Phố Wall lình xình theo kết quả kinh doanh của các công ty - Ảnh: Reuters

Phố Wall lình xình theo kết quả kinh doanh của các công ty - Ảnh: Reuters

Điểm tin quốc tế nổi bật sáng 25/7

(ĐTCK) Phố Wall vẫn lình xình do tác động của kết quả kinh doanh; chứng khoán châu Âu tăng nhờ PMI khả quan; vàng và dầu giảm mạnh khi đồng USD tăng giá.

Phố Wall tiếp tục lình xình: Kết quả kinh doanh trái ngược tiếp tục khiến Phố Wall lình xình trong biên độ hẹp. Dow Jones đã giảm trở lại sau 1 phiên tăng, trong khi S&P 500 cũng giảm vào cuối phiên, dù trong phiên có lúc đã thiết lập cao nhất lịch sử trong phiên là 1.698,78 điểm. Trong khi đó, Nasdaq lại phục hồi nhẹ nhờ sự hỗ trợ các cổ phiếu công nghệ như Facebook, Apple.

Cụ thể, kết thúc phiên 24/7, chỉ số Dow Jones giảm 25,5 điểm (-0,16%), xuống 15.542,24 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 6,45 điểm (-0,38%), xuống 1.685,94 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng nhẹ 0,33 điểm (+0,01%), đứng ở mức 3.579,6 điểm.

 Chứng khoán châu Âu tăng trở lại: Trong khi Phố Wall vẫn lình xình bởi tác động trái chiều của kết quả kinh doanh, thì chứng khoán châu Âu đã tăng khá trở lại nhờ chỉ số PMI lạc quan. Cụ thể, theo dữ liệu vừa công bố, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) tăng lên mức cao nhất 18 tháng, từ 48,7 trong tháng 6, lên 50,4 trong tháng 7. Mức trên 50 cho thấy kinh tế eurozone đã có dấu hiệu tăng trưởng. Cụ thể, kết thúc phiên 23/7, chỉ số FTSE 100 của Anh tăng 22,99 điểm (+0,35%), lên 6.620,43 điểm. Chỉ số DAX của Đức tăng 64,88 điểm (+0,78%), lên 8.379,11 điểm. Chỉ số CAC 40 của Pháp tăng 39,66 điểm (+1,01%), lên 3.962,75 điểm.

Chứng khoán châu Á biến động nhẹ: Ảnh hưởng của chứng khoán Âu, Mỹ của phiên 23/7, chứng khoán châu Á đã giảm trở lại trong phiên 24/7. Ngoài ra, chứng khoán châu Á còn bị ảnh hưởng bởi chỉ số PMI tháng 7 của Trung Quốc không khả quan. Cụ thể, kết thúc phiên 23/7, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm nhẹ 47,23 điểm (-0,32%), xuống 14.731,28 điểm. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông tăng 53,51 điểm (+0,24%), lên 21.968,93 điểm. Chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc giảm 10,55 điểm (-0,52%), xuống 2.033,33 điểm.

Giá vàng giảm mạnh: Trong phiên 24/7, đồng USD đã tăng mạnh nhờ dữ liệu nhà ở được công bố khả quan. So với rổ tiền tệ chung, đồng bạc xanh đã tăng lên 82,298 từ mức đáy 81,937 của 3 ngày trước. So với đồng yên, đồng USD cũng lấy lại mốc 100 khi đạt 100,32 yên, từ mức 99,37 yên. Việc đồng USD tăng mạnh khiến cho giá vàng giảm mạnh sau 2 phiên tăng trước đó. Kết thúc phiên 24/7, giá vàng giao ngay trên sàn New York gỉam 24,5 USD (-1,82%), xuống 1.319,60 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 trên sàn Comex lại giảm 16,5 USD (-1,24%), xuống 1.319,5 USD/ounce.

Giá dầu giảm mạnh: Cũng giống như giá vàng, giá dầu giảm mạnh gần 2% trong phiên 24/7 do đồng USD tăng giá và hoạt động chốt lời tiếp tục diễn ra. Kết thúc ngày 24/7, giá dầu Brent giảm 1,23 USD (-1,15%), xuống 107,19 USD/ounce. Giá dầu thô tại thị trường NewYork giảm 1,84 USD (-1,75%), xuống 105,39 USD/thùng.