“Nóng” chuyện cho vay qua ứng dụng

“Nóng” chuyện cho vay qua ứng dụng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Gõ trên Google từ khóa “vay tiền qua app” - một hình thức vay mới xuất hiện vài năm gần đây - chỉ 0,48 giây đã cho ra khoảng 36.800.000 kết quả...

Vùng “xám”, hay câu chuyện ngoài vòng pháp luật?

Không cần những chiến dịch quảng cáo rầm rộ trên các phương tiện thông tin đại chúng, hay những biển bảng quảng cáo lớn ngoài trời tại những vị trí đắc địa, hoặc thuê người nổi tiếng quảng bá thương hiệu của hệ thống ngân hàng, các công ty tài chính, hàng trăm trang cho vay qua app (ứng dụng) với những cái tên như “Vay tiền qua app, Vay tiền online cấp tốc, App vay tiền online mới uy tín…” đang âm thầm len lỏi vào cuộc sống hàng ngày của người dân.

Một câu nói được cho là câu “thần chú” tại VietCredit đó là: “Quý khách cân nhắc vay trong khả năng chi trả”, thì việc cho vay qua app luôn tìm mọi cách lôi kéo người vay bằng mọi giá.

Không cần tài sản thế chấp, không chứng minh thu nhập hay những thủ tục đủ quy trình của các tổ chức tín dụng, người dân chỉ cần có chứng minh thư nhân dân, số điện thoại là dễ dàng được hướng dẫn vay tiền qua app rất nhanh và gọn từ 5-50 triệu đồng.

Điều đáng chú ý là các ứng dụng này đều công bố mức lãi suất không vượt quá 20%/năm theo quy định của pháp luật.

Thế nhưng, theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, 20%/năm chỉ là mức lãi suất niêm yết bởi vay 100 đồng chỉ được nhận 70 đồng và ngoài ra, người vay còn phải trả các loại phí như giải ngân, quản lý, thẩm định…, một loạt các loại phí mà pháp luật chưa có quy định.

Theo đó, người vay và người cho vay tự thỏa thuận nên không thể quy về tội làm trái pháp luật. Đó là chưa kể đến việc người đi vay không trả đúng hẹn sẽ phải chịu các khoản phí và lãi phạt rất cao.

Đặc biệt, khi không trả được nợ đúng hẹn sẽ bị truy bức, đe dọa đến tính mạng của bản thân cùng người nhà, thậm chí dồn đến đường cùng khiến người vay phải tự tử như trường hợp giảng viên một trường cao đẳng tại Kiên Giang được báo chí đưa tin.

Đầu tháng 6 vừa qua, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP.HCM phối hợp với Đội Cảnh sát hình sự Công an quận 1, Công an phường Phạm Ngũ Lão (T.HCM) đã kiểm tra trụ sở Công ty TNHH Cashwagon (số 17 Tôn Thất Tùng, phường Phạm Ngũ Lão) - một cơ sở cho vay qua ứng dụng công nghệ bị tố cáo cho vay với lãi suất cao, đồng thời nhân viên có hành vi “khủng bố” tinh thần khách vay, cùng bạn bè, người thân của họ.

Sau khi Công ty Cashwagon bị kiểm tra, nhiều nạn nhân đã đến Công an TP.HCM trình báo việc họ bị “dồn đến chân tường” bởi các app như: Cashwagon, ATM Online, Uvay, Doctordong, Sago…

Viết một app cho vay không quá 2 tỷ đồng

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, lãnh đạo cao cấp một công ty tài chính cho biết, ở nước ngoài cho vay qua app được chia làm 2 nhóm.

Thứ nhất, các công ty Fintech thực sự được sinh ra với ý nghĩa sử dụng công nghệ để mang một phương thức tài chính mới phục vụ khách hàng. Ví dụ như, Grab Finance, Go-Jek có hệ sinh thái khách hàng lớn luôn đa dạng hóa sản phẩm và cho vay tài chính là một trong những sản phẩm của công ty Fintech. Tuy nhiên, những công ty này vẫn khá hiếm trong khu vực châu Á, thậm chí là Đông Nam Á.

Thứ hai, đại đa số các công ty còn lại cho vay qua app bản chất là hình thức trá hình tinh vi của xã hội đen.

