Phố Wall mất 354,4 tỷ USD sau 5 phiên kể từ khi FED công bố cắt giảm gói kích thích kinh tế - Ảnh: Reuters

Phố Wall mất 354,4 tỷ USD sau 5 phiên kể từ khi FED công bố cắt giảm gói kích thích kinh tế - Ảnh: Reuters

Điểm tin quốc tế nổi bật sáng 25/6

(ĐTCK) Ảnh hưởng từ quyết định của FED và dữ liệu không mấy tích cực của kinh tế Trung Quốc, chứng khoán toàn cầu tiếp tục giảm mạnh.

Phố Wall lại giảm mạnh: Sau phiên phục hồi cuối tuần qua, Phố Wall đã nhanh chóng giảm mạnh trở lại trong phiên giao dịch đầu tuần mới. Phố Wall giảm mạnh trở lại khi nhà đầu tư lo ngại sau chương trình cắt giảm gói kích thích vào giữa năm sau, FED có thể sẽ thắt chặt chính chính sách tiền tệ.

Ngoài ra, một thông tin khác cũng ảnh hưởng mạnh tới Phố Wall là sự chững lại của kinh tế Trung Quốc. Theo báo cáo cuối tuần trước của HSBC, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất 9 tháng, đồng thời hạ mức dự báo tăng trưởng trong năm nay của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới xuống 7,4% từ mức 8,2% trước đó.

Những thông tin trên khiến giới đầu tư đẩy mạnh bán ra, kéo các chỉ số mất hơn 1%.

Cụ thể, kết thúc phiên 24/6, chỉ số Dow Jones giảm 139,84 điểm (-0,94%), xuống 14.659,56 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 19,34 điểm (-1,21%), xuống 1.573,09 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 36,49 điểm (-1,09%), xuống 3.320,76 điểm.

Trong 5 phiên giảm mạnh kể từ khi FED chính thức công bố cắt giảm gói kích thích kinh tế từ cuối năm nay và kết thúc vào giữa năm sau, Phố Wall đã mất đi 354,4 tỷ USD. Trong khi tính chung thị trường chứng khoán toàn cầu cũng bay hơi mất 1.000 tỷ USD.

Chứng khoán châu Âu tiếp tục giảm mạnh: Ảnh hưởng bới các thông tin không mấy tích cực từ Mỹ và châu Á, chứng khoán châu Âu tiếp tục kéo dài chuỗi ngày giảm điểm. Trong phiên đầu tuần mới, các thị trường chính của chứng khoán châu Âu tiếp tục giảm mạnh. Cụ thể, kết thúc phiên 24/6, chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 130,41 điểm (-2,12%), xuống 6.029,10 điểm. Chỉ số DAX của Đức giảm 96,79 điểm (-1,24%), xuống 7.692,45 điểm. Chỉ số CAC 40 của Pháp giảm 62,41 điểm (-1,71%), xuống 3.595,63 điểm.

Chứng khoán châu Á lao dốc: Lo ngại về việc FED cắt giảm gói kích thích kinh tế, cũng như thông tin không mấy tích cực từ nền kinh tế Trung Quốc, các thị trường chứng khoán châu Á cũng giảm mạnh, đặc biệt là chứng khoán Trung Quốc lao dốc với mức giảm 5,3%. Ngoài tín hiệu chững lại của nền kinh tế, nhà đầu tư Trung Quốc còn lo ngại Ngân hàng Trung ương nước này sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ, càng khiến cho nền kinh tế gặp khó khăn hơn. Những lo lắng trên khiến giới đầu tư ở Trung Quốc bán tháo cổ phiếu trong phiên đầu tuần, kéo thị trường chứng khoán Thượng Hải giảm 5,3%. Cụ thể, kết thúc phiên 24/6, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 167,35 (-1,26%), xuống 13.062,78 điểm. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông giảm 449,33 điểm (-2,22%), xuống 19.813,98 điểm. Chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc giảm 109,86 điểm (-5,30%), xuống 1.963,24 điểm.

Giá vàng giảm trở lại: Việc đồng USD tiếp tục tăng giá, cùng với tín hiệu không khả quan của nền kinh tế Trung Quốc, một trong những thị trường chủ yếu của kim loại quý khiến giá vàng giảm trở lại sau phiên phục hồi cuối tuần qua. Kết thúc phiên 24/6, giá vàng giao ngay trên sàn New York giảm 15,3 USD (-1,18%), xuống 1.283,3 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 trên sàn Comex giảm 14,9 USD (-1,15%), xuống 1.277,1 USD/ounce.

Giá dầu tăng trở lại: Trong khi giá vàng giảm trở lại, thị giá dầu lại đi ngược xu thế, dù nền knh tế thế giới có những tín hiệu không mấy tích cực. Giá dầu tăng trong phiên đầu tuần khi giới đầu tư lo ngại nguồn cung từ Canada sẽ gặp khó khăn, khiến giá dầu thô trên thị trường Mỹ tăng mạnh, trong khi do ảnh hưởng từ nền kinh tế Trung Quốc, nước tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới, nên giá dầu Brent chỉ nhích nhẹ. Kết thúc ngày 24/6, giá dầu Brent tăng 0,14 USD, lên 101,05 USD/ounce. Giá dầu thô tại thị trường NewYork tăng 1,55 USD (+1,66%), lên 95,18 USD/thùng.