Ông Lê Ngọc Nam, Giám đốc Phân tích và tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Tân Việt (TVSI)
Chỉ số VN-Index vẫn đang giằng co ở mốc 1.350 điểm. Để bứt phá mạnh qua mốc này, cần có sự bùng nổ thanh khoản. Tuy nhiên, một trở ngại hiện tại là margin của các công ty chứng khoán đã gần chạm trần.
Thị trường tháng 10, theo tôi, vẫn có xu hướng tốt cho các cổ phiếu nhóm ngành tài nguyên cơ bản (như thép), thủy sản, phân bón và logistic.
Riêng nhóm ngân hàng sẽ chịu những tác động từ nợ xấu khi vấn đề này đang được thảo luận ngày càng nhiều hơn, dù Thông tư 14 đã giúp các ngân hàng có thêm thời gian cơ cấu, giãn, hoãn các khoản nợ xấu. Có thể, tháng 10 sẽ ghi nhận sự tái phân hóa trong nhóm cổ phiếu ngân hàng và triển vọng sẽ tốt hơn với các ngân hàng có mức nợ xấu thấp hoặc nợ xấu được giải quyết tốt.
Riêng nhóm bất động sản, dù chưa có mối liên hệ rõ ràng của thị trường bất động sản Trung Quốc và Việt Nam, nhưng dưới tác động tiêu cực của vụ đổ vỡ của Tập đoàn
Evergrande, tâm lý đầu tư với cổ phiếu bất động sản trong nước có thể bị ảnh hưởng do nhiều cổ phiếu đang được định giá cao hơn nhiều so với giá trị thực.
Ông Nguyễn Hồng Điệp, CEO Công ty cổ phần Tư vấn Đầu tư S-Talk
Hiện nay, thị trường đang giao dịch ở vùng tương đối ổn định và tích lũy đi ngang 1.320 - 1370 điểm. Ngoài ra, giá của từng loại cổ phiếu cũng đang có xu hướng tích lũy và phục hồi.
Nhìn chung, trong quý III, tất cả những điều gì tiêu cực, ảnh hưởng xấu nhất đến thị trường đã phản ánh rồi.
Do đó, bắt đầu từ quý IV, chúng ta sẽ thấy những câu chuyện mới, câu chuyện về sự kỳ vọng phục hồi. Dù tháng 10, có thể thị trường sẽ chưa tăng mạnh, tăng cao nhưng nó sẽ tăng trưởng bền vững.
Những dòng cổ phiếu có khả năng được phục hồi, hưởng lợi sau dịch sẽ phục hồi mạnh và được nhà đầu tư chú ý nhiều hơn.
Vậy nên, tháng 10 là tháng rất tốt để nhà đầu tư tích lũy và tìm kiếm cổ phiếu có nền tảng, triển vọng tốt.
Lưu ý, nhà đầu tư chỉ nên dùng đòn bẩy với tỷ lệ thấp trong tháng 10, bởi đây chưa phải là tháng để mạnh tay. Có thể những tháng sau, doanh nghiệp bộc lộ tình hình kinh doanh rõ hơn, thị trường ổn định và chắc chắn hơn, nhà đầu tư mới nên dùng đến những đòn bẩy cao.
Ông Nguyễn Việt Quang, Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam
P/E VN-Index hiện tại là 16,42 lần, tương đương mức cùng kỳ năm ngoái. Do vậy, thị trường hiện tại có nhiều điểm tương đồng trong việc tạo ra xu hướng đi ngang và đi lên những vùng cao mới.
Ở thời điểm hiện tại, rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức thấp và dòng tiền vẫn chưa có dấu hiệu rút khỏi thị trường.
Điểm tích cực là chỉ số VNMidcaps xác lập mức đỉnh kỷ lục mới, cho thấy nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa sẽ duy trì đà tăng trưởng trung hạn của mình.
Yuanta kỳ vọng nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn có thể sẽ sớm kết thúc giai đoạn tích lũy nên dòng tiền ngắn hạn có thể gia tăng vào nhóm này.
