Đích đến xa xôi với nhiều doanh nghiệp

Đích đến xa xôi với nhiều doanh nghiệp

(ĐTCK) Còn hơn một tháng nữa là kết thúc năm 2017, nhưng với nhiều doanh nghiệp, chặng đường về đích còn rất xa. Thậm chí, nhiều công ty vẫn chưa thoát được vòng luẩn quẩn thua lỗ.

Kết quả kinh doanh suy giảm

Trong khi nhiều doanh nghiệp ngành sữa ghi nhận lợi nhuận lạc quan thì Công ty cổ phần Sữa Hà Nội (HNM) lại ngậm ngùi với kết quả không tích cực. Theo đó, tính đến hết 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần HNM đạt 123,3 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận ròng chỉ đạt 353 triệu đồng, các chỉ tiêu này đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Giải thích cho tình hình kinh doanh sa sút, HNM cho rằng, nguyên nhân chủ yếu đến từ sự cạnh tranh trong ngành sữa ngày càng gay gắt.

Theo kế hoạch, năm 2017, Hanoimilk đặt mục tiêu doanh thu bán hàng 328 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 3,67 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau 9 tháng, Công ty vẫn chưa hoàn thành được 10% kế hoạch lợi nhuận năm. Không chỉ ghi nhận kết quả thụt lùi, cổ phiếu của HNM đã bị tạm ngừng giao dịch do cho đến nay, Công ty chưa nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2016.

Chia sẻ về khả năng hoàn thành kế hoạch, ông Hà Quang Tuấn, Chủ tịch HĐQT HNM cho biết, Công ty đang nỗ lực nhưng khó có thể đạt được mục tiêu đã đặt ra. Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông năm 2017, trả lời cổ đông về việc lợi nhuận thu được quá thấp so với chi phí, ông Tuấn cho biết, HNM đang phải đầu tư rất nhiều cho các dự án bằng nguồn vốn vay ngân hàng, nên chi phí trả lãi cao, vì thế cần ưu tiền nguồn tiền trả gốc và lãi cho nhà băng. HNM kỳ vọng tình hình kinh doanh có thể bớt khó khăn trong năm 2018.

Một doanh nghiệp cũng ghi nhận kết quả kinh doanh sụt giảm nghiêm trọng là Công ty cổ phần Cao su Miền Nam (CSM). Tính riêng trong quý III, dù doanh thu thuần tăng trưởng 11,5%, đạt 877,9 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận trước thuế chỉ đạt vỏn vẹn 3,5 tỷ đồng, giảm 95% so với cùng kỳ năm 2016.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của CSM giảm 72,4% so với cùng kỳ. Với kết quả này, Công ty mới chỉ hoàn thành 18,3% kế hoạch lợi nhuận đã đặt ra sau 3 quý và con đường đi tới đích đang rất khó khăn khi tình hình kinh doanh quý IV chưa có đột biến.

Không chỉ CSM, kết quả kinh doanh của khối doanh nghiệp săm lốp cũng trong tình trạng tương tự khi doanh thu, lợi nhuận thụt lùi và khả năng hoàn thành kế hoạch năm 2017 là rất khó khăn.

Trong cuộc gặp gỡ nhà đầu tư mới đây, Công ty cổ phần Dịch vụ tổng hợp Sài Gòn - Savico (SVC) đã đưa ra những dự báo về kết quả kinh doanh năm 2017 với 2 kịch bản. Cụ thể, theo kịch bản xấu, Savico ước thực hiện 13.000 tỷ đồng doanh số, giảm 5% so với cùng kỳ và 64 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 63% so với kết quả của năm 2016.

Trong khi đó, kịch bản tốt nhất, SVC ước đạt 13.500 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 1%; lợi nhuận sau thuế 154 tỷ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ năm 2016. Như vậy, kể cả trong kịch bản tốt nhất, SVC vẫn sẽ không thể hoàn thành kế hoạch đề ra cho năm 2017 là 14.500 tỷ đồng doanh thu; 200 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Thua lỗ triền miên

Từng làm cho các cổ đông “choáng” bởi tình trạng kinh doanh thụt lùi (từ 2009 - 2014), thêm một lần nữa, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Tổng Hợp 1 Việt Nam (TH1) “dội gáo nước lạnh” cho cổ đông khi công bố lỗ thêm hơn 5 tỷ đồng trong quý III/2017, kéo lỗ lũy kế tính đến ngày 30/9/2017 lên 139,6 tỷ đồng, vượt vốn điều lệ thực góp của Công ty là 135,4 tỷ đồng. Chưa kể, TH1 đang đứng trước “án” hủy niêm yết sau chuỗi ngày dài bị Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đưa vào diện cảnh báo, kiểm soát đặc biệt và chỉ còn giao dịch vào phiên thứ Sáu hàng tuần.

Hiện tại, lãnh đạo TH1 đang nỗ lực thực hiện tái cấu trúc lại doanh nghiệp, đẩy mạnh thu hồi công nợ tồn đọng với các giải pháp: khởi kiện khách nợ không hợp tác hoặc chây ỳ trả nợ; bổ sung ngành nghề buôn bán thực phẩm chức năng; trồng và chăm sóc rừng, khai thác gỗ, sản phẩm từ rừng… để cải thiện tình trạng thua lỗ. Tuy nhiên, chiến lược này có thành công hay không vẫn là một ẩn số.

Đối với những doanh nghiệp thua lỗ triền miên, việc làm thế nào để giảm được khoản lỗ là vấn đề rất đau đầu. Điển hình là Công ty cổ phần Vận tải Biển VOSCO (VOS) đã báo lỗ thêm 58,8 tỷ đồng trong quý III/2017, nâng mức lỗ 9 tháng đầu năm 2017 lên 231 tỷ đồng và đánh dấu quý thua lỗ thứ 11 liên tiếp. Nếu VOS không thể cải thiện được tình trạng này trong quý IV/2017, khả năng cổ phiếu bị hủy niêm yết là rất cao.

Trong khi đó, có những doanh nghiệp lỗ đã “ăn” vào vốn chủ sở hữu như Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Dầu khí Nghệ An (PXA). Cụ thể, khoản lỗ 1,8 tỷ đồng trong quý III/2017 đã nâng khoản lỗ lũy kế của PXA lên 137,5 tỷ đồng, chiếm 91,7% vốn điều lệ, cơ cấu nguồn vốn mất cân đối nghiêm trọng với nợ phải trả gấp 11,4 lần vốn chủ sở hữu.

Tin bài liên quan