Tìm hiểu của phóng viên cho thấy, hiện số lượng các công ty tài chính chính thống thực hiện hình thức cho vay qua app tại Việt Nam rất hiếm bởi lo ngại việc người đi vay lẫn lộn giữa bên cho vay chính thống và tín dụng đen.

Hầu hết hoạt động cho vay qua app hiện thuộc những công ty không có giấy phép để thực hiện kinh doanh tài chính. Tóm lại, vay qua app bản chất là hình thức biến tướng của vay tín dụng đen, cho vay nặng lãi.

“Viết ra một app cho vay không quá 2 tỷ đồng là thực hiện được và Trung Quốc đang rất giỏi trong triển khai việc này. Tín dụng đen vay qua app ở Việt Nam, người chủ phần lớn là người nước ngoài là Trung Quốc và Nga. Và tình trạng này cũng xuất hiện ở các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á”, lãnh đạo cao cấp một công ty Fintech cho biết.

Vị lãnh đạo cao cấp một công ty tài chính cho hay, cho vay ngang hàng khác với cho vay qua app, tuy nhiên, vẫn đang có sự nhầm lẫn và đánh đồng giữa hai khái niệm này.

Do đó, dù rất muốn xây dựng mô hình cho vay qua app nghiêm túc, các công ty tài chính không dám triển khai bởi lo ngại tai tiếng, sự liên lụy từ các app hiện nay.

Trừ phi có sự quản lý của cơ quan quản lý giữa mô hình kinh doanh mới và cũ, tách bạch giữa “mèo trắng và mèo đen”.

“Quản lý chặt chẽ từ Nhà nước có thể chưa có ngay nhưng cũng cần có động thái nhất định để hạn chế những người thấy thị trường béo bở, gia nhập vào rồi làm méo mó dẫn đến dư luận không tốt trong xã hội. Mèo trắng và mèo đen là khác nhau, chứ không thể cuối cùng mèo trắng và mèo đen đều là mèo gây hại”, vị lãnh đạo công ty tài chính nói.

“Cơ quan quản lý nhà nước có lẽ vẫn còn những lúng túng trước hình thức cho vay này”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhận định. Gợi ý về giải pháp phần nào cho câu chuyện này liên quan đến vấn đề lãi suất, ông Hiếu cho rằng, quy định về lãi suất cơ bản, lãi suất 20%/năm nên bỏ. Nhà nước nên tính toán việc áp dụng quy định cho vay nặng lãi sẽ tính từ mức 30% trở lên và 50% nghĩa là cho vay cắt cổ, là hình thức cho vay phạm pháp để điều chỉnh theo quy định của pháp luật.

Những khuyến nghị được lãnh đạo các công ty Fintech và tài chính đưa ra cho rằng, cơ quan quản lý cần có hành động cứng rắn hơn đối với hình thức cho vay qua app hiện nay.

Bên cạnh đó, việc cảnh báo người tiêu dùng về những hình thức cho vay qua app cần được thực hiện rộng rãi hơn, nhưng cần phân biệt rõ tín dụng đen khác với tín dụng chính thống khác.

Không phải là không vay qua app, mà là người dân cần phải được hướng dẫn vay qua những app nghiêm túc.

Ngoài ra, mạnh dạn mở cơ chế thí điểm cho những công ty thực sự làm Fintech được tham gia thị trường, càng có nhiều “người chơi” nghiêm túc tham gia, thị trường sẽ càng hạn chế được tín dụng đen.

Được biết, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra bản dự thảo Nghị định quy định về cơ chế thử nghiệm đối với các Fintech.

Theo đó, giới hạn các lĩnh vực mà Fintech được phép tham gia theo cơ chế thử nghiệm, bao gồm: Thanh toán, tín dụng, hỗ trợ định danh khách hàng, các dịch vụ hỗ trợ hoạt động ngân hàng (chấm điểm tín dụng, tiết kiệm, huy động vốn…), cho vay ngang hàng (P2P Lending)…

“Các cơ quan quản lý nhà nước cần chấp nhận sự thay đổi, cấp phép cho vay qua app tại những công ty hoạt động nghiêm túc và đẩy nhanh tốc độ hoàn thiện quy định pháp lý hơn nữa”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh.

Tin bài liên quan