Cả 3 mảng chính đều khả quan
Sức mạnh dòng tiền nội đã thúc đẩy thị trường chứng khoán hồi phục mạnh mẽ và thanh khoản tăng đột biến, giúp 3 mảng hoạt động chính của khối công ty chứng khoán là môi giới, dịch vụ tài chính (cho vay giao dịch ký quỹ - margin), tự doanh đều khởi sắc.
Về hoạt động môi giới, cuộc cạnh tranh về phí giao dịch đã bớt “rát” hơn, dù một số công ty chứng khoán nội triển khai các gói ưu đãi phí hấp dẫn không kém so với các công ty chứng khoán ngoại.
Các chương trình kích thích nhà đầu tư tham gia thị trường, thu hút nhà đầu tư mới (F0) được các công ty chứng khoán đẩy mạnh hơn bao giờ hết. Làn sóng F0 đã giúp nhiều công ty tăng lượng tài khoản quản lý lên rất mạnh so với trung bình các năm trước.
Tuy nhiên, tổng số tài khoản chứng khoán tại Việt Nam mới chỉ chiếm gần 3% dân số, trong khi tỷ lệ này tại các nước khác trong khu vực và trên thế giới cao hơn nhiều (Trung Quốc hơn 10%, Hàn Quốc hơn 30%, châu Âu hơn 50%, Mỹ gần 60%).
Công nghệ phát triển và Việt Nam có tỷ lệ tiếp cận Internet ở mức cao trên thế giới là điều kiện tốt để phổ cập kiến thức về thị trường chứng khoán, số lượng tài khoản chứng khoán dự kiến sẽ tiếp tục gia tăng.
Đi kèm với mảng môi giới, các các sản phẩm tài chính (chủ đạo là margin) được nhà đầu tư quan tâm sử dụng. Với việc tăng vốn chủ sở hữu cộng thêm các nguồn vốn vay có chi phí thấp hơn đã góp phần không nhỏ vào bức tranh kinh doanh khởi sắc của khối công ty chứng khoán.
Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam (VNCS) đánh giá, quy mô thị trường chứng khoán Việt Nam hiện đạt gần 200 tỷ USD, tổng giá trị margin trên thị trường khoảng 3 tỷ USD, cho thấy dư địa phát triển dịch vụ tài chính của các công ty chứng khoán còn lớn. Trong khi đó, dự kiến quy mô niêm yết, quy mô nhà đầu tư cũng như thanh khoản thị trường tiếp tục gia tăng.
Ở mảng tự doanh, không ít công ty chứng khoán có hiệu quả đầu tư cao, thậm chí lợi nhuận đột biến năm 2020 có đóng góp không nhỏ từ việc hiện thực hoá một số khoản đầu tư và danh mục hiện tại được coi là “của để dành” cho năm 2021.
Cơ hội rộng mở
Trong năm 2021, hệ thống công nghệ thông tin mới đang được Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM triển khai có thể sớm đi vào vận hành, tạo tiền đề đưa vào ứng dụng các sản phẩm mới như giao dịch trong ngày (T+0), bán khống…
Các sản phẩm phái sinh mới trên chỉ số, trên cổ phiếu và trái phiếu cũng được nghiên cứu triển khai.
Đặc biệt, triển vọng nâng hạng thị trường ngày càng rõ nét hơn. Các yếu tố này cùng với kinh tế tăng trưởng cao, lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết quay lại đà tăng được nhìn nhận sẽ giúp thị trường chứng khoán ngày càng hấp dẫn nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Cổ phiếu chứng khoán thường có những đợt bứt tốc mỗi khi đến kỳ công bố báo cáo kết quả kinh doanh, đặc biệt dịp cuối năm.
Ông Park Won Sang, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam cho rằng, việc thực hiện cải cách thị trường tài chính Việt Nam đang cung cấp cơ hội cho nhiều công ty chứng khoán.
