Phố Wall phục hồi sau 2 phiên giảm mạnh - Ảnh: Reuters

Phố Wall phục hồi sau 2 phiên giảm mạnh - Ảnh: Reuters

Điểm tin quốc tế nổi bật sáng 14/6

(ĐTCK) Doanh số bán lẻ và dữ liệu thất nghiệp khả quan giúp Phố Wall phục hồi hơn 1% sau 2 phiên giảm mạnh liên tiếp trước đó.

Phố Wall phục hồi mạnh mẽ: Sau 2 phiên giảm mạnh do lo ngại về việc các Ngân hàng Trung ương cắt giảm gói kích thích kinh tế, chứng khoán Mỹ đã phục hồi hơn 1% trong phiên 13/6 khi dữ liệu kinh tế được công bố khả quan.

Theo dữ liệu được công bố, doanh số bán lẻ trong tháng 5 tăng hơn dự kiến, trong khi số đơn nộp xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần qua có dấu hiệu giảm. Dữ liệu này cho thấy khả năng phục hồi của nền kinh tế Mỹ khá khả quan, tạm thời xoa tan lo ngại về việc FED cắt giảm gói kích thíchkinh tế.

Cụ thể, kết thúc phiên 13/6, chỉ số Dow Jones tăng 180,85 điểm (+1,21%), lên 15.176,08 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 23,84 điểm (+1,48%), lên 1.636,36 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 44,94 điểm (+1,32%), lên 3.445,37 điểm.

Chứng khoán châu Âu phục hồi cuối phiên: Mở cửa giảm mạnh do tác động của những lo ngại về kinh tế thế giới sau khi WB cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế của các quốc gia mới nổi, thị trường xuất khẩu chính của các nước châu Âu, cùng với lo ngại về chính sách của các Ngân hàng Trung ương lớn. Tuy nhiên, sau khi dữ liệu kinh tế tích cực của Mỹ được công bố, các thị trường chứng khoán chính của châu Âu đã dần hồi phục và đi lên khá mạnh vào cuối phiên. Tuy nhiên, thời gian còn lại của phiên giao dịch không đủ để các thị trường bật tăng mạnh, mà chỉ có chứng khoán Anh và Pháp chớm xanh, trong khi chứng khoán Đức hãm đà giảm. Cụ thể, kết thúc phiên 13/6, chỉ số FTSE 100 của Anh tăng 5,18 điểm (+0,08%), lên 6.304,63 điểm. Chỉ số DAX của Đức giảm 47,88 điểm (-0,59%), xuống 8.095,39 điểm. Chỉ số CAC 40 của Pháp tăng 4,28 điểm (+0,11%), lên 3.797,98 điểm.

Chứng khoán châu Á giảm mạnh: Báo cáo của Nhóm Ngân hàng thế giới (WB) hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của khu vực châu Á - Thái Bình Dương và các quốc gia mới nổi khiến thị trường chứng khoán châu Á đồng loạt lao dốc. Cùng với đó, việc đồng yên tăng giá so với đồng USD khiến chứng khoán Nhật mất tới hơn 6,3%, đây là mức giảm trong ngày lớn thứ 2 trong 2 năm qua. Cụ thể, kết thúc phiên 13/6, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 843,94 (-6,35%), xuống 12.445,38 điểm. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông giảm 467,62 điểm (-2,19%), xuống 20.887,04 điểm. Chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc giảm 62,54 điểm (-2,83%), xuống 2.148 điểm.

Giá vàng giảm nhẹ: Dữ liệu kinh tế khả quan, cùng với việc đồng USD tăng giá khiến giá vàng giảm nhẹ trong phiên 13/6. Kết thúc phiên 13/6, giá vàng giao ngay trên sàn New York giảm 3,2 USD, xuống 1.384,4 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 trên sàn Comex giảm 14,2 USD, xuống 1.377,8 USD/ounce.

Giá dầu tiếp tục tăng: Dù đồng USD tăng giá, nhưng dữ liệu kinh tế Mỹ khả quan giúp giá dầu tiếp tục tăng mạnh. Kết thúc ngày 13/6, giá dầu Brent tăng 1,46 USD, lên 104,84 USD/ounce. Giá dầu thô tại thị trường NewYork tăng 0,81 USD, lên 95,88 USD/thùng.