Dịch vụ hành chính công sẽ do tư nhân làm?

Đưa Trung tâm hành chính công thành Trung tâm dịch vụ công và do tư nhân thực hiện để tạo ra sự cạnh tranh, đem lại dịch vụ hành chính tốt nhất cho người dân là lối đi mà tỉnh Quảng Ninh đang dự tính triển khai.
Dịch vụ hành chính công sẽ do tư nhân làm?

Ông Phạm Minh Chính, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Ninh cho hay, dịch vụ công phải tách ra khỏi cơ quan hành chính nhà nước thì mới có thể minh bạch, công khai và công bằng. Hiện nay, cơ quan quản lý nhà nước đang thực hiện cả 2 chức năng vừa quản lý, vừa thực hiện dịch vụ hành chính công. Hiện Quảng Ninh đã đưa Trung tâm hành chính công của tỉnh và 5 địa phương (Móng Cái, Cẩm Phả, Hạ Long, Vân Đồn, Uông Bí) vào hoạt động.

Tuy nhiên, theo ông Chính, đây vẫn là mô hình do cơ quan quản lý nhà nước thực hiện. Bởi vậy Quảng Ninh đang hướng tới việc đưa các trung tâm này trở thành trung tâm dịch vụ công, do tư nhân thực hiện để tạo ra sự cạnh tranh, đem lại dịch vụ hành chính tốt nhất cho người dân.

Ông Nguyễn Minh Hồng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho hay, phát triển Chính phủ điện tử giúp nắm bắt thông tin kịp thời, chính xác, đầy đủ để đưa ra các quyết định hành chính phù hợp, cung cấp thông tin, dịch vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp, và tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư.

Đánh giá về hiệu quả về mô hình chính quyền điện tử sau thời triển khai, bà Vũ Thị Trung Trinh, Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TP. HCM) chia sẻ, hiện TP. HCM có 24 quận, huyện; 16 sở và 32 ngành triển khai Văn phòng điện tử. Người dân, doanh nghiệp có thể tra cứu kết quả qua điện thoại di động, hoặc được trả kết quả đến tận nhà. Đồng thời, TP. HCM cũng hình thành được cơ sở dữ liệu theo ngành, có sự liên thông, kết nối giữa các cơ quan quản lý nhà nước với nhau, tạo thuận lợi cho việc lưu trữ, bảo quản thông tin, phục vụ cho công tác quản lý nhà nước, tránh chồng chéo.

Còn theo đánh giá của ông Phạm Kim Sơn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng, việc vận hành chính quyền điện tử đã giúp Đà Nẵng tự chủ được chi phí đầu tư, xóa bỏ được tình trạng “cát cứ” thông tin giữa các sở, ngành, các địa phương, tạo thuận lợi cho việc chia sẻ thông tin.

Dẫu vậy, những mô hình mới cũng gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện. Đặc biệt trong việc rà soát và chuẩn hóa toàn bộ các thủ tục hành chính.

Nguồn nhân lực cũng là một trở ngại nữa được ông Võ Đức Hạnh, Phó trưởng Ban Quản lý điều hành dự án xây dựng chính quyền điện tử tỉnh Quảng Ninh nhắc tới khi xây dựng và vận hành trung tâm hành chính công. Bởi, khi làm việc tại đây, các công chức phải chịu áp lực rất cao về sự chính xác, thời gian thực hiện, trong khi chế độ tiền lương, thưởng chưa có sự ưu đãi nào.

Còn tại Đà Nẵng, ông Sơn cũng cho hay, do là địa phương đầu tiên ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng chính quyền điện tử nên chưa có mô hình mẫu nào để học tập. Ngoài ra, ngân sách hạn chế, hạ tầng công nghệ thông tin được đầu tư rời rạc, việc ứng dụng các phần mềm mang tính chất riêng lẻ, tự phát, thiếu các chuẩn để tích hợp đã tạo ra những cản trở nhất định.

Tin bài liên quan