Giới đầu tư lo ngại việc FED sẽ cắt giảm gói kích thích kinh tế - Ảnh: Reuters

Giới đầu tư lo ngại việc FED sẽ cắt giảm gói kích thích kinh tế - Ảnh: Reuters

Điểm tin quốc tế nổi bật sáng 1/6

(ĐTCK) Lo ngại FED cắt giảm gói kích thích kinh tế, chứng khoán toàn cầu đã giảm mạnh trong phiên cuối tuần. Vàng và dầu cũng theo bước.

 

Phố Wall giảm mạnh: Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ đã tăng lên mức cao nhất 13 tháng trong phiên cuối tháng 5, lên ngang với mức của 2 ngày trước đó do dù dấu hiệu lạm phát vẫn ở mức thấp.

Dữ liệu tăng trưởng sản xuất của khu vực Trung Tây của Mỹ đã có dấu hiệu phục hồi, tuy nhiên chi tiêu tiêu dùng của người dân Mỹ giảm trong tháng 4. Viện quản lý nguồn cung của Chicago cho biết, chỉ số kinh doanh tăng lên 58,7 từ mức 49 trong tháng 4 và vượt qua mức dự báo 50 của các nhà kinh tế.

Theo cuộc khảo sát hàng tháng của Reuters phối hợp với Đại học Michigan khảo sát, niềm tin tiêu dùng của người dân Mỹ trong tháng 5 tăng lên mức 84,5, mức cao nhất từ tháng 7/2007 và cao hơn mức kỳ vọng trước đó của giới phân tích là 83,7.

Tuy có nhiều thông tin hỗ trợ chứng khoán, nhưng sự thận trọng trước  “đe dọa” cắt giảm gói kích thích kinh tế của FED khiến Phố Wall giảm mạnh trong phiên giao dịch cuối tuần, cũng là phiên giao dịch cuối cùng của tháng 5.

Cụ thể, kết thúc phiên 31/5, chỉ số Dow Jones giảm 208,96 điểm (-1,36%), lên 15.115,57 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 23,67 điểm (-1,43%), xuống 1.630,74 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 35,38 điểm (-1,01%), xuống 3.455,91 điểm.

Tính chung trong tuần, Dow Jones giảm 1,2%, S&P500 giảm 1,1% Nasdaq giảm 0,1%. Đây là tuần giảm thứ 2 liên tiếp của S&P500 và là lần đầu tiên kể từ tháng 11/2012, chỉ số này có 2 tuần giảm liên tiếp. Tuy nhiên, tính trong tháng 5/2013, chỉ số Dow Jones tăng 1,9%, chỉ số S&P 500 tăng 2,1%, chỉ số Nasdaq tăng 3,8%. Đây tháng thứ 7 tăng liên tiếp, chỉ số S&P 500 tăng điểm, mức dài nhất kể từ năm 2009. Còn xét từ đầu năm, chỉ số này vẫn tăng 14,3%, là mức tăng tốt nhất trong  5 tháng đầu năm kể từ năm 1997.

Chứng khoán châu Âu giảm điểm: Lo ngại về việc FED cắt giảm gói kích thích kinh tế, chứng khoán châu Âu cũng giảm mạnh trong phiên cuối tuần. Cụ thể, kết thúc phiên 31/5, chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 73,9 điểm (+1,11%), lên 6.583,09 điểm. Chỉ số DAX của Đức giảm 51,36 điểm (-0,61%), xuống 8.348,84 điểm. Chỉ số CAC 40 của Pháp giảm 47,72 điểm (-1,19%), xuống 3.948,59 điểm.

Chứng khoán châu Á trái chiều: Chứng khoán Nhật Bản hồi phục sau phiên lao dốc, trong khi chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kông tiếp tục giảm điểm. Cụ thể, kết thúc phiên 31/5, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 185,51 (+1,37%), lên 13.774,54 điểm. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông giảm 92,15 điểm (-0,41%), xuống 22.392,16 điểm. Chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc giảm 17,15 điểm (-0,74%), xuống 2.300,59 điểm.

Giá vàng giảm mạnh trở lại: Sau phiên tăng mạnh, vượt qua mốc 1.400 USD/ounce nhờ các dữ liệu kinh tế kém và nhu cầu vàng vật chất từ Trung Quốc, giá vàng đã nhanh chóng giảm mạnh trở lại trong phiên cuối tuần khi đồng USD tăng giá. Kết thúc phiên 31/5, giá vàng giao ngay trên sàn New York giảm  27,1 USD (-1,92%), xuống 1.388,3 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 6 trên sàn Comex giảm 19 USD/ounce (-1,35%), xuống 1.392,8 USD/ounce.

Giá dầu giảm mạnh: Dữ liệu tiêu dùng trong tháng 4 của Mỹ giảm đã khiến giá dầu giảm mạnh trong phiên cuối tuần. Kết thúc ngày 31/5, giá dầu Brent giảm 1,69 USD (-1,66%), xuống 100,39 USD/ounce. Giá dầu thô tại thị trường NewYork giảm 1,64 USD (-1,75%), xuống 91,97 USD/thùng. Tính trong tháng 5, giá dầu Brent giảm 1,9%, trong khi dầu thô của Mỹ giảm 1,6%.