 0,48 USD (+0,44%), lên 108,64 USD/thùng.