Phần lớn các công ty vẫn tập trung vào hoạt động kinh doanh môi giới chứng khoán, với trọng tâm là cho vay ký quỹ, nhưng các nghiệp vụ khác như ngân hàng đầu tư, đặc biệt là trái phiếu doanh nghiệp, nghiệp vụ phái sinh (bao gồm chứng quyền có bảo đảm) đang dần được đẩy mạnh.
Điểm không thể không nhắc đến trong năm 2021 là Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư sửa đổi có hiệu lực từ đầu năm, tạo điều kiện cho việc thực hiện có hệ thống luật chứng khoán, tháo gỡ vướng mắc liên quan đến ngành nghề kinh doanh có điều kiện, vấn đề sở hữu tối đa của khối ngoại, vấn đề niêm yết của doanh nghiệp FDI và các công ty có nguồn vốn nước ngoài, các quy định thông thoáng hơn trong việc ứng dụng công nghệ để hướng tới mở tài khoản từ xa của các công ty chứng khoán…
Ngoài ra, quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước theo kế hoạch sẽ được đẩy mạnh trong giai đoạn 2021 - 2023, tạo ra những cơ hội lớn trên thị trường chứng khoán Việt Nam so với các thị trường khác trong khu vực.
Cổ phần hóa gắn với niêm yết sẽ giúp thị trường chứng khoán Việt Nam tăng trưởng mạnh về quy mô trong những năm tới, quy mô có thể sớm vượt GDP.
Các yếu tố trên sẽ trợ lực cho thanh khoản trên thị trường thứ cấp, từ đó giúp hoạt động phát hành trên thị trường sơ cấp của các doanh nghiệp niêm yết thành công hơn trong năm 2021.
Đáng chú ý, hoạt động mua bán - sáp nhập (M&A) trên thị trường chứng khoán được nhận định sẽ sôi động hơn trong năm 2021.
Theo ông Park Won Sang, thị trường M&A tại Việt Nam trong 10 năm trở lại đây có quy mô khoảng 50 tỷ USD xét theo giá trị giao dịch, trong đó năm 2020 do ảnh hưởng bởi Covid-19 nên quy mô các thương vụ M&A ước tính chỉ đạt 3,5 tỷ USD, giảm 51,5% so với năm 2019.
Tuy nhiên, năm 2021, dự kiến tình hình dịch bệnh trên toàn cầu sẽ lắng dịu, trong khi Chính phủ Việt Nam có những chính sách hỗ trợ thị trường để thu hút nhà đầu tư nước ngoài, nhiều doanh nghiệp nhà nước lên kế hoạch thoái vốn…
Ngoài ra, Việt Nam vẫn đang củng cố vai trò trong chuỗi sản xuất toàn cầu, triển vọng tăng trưởng kinh tế cao, sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài muốn nhắm đến thị trường tiêu dùng Đông Nam Á được duy trì. Đây là những yếu tố quan trọng giúp thị trường M&A hồi phục.
Theo Viện Nghiên cứu Đầu tư và Mua bán Sáp nhập Việt Nam, các thương vụ M&A lớn từ tháng 6/2019 đến tháng 10/2020 tập trung vào lĩnh vực bất động sản, tài chính - ngân hàng, công nghiệp, bán lẻ, logistics, nông nghiệp, y tế - sức khỏe và xây dựng, với dòng vốn đến từ các nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore. Tổ chức này dự báo, xu hướng này sẽ được duy trì trong thời gian tới.
Thêm vào đó, Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp sửa đổi sẽ có tác động tích cực đến thị trường M&A khi giảm số ngành đầu tư có điều kiện từ 243 xuống 39. Một điểm cộng khác có thể kể đến là việc tăng cường ưu đãi thuế cho đầu tư từ Chính phủ.
Những điều kiện trên là cơ hội để mảng ngân hàng đầu tư của các công ty chứng khoán sôi động trở lại, sau một năm 2020 khá trầm lắng do việc thực hiện giãn cách xã hội, khiến nhiều thương vụ bị trì hoãn.