Dịch bệnh, mối lo của tỷ giá

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Toàn quốc khối Kinh doanh tiền tệ và thị trường vốn, Ngân hàng HSBC Việt Nam cho rằng, không phải bầu cử tổng thống Mỹ, dịch bệnh Covid-19 mới là yếu tố tác động trực tiếp lên xu hướng của tỷ giá.

Dịch bệnh, mối lo của tỷ giá

Phải đến giữa tháng 1/2021 thì kết quả bầu cử mới ngã ngũ, nhưng giới truyền thông đã loan báo ông Joe Biden đắc cử Tổng thống Mỹ lần thứ 46. Theo ông, điều này tác động như thế nào tới tỷ giá của Việt Nam từ nay đến cuối năm?

Tỷ giá trong nước đã thể hiện xu hướng ổn định trong suốt thời gian qua, bất chấp những biến động mạnh từ các đồng tiền khác trong khu vực, đặc biệt là nhân dân tệ, hay những thông tin liên quan tới cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.

Cặp tỷ giá USD/VND trên thị trường liên ngân hàng bám sát vào tỷ giá mua ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nếu có dao động thì chỉ trong biên độ rất hẹp. Lý do giữ được sự ổn định này là nhờ khả năng sớm kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam, đưa các chỉ số kinh tế vĩ mô quay lại nền tảng vững chắc với chỉ số GDP tăng trưởng dương, lạm phát tăng thấp, cán cân thương mại thặng dư kỷ lục và dự trữ ngoại hối tăng cao.

Trước thực tế này, theo tôi, rủi ro lớn nhất đối với tỷ giá trong nước chủ yếu đến từ các yếu tố bên ngoài, đặc biệt là đại dịch Covid-19 trong bối cảnh làn sóng lây nhiễm mới tiếp tục đặt ra thách thức về khả năng hồi phục kinh tế và chuỗi cung ứng toàn cầu.

Bởi vậy, kết quả bầu cử dù có thế nào cũng sẽ không làm thay đổi bối cảnh vĩ mô này và không tác động trực tiếp lên xu hướng của tỷ giá trong trung và dài hạn. Với Việt Nam, yếu tố quan trọng nhất vẫn nằm ở khả năng nắm bắt cơ hội và các thiết lập chính sách vĩ mô để giúp định hình dòng vốn đầu tư, từ đó định hình xu hướng tỷ giá.

Vậy những yếu tố nào sẽ hỗ trợ sự ổn định của tỷ giá từ nay đến cuối năm?

Việt Nam khởi đầu quý IV/2020 với bức tranh kinh tế vĩ mô tươi sáng hơn, khi mà dịch bệnh Covid-19 tiếp tục được kiểm soát tốt: Ngành chế biến - chế tạo duy trì đà tăng tăng trưởng với mức tăng 8,3%; lạm phát ở mức thấp với mức tăng bình quân 3,71% - thấp hơn mục tiêu 4% mà Chính phủ đặt ra; hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa vẫn giữ được mức tăng trưởng dương, đặc biệt là cán cân thương mại hàng hóa thực hiện xuất siêu kỷ lục 18,72 tỷ USD sau 10 tháng.

Theo chu kỳ, nhu cầu thanh toán, chi trả bằng ngoại tệ của doanh nghiệp thường tăng mạnh dịp cuối năm nên có thể đẩy cao nhu cầu ngoại tệ trong ngắn hạn

Bên cạnh đó, sự phục hồi xuất khẩu đối với ngành hàng may mặc dù có khả năng tiếp tục bị đình trệ do làn sóng lây nhiễm Covid-19 mới ở châu Âu và Mỹ - hai trong số những khu vực xuất khẩu chính của Việt Nam đối với mặt hàng này, song các mặt hàng xuất khẩu liên quan đến công nghệ được kỳ vọng sẽ vẫn tăng trưởng tốt, đóng góp tích cực cho quá trình khôi phục nền kinh tế…

Ngoài ra, cán cân thanh toán luôn thặng dư trong những năm gần đây và dự trữ ngoại hối liên tục đạt mức cao kỷ lục cũng góp phần tạo điều kiện cho NHNN có công cụ nhằm tiếp tục điều hành chính sách vĩ mô theo hướng linh hoạt, chủ động để có thể sẵn sàng hỗ trợ ổn định cán cân cung - cầu ngoại tệ trên thị trường, từ đó ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Tất cả những yếu tố kể trên sẽ hỗ trợ sự ổn định của tỷ giá trong cả trung và dài hạn.

Dự báo về cung - cầu ngoại tệ từ nay đến cuối năm, ông sẽ chia sẻ điều gì?

Về phía cầu ngoại tệ, theo chu kỳ hàng năm, nhu cầu thanh toán, chi trả bằng ngoại tệ của doanh nghiệp thường tăng mạnh vào dịp cuối năm. Bên cạnh đó, các định chế tài chính nước ngoài, nhà đầu tư nước ngoài cũng có xu hướng mua ngoại tệ cuối năm để chuyển lợi nhuận về nước. Các yếu tố này có thể đẩy cao nhu cầu ngoại tệ trong ngắn hạn.

Tuy nhiên, cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu kỷ lục và dự trữ ngoại hối liên tục tăng cao trong năm nay là các yếu tố cơ bản giúp tăng cường nguồn cung ngoại tệ, từ đó đáp ứng đầy đủ, kịp thời các nhu cầu thanh toán ngoại tệ hợp pháp.

Trong bối cảnh bức tranh kinh tế vĩ mô tiếp tục được cải thiện, tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, cùng với những định hướng về thăng hạng thị trường chứng khoán cũng như những cải cách về môi trường đầu tư thông qua cải cách văn bản pháp luật, Việt Nam được kỳ vọng tiếp tục là điểm sáng thu hút dòng vốn đầu tư trong khu vực và trên thế giới, bao gồm cả dòng vốn trực tiếp và gián tiếp.

Tin bài liên quan