Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam (VITAS) đưa ra 05 kiến nghị “cần và đủ” vì mục tiêu gỡ khó cho doanh nghiệp, người dân liên quan đến các dịch vụ công.
Thứ nhất, việc cần giải quyết ngay, cũng là nền tảng cơ bản nhất là xây dựng quy trình xuyên suốt từ Chính phủ đến các Bộ ngành, địa phương cũng như cơ quan như Tổng Cục hải quan, Tổng Cục thuế,…
Thứ hai, vướng mắc đến từ nhận thức cán bộ công quyền của Trung ương, địa phương và các Bộ ngành nếu không giữ vững quan điểm cũng như xuyên suốt thực hiện nhiệm vụ chiến lược vì mục tiêu chung.
“Tôi nhớ không lầm thì đã ký khoảng 25 văn bản gửi Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ kiến nghị cơ chế chính sách trong ngành dệt may nhưng đã 2 năm mà vẫn không giải quyết được”, ông Vũ Đức Giang chia sẻ và lo ngại vấn đề “sau khi cắt giảm nhiều điều kiện kinh doanh thì nhiều Bộ, ngành biến tướng đưa ra các tiêu chuẩn kỹ thuật, tạo áp lực, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh” như quan điểm của ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát Thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) vừa chia sẻ ngay tại Hội nghị.
Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam lấy ví dụ về một doanh nghiệp vệ tinh thuộc Tập đoàn dệt May Việt Nam bị đề nghị nộp 98 tỷ đồng tiền thuế nhập khẩu với đơn hàng gia công, sau khi mua lại một doanh nghiệp phá sản rồi tổ chức lại hệ thống sản xuất.
“Kiến nghị này đã được đưa ra một năm qua và vẫn chưa nhận được phương thức xử lý từ Tổng Cục hải quan”, ông Giang cho biết.
Kiến nghị thứ tư do đại diện Tập đoàn dệt may Việt Nam đưa ra liên quan đến khả năng khảo sát đánh giá từng quý về tỷ lệ thực hiện trên Cổng thông tin.
Từ đó, Văn phòng Chính phủ mới có thể đưa ra giải pháp dài hạn, mục tiêu tỷ lệ tham gia của doanh nghiệp, người dân cũng như số lượng vướng mắc được giải quyết.
Ngoài ra, trước thực tế phần lớn doanh nghiệp Việt Nam thuộc quy mô nhỏ và vừa, thậm chí hộ kinh doanh cá thể cũng chiếm tỷ lệ cao.
Loại hình doanh nghiệp này gặp phải hạn chế trong đầu tư hạ tầng, máy tính, con người để tiếp cận dịch vụ công trực tuyến nên cần được tiếp cận các chương trình hỗ trợ từ các cơ quan công quyền.
Và kiến nghị cuối cùng liên quan đến công tác truyền thông bằng giải pháp phản ánh từng vấn đề cụ thể của doanh nghiệp, người dân.