Với góc nhìn như trên, các cổ phiếu sẽ có diễn biến tích cực là các nhóm được hưởng lợi trực tiếp từ đầu tư công như vật liệu xây dựng và thi công hạ tầng.
Tiếp theo là nhóm được hưởng lợi gián tiếp như logistic và bất động sản, đặc biệt là bất động sản khu công nghiệp.
Ngoài ra, khi nền kinh tế mở cửa các nhóm ngành xuất nhập khẩu, bán lẻ và hàng không sẽ có nhiều cơ hội phục hồi.
Ông Nguyễn Hữu Bình, Giám đốc đầu tư, CTCP Bảo hiểm SHB
Thị trường chứng khoán tháng 10, sẽ có yếu tố tích cực lẫn tiêu cực xuất hiện.
Dòng tiền vẫn sẽ duy trì trên thị trường và nhà đầu tư vẫn còn loay hoay kiếm lời từ trading.
Do đó, thị trường được kỳ vọng biến động thấp với mốc kháng cự 1.300 điểm.
Trong kịch bản thị trường đi ngang, rủi ro lớn nhất là những cổ phiếu đầu cơ, không có nền tảng, bởi khi cuộc vui thoái trào thì không có nhiều cơ hội để tăng trở lại.
Thật lòng mà nói, kể cả như dịch được khống chế tốt thì việc khôi phục sản xuất cũng vô cùng khó khăn, bởi doanh nghiệp đã kiệt sức, nguyên liệu tăng cao, tài chính hạn hẹp, giá vận chuyển tăng cao và lao động thiếu.
Nhìn vào định giá rõ ràng thời điểm hiện nay, việc tìm kiếm được cổ phiếu hấp dẫn để đầu tư là vô cùng khó khăn.
Giá của nhiều cổ phiếu đã tăng mạnh trong 1 năm qua. Với bối cảnh đó, nhà đầu tư không nên mua đuổi mà quên đi những yếu tố cơ bản.
Ông Trần Minh Hoàng, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS)
Đà đi lên của chỉ số chung - với phần lớn tỷ trọng là các cổ phiếu bluechips sẽ gặp khá nhiều khó khăn trong phần còn lại của năm nay.
Trong khi đó, xu hướng dòng tiền tìm đến các cổ phiếu vốn hóa trung bình có định giá rẻ so với mặt bằng chung sẽ vẫn tiếp diễn, ít nhất là trong tháng 10 khi mà mùa công bố báo cáo kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết đang đến gần.
Quý III thường không phải là thời điểm kết quả kinh doanh của các công ty ghi nhận sự tăng trưởng mạnh so với những quý trước.
Mặt khác, việc giãn cách xã hội ở nhiều tỉnh, thành phố trong những tháng vừa qua nhiều khả năng sẽ gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết.
Tuy nhiên, tôi cho rằng vẫn có thể kỳ vọng vào một số điểm sáng tích cực đến từ các nhóm ngành như cảng biển, vận tải biển, sản xuất hóa chất, sản xuất phân bón, công nghệ thông tin, chứng khoán…
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng
Trong tháng 10, cơ hội đến từ việc nền kinh tế có thể sớm mở cửa trở lại, các doanh nghiệp sẽ sớm quay về quỹ đạo sản xuất - kinh doanh của mình.
Tuy nhiên, rủi ro chính là việc mở cửa từ từ mà không thể mở mạnh trong bối cảnh lạm phát thế giới đang cao ảnh hưởng tới Việt Nam.
Các tổ chức kinh tế nước ngoài dần mất kiên nhẫn và đã dần chuyển việc kinh doanh cũng như các đơn hàng ra khỏi Việt Nam, dẫn đến việc các doanh nghiệp trong nước mất hàng loạt đơn hàng, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả kinh doanh sắp tới.
Rất nhiều doanh nghiệp ngành gỗ, thủy sản, dệt may… đã phản ánh vấn đề này trong thời gian qua.
Như vậy, dòng tiền hỗ trợ thị trường hầu hết là của nhà đầu tư cá nhân sẽ khó bền vững nếu các tổ chức và khối ngoại không có dấu hiệu dừng bán ròng.