Chỉ số của TTCK Việt Nam đầu năm nay giảm điểm chủ yếu do các yếu tố bên ngoài như lo ngại tốc độ tăng trưởng kinh tế suy giảm của Trung Quốc và một số nền kinh lớn khác như Nga, Australia, các nước Ả rập đang dựa vào xuất khẩu các hàng hóa cơ bản, nhất là các sản phẩm dầu mỏ. Do giá hàng hóa cơ bản giảm nhiều, nên ảnh hưởng đến các nền kinh tế này, qua đó tác động tiêu cực đến TTCK của họ, cũng như toàn cầu. Việt Nam không nằm ngoài xu hướng chung đó.
Tuy nhiên, điểm khác của TTCK Việt Nam là việc giảm điểm mang tính tức thời và theo xu hướng chung trong thời gian ngắn. Sở dĩ như vậy, bởi khác với nhiều nước, kinh tế vĩ mô của Việt Nam tiếp tục ổn định và có thêm tín hiệu tích cực khi lạm phát, tỷ giá được kiểm soát, tốc độ tăng trưởng GDP năm nay có triển vọng tăng cao hơn năm trước. Do đó, chính những lúc TTCK giảm điểm lại là cơ hội tốt để đầu tư giá trị. Đây là điều NĐT cần lưu ý khi cân nhắc cơ hội đầu tư trong năm nay.
Trong khi nhiều nền kinh tế và TTCK trên thế giới bất ổn, sự ổn định trong thế đi lên của Việt Nam đang tạo ra ưu thế cho TTCK thu hút thêm vốn ngoại trong năm nay.
Liệu ưu thế như ông vừa nói có sớm trở thành hiện thực khi cuối năm ngoái, đầu năm nay, dòng vốn ngoại rút khá nhiều ra khỏi TTCK Việt Nam?
Sự rút vốn này chỉ mang tính tức thời. Nếu nhìn tổng thể, đúng là trong năm 2015, TTCK Việt Nam gặp không ít khó khăn trong thu hút và giữ chân dòng vốn ngoại, nhưng nếu nhìn vào kết quả huy động vốn ngoại của các nhà lập quỹ, có thể thấy không ít điểm sáng.
Đơn cử như SSIAM, trong năm qua, Công ty đã huy động được 2 quỹ với tổng vốn 50 triệu USD từ NĐT ngoại. Từ kết quả khả quan này, chúng tôi tin rằng, trong năm nay sẽ huy động thêm được vốn ngoại để đầu tư vào TTCK Việt Nam.
Các quỹ ETF nội được nhìn nhận là một kênh tiềm năng trong hút dòng vốn ngoại, nhưng chưa mấy hiệu quả. Vì sao lại như vậy và theo ông, cách nào để khắc phục tình trạng này?
Kinh nghiệm thế giới cho thấy, để một sản phẩm mới từ lúc xuất hiện trên thị trường cho đến khi thành công trung bình cần khoảng 10 năm. Trong khi hai quỹ ETF của Việt Nam mới có hơn một năm hoạt động, nên đến nay các quỹ này vẫn là sản phẩm mới. Dẫu vậy, các quỹ ETF nội địa bước đầu có được những thành công nhất định, khi các thành viên thị trường dần biết nhiều hơn về sản phẩm này.
Riêng với quỹ E1VFVN30, bước đầu có thanh khoản, giao dịch khá tích cực, huy động thêm được dòng tiền. NĐT ngoại quan tâm nhiều hơn đến quỹ ETF nội địa, đặc biệt là kể từ khi có thông tin nới room. Họ bắt đầu rót vốn vào quỹ này với hy vọng quy mô của quỹ sẽ dần lớn hơn.
Một khi những vướng mắc trong triển khai quy định nới room sớm được tháo gỡ, nhiều khả năng NĐT ngoại sẽ đầu tư mạnh vào quỹ ETF. Sắp tới, khi triển khai TTCK phái sinh và quy chế về nhà tạo lập thị trường, sẽ hỗ trợ tích cực cho các quỹ ETF tăng thanh khoản. Khi quy mô của quỹ ETF lớn dần, sẽ là một kênh hút vốn ngoại tốt.
SSI có sáng kiến nào để tháo gỡ vướng mắc cho vấn đề nới room?
Chúng tôi được biết Bộ Tài chính, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang nỗ lực phối hợp xây dựng một nghị định để trình Chính phủ ban hành nhằm tháo gỡ vướng mắc cho các doanh nghiệp trong việc nới room.
Các thành viên thị trường đang hy vọng văn bản này sẽ sớm được ban hành và đưa vào áp dụng. Đây được xem là giải pháp tốt nhất trong bối cảnh hiện nay, chứ nếu triển khai theo hướng khác, chẳng hạn như cho phép phát hành chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR) cũng sẽ phải xử lý nhiều về pháp lý vì phải sửa nhiều quy định liên quan.