Điểm mặt các doanh nghiệp có lợi nhuận 6 tháng ấn tượng

Điểm mặt các doanh nghiệp có lợi nhuận 6 tháng ấn tượng

(ĐTCK) Trong bối cảnh khó khăn chung, các DN đạt được 50% kế hoạch cả năm trong 6 tháng qua đã là tín hiệu tốt. Do đó, một số DN có kết quả kinh doanh ấn tượng đã khiến thị trường đặc biệt chú ý.

Ấn tượng con số

Trong hơn 350 DN đã công bố BCTC quý II/2012, số DN có lợi nhuận ấn tượng trong 6 tháng đầu năm ước đạt 1/10. Sự nổi trội của các đơn vị này không chỉ khiến cổ đông nức lòng, mà NĐT cũng thấy lạc quan. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, vẫn có nhiều DN chèo chống giỏi.

Ấn tượng đầu tiên phải kể đến những “cây đa, cây đề” của TTCK như Vinamilk (VNM), Dược Hậu Giang (DHG), Đạm Phú Mỹ (DPM), Hòa Phát (HPG)… So với kế hoạch năm hoặc cùng kỳ năm trước, kết quả kinh doanh của nhiều DN không thực sự nổi bật. Tuy nhiên, nhìn vào con số tuyệt đối, lợi nhuận mà họ đạt được là điều mơ ước của gần như tất cả các DN. Đơn cử, 6 tháng đầu năm 2012, VNM đạt doanh thu 13.266,8 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 2.753 tỷ đồng, bằng 59% kế hoạch lợi nhuận năm. Đây là công ty luôn giữ được mức tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận cao qua các năm (trên 30%/năm). VNM có lợi thế đã tạo được chỗ đứng vững chắc trong ngành sữa - một ngành tăng trưởng mạnh nhất hiện nay tại Việt Nam.

Tương tự, DHG, DPM, PGD cũng là những tên tuổi đứng đầu trong các ngành hấp dẫn khác như dược (DHG), nông nghiệp (DPM), phân phối khí (PGD). Điều này lý giải vì sao bất chấp kinh tế khó khăn, tăng trưởng doanh thu của các DN vẫn ổn định. Thậm chí, doanh thu quý II/2012 của PGD còn tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.

Một số DN như Tập đoàn Bảo Việt (BVH), Tập đoàn Vingroup (VIG), Cơ điện lạnh (REE) có doanh thu quý II/2012 giảm so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, đà suy giảm doanh thu dường như không ảnh hưởng đến lợi nhuận của DN. Tính chung 6 tháng đầu năm 2012, lợi nhuận sau thuế của BVH tăng gần gấp rưỡi, đạt 586 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế của REE tăng gần gấp đôi…

CTCP Dabaco (DBC), CTCP Đầu tư và Phát triển Sacom (SAM) khiến NĐT bất ngờ khi tốc độ tăng lợi nhuận cao gấp nhiều lần so với đà tăng doanh thu. Chẳng hạn, doanh thu của SAM trong quý II/2012 chỉ tăng 13,1%, nhưng lợi nhuận tăng tới 213,2% so với cùng kỳ năm trước. Hay lợi nhuận sau thuế của DBC trong quý II/2012 là 58,9 tỷ đồng, tăng 242,4%, trong khi doanh thu chỉ tăng 33,3% so với cùng kỳ năm trước.

Điểm mặt các doanh nghiệp có lợi nhuận 6 tháng ấn tượng ảnh 1

 

Soi vào chi tiết

Một điểm nổi lên trong kết quả lợi nhuận là nhiều DN tăng lợi nhuận đều ít nhiều dựa vào những nguồn thu khác. Đó là những khoản hoàn nhập dự phòng đã giúp DN giảm được đáng kể chi phí tài chính như BVH (hoàn nhập 130 tỷ đồng trong 6 tháng), CTCK Sài Gòn (SSI, hoàn nhập 120 tỷ đồng), SAM (40,4 tỷ đồng). Với REE, cơ cấu nguồn thu tài chính chiếm phần lớn trong tổng lợi nhuận (quý II/2012 là 66,7% tổng lợi nhuận); khi doanh thu tài chính tăng 63% trong quý II/2012, lợi nhuận sau thuế của REE cũng tăng mạnh.

Trong quý II/2012, lợi nhuận sau thuế của VIC, DBC tăng chủ yếu nhờ những khoản thu đột biến. VIC ghi nhận 464,2 tỷ đồng từ các hợp đồng đầu tư, trong khi cùng kỳ năm ngoái, khoản thu này chỉ đạt 87,6 tỷ đồng. Với DBC, nếu không nhờ khoản lãi từ bất động sản ước hơn 349 tỷ đồng, kết quả kinh doanh của DBC đã giảm sút, chứ không đột biến như con số thể hiện. SAM cũng nhờ kinh doanh bất động sản mà lợi nhuận tăng mạnh.

Trên thực tế, các DN đã rất nỗ lực để có kết quả kinh doanh tốt. Đa số DN cố gắng tìm cách tăng thu, giảm chi. SAM đã trả hết nợ ngân hàng để giảm gánh nặng lãi vay. Hiện khoản vay của SAM đã giảm còn 1/3 so với trước, chủ yếu vay của Công ty Bất động sản Hiệp Phú. Hay PGD, DMP là những doanh nghiệp không vay ngân hàng.

Nhưng những khó khăn biểu hiện qua chi phí giá vốn tăng và các chi phí khác tăng vẫn đang chực chờ các DN. Cụ thể, giá vốn của DPM trong quý II/2012 đã tăng lên mức 68,5% doanh thu so với 56,6% của cùng kỳ năm trước. Vì thế, đà tăng lợi nhuận của DPM đã không cao như đà tăng doanh thu. Các DN có lợi nhuận chủ yếu từ những khoản thu bất thường sẽ càng lo hơn nữa.