Điểm mặt các CTCK tách bạch tiền của NĐT

Điểm mặt các CTCK tách bạch tiền của NĐT

(ĐTCK) Trong 100 CTCK cung cấp dịch vụ môi giới, số CTCK công bố thực hiện tách bạch tài khoản tiền gửi của NĐT với tài khoản của CTCK vẫn còn khá ít.

> Bài 1: Cận cảnh việc quản lý tiền của NĐT  

Vi phạm khó bị xử lý

Ba tháng trước, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đã có quyết định xử phạt 60 triệu đồng đối với CTCK VSM, do không thực hiện tách bạch tiền gửi giao dịch chứng khoán của NĐT với tiền của Công ty trong khoảng thời gian từ 1/1/2011 đến 30/9/2011, vi phạm quy định tại Khoản 2 Điều 71 Luật Chứng khoán, Điểm a Khoản 1 Điều 32 Quyết định 27/2007/QĐ-BTC ngày 24/4/2007 về việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động CTCK. Trước đó, các CTCK như Công nghiệp Việt Nam, An Phát, Chợ Lớn, Thái Bình Dương cũng bị xử phạt vì lý do tương tự.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, đây chỉ là những CTCK bị xử phạt do “sơ suất” trong việc hạch toán kế toán mà UBCK phát hiện được. Trên thực tế, việc lạm dụng tiền của NĐT có thể diễn ra hết sức tinh vi, thông qua hệ thống 2 loại sổ sách, nhằm “qua mặt” các cơ quan quản lý và kiểm toán. Chỉ khi nào công ty gặp khó khăn, không cân đối được các nguồn thì mới bị lộ.

Mới đây, một số CTCK bị NĐT phản ánh, không thể rút được tiền trong tài khoản. Đây là biểu hiện rõ nhất về nguy cơ tài khoản của NĐT bị lạm dụng. Chính vì vậy, để có thể “triệt tiêu” tình trạng này, việc chuyển quyền quản lý tài khoản tiền gửi thanh toán của NĐT chứng khoán sang ngân hàng cần phải được thực hiện quyết liệt, triệt để.

Hiện có ít nhất 6 ngân hàng đã thực hiện quản lý tách bạch tài khoản tiền cùa NĐT chứng khoán

 

Công nghệ có vướng mắc?

Mặc dù nhiều CTCK kêu ca rằng, việc tách bạch tiền gửi chi tiết tới từng tài khoản NĐT khó thực hiện được, do liên quan đến công nghệ của các ngân hàng. Tuy nhiên, hiện đã có ít nhất 6 ngân hàng thực hiện dịch vụ quản lý này là BIDV, ACB, Eximbank, Vietcombank, OCB và VIB Bank.

Trước kia, NĐT phải đến ngân hàng để nộp tiền vào một tài khoản duy nhất của CTCK tại ngân hàng, với nội dung được ghi chú thêm là nộp tiền vào tài khoản chứng khoán của NĐT. Sau đó, NĐT cầm giấy xác nhận của ngân hàng đem đến nộp cho CTCK để được xác nhận có tiền. Quy trình rút tiền ngược lại, NĐT phải được CTCK cấp cho giấy rút tiền, rồi mới đem ra ngân hàng lĩnh tiền từ tài khoản của CTCK. Đơn vị quản lý tiền trực tiếp của NĐT là CTCK.

Nay, mỗi NĐT có một tài khoản tiền gửi thanh toán chứng khoán tại ngân hàng. NĐT muốn nộp hoặc rút tiền chỉ cần đến ngân hàng, mà không cần phải thông qua CTCK. Đơn vị quản lý tiền trực tiếp của NĐT là ngân hàng. Khi sử dụng tài khoản tách biệt, bất cứ lúc nào NĐT cũng có thể kiểm soát số dư của mình thông qua sao kê ngân hàng hay các tiện ích như E-Banking, Mobile Banking. Hơn nữa, CTCK chỉ có thể tác động đến số dư tài khoản của NĐT thông qua các nội dung đã được ủy quyền như thanh toán tiền mua chứng khoán, trả phí..., chứ không thể tự động “cắt tiền” trong tài khoản của khách hàng.

Theo ông Hoàng Công Nguyên Vũ, Giám đốc Khối nghiệp vụ và IT, CTCK Kim Eng, hiện có hai phương pháp kết nối giữa CTCK và ngân hàng là “đồng bộ số dư” và “truy vấn số dư”. Truy vấn số dư có thể hiểu đơn giản là “CTCK hỏi - ngân hàng trả lời”. Khi nhà đầu đặt lệnh, CTCK sẽ kết nối với ngân hàng để kiểm tra số dư trong tài khoản khách hàng. Trong khi đó, đồng bộ số dư là ngân hàng chủ động cập nhật cho CTCK biết NĐT đang có bao nhiêu tiền, giảm tải cho việc kết nối, giảm thời gian chờ đợi trả lời từ ngân hàng, nên tốc độ đặt lệnh nhanh hơn. Đây cũng là giải pháp được Kim Eng nghiên cứu cùng với Eximbank triển khai nhằm quản lý tách bạch tài khoản NĐT ngay từ những ngày đầu hoạt động. Hiện nay, Kim Eng có 21.000 tài khoản của NĐT và tất cả những tài khoản này đều được tách bạch tiền gửi tại Ngân hàng Eximbank.

 

Rục rịch chuyển đổi

Nếu như một số CTCK trực thuộc ngân hàng như ACBS, BSC… nhận được sự hẫu thuận từ phía ngân hàng mẹ, thì những CTCK khác phải tự tìm cách chuyển đổi việc quản lý tiền của NĐT. Để có thể tồn tại, các CTCK này bắt buộc phải tìm đến các ngân hàng đối tác để ký hợp đồng hợp tác, mặc dù những điều khoản của hợp đồng còn nhiều điều đáng bàn.

Kể từ ngày 1/4/2012, CTCK Hà Thành (HASC) sẽ thực hiện việc liên kết giữa tài khoản giao dịch tiền tại Công ty với tài khoản cá nhân NĐT tại Ngân hàng BIDV. Theo đó, các NĐT mở tài khoản giao dịch tại HASC có thể thực hiện các giao dịch về tiền tại bất kỳ địa điểm nào của BIDV.

Trước đó, CTCK Á Âu (AAS) đã công bố áp dụng việc quản lý tài khoản tiền gửi giao dịch chứng khoán độc lập bằng tài khoản cá nhân của khách hàng tại VIB Bank, kể từ 1/3/2012. Theo ông Nguyễn Thành Chung, Tổng giám đốc AAS, Công ty chỉ “cắt” tiền từ tài khoản khách hàng nếu lệnh mua được khớp và tự động chuyển tiền bán chứng khoán vào tài khoản khách hàng trong ngày tiền về theo quy định.

CTCK Sao Việt (VSSC) cho biết, Công ty vừa thực hiện liên kết thanh toán với hai ngân hàng là Phương Đông (OCB) và BIDV. CTCK An Thành (ATSC) cũng đã kết nối với Vietcombank trong việc mở tài khoản tiền gửi thanh toán của NĐT.

Ông Hoàng Công Nguyên Vũ, CTCK Kim Eng cho rằng: “UBCK cần phải làm quyết liệt hơn bởi hiện nay quan trọng nhất là lấy lại niềm tin cho NĐT. Nếu quy định này được áp dụng một cách đồng bộ thì NĐT sẽ không còn vướng bận nỗi lo mất mát tài sản của mình. Ngoài ra, sẽ tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng hơn giữa các CTCK, tạo tiền đề cho thị trường tiến tới sự chuyên nghiệp”.