Đi tìm vị ‘hôn thê’ cho doanh nghiệp Việt Nam

Đi tìm vị ‘hôn thê’ cho doanh nghiệp Việt Nam

(ĐTCK) “Đến Việt Nam, các bạn sẽ thấy nhiều công trình lớn, nhất là các công trình giao thông, hạ tầng kỹ thuật, có dấu ấn của người Nhật. Nhật Bản đã ghi danh vị trí số 1 về vốn đầu tư trực tiếp và vốn ODA tại Việt Nam và nay, chúng tôi đến đây để giới thiệu với các bạn cơ hội mới từ quá trình cổ phần hóa DNNN. Chúng tôi kêu gọi các bạn quan tâm đến cơ hội này để trở thành những vị “hôn thê” chung thủy của các DN được lựa chọn”.

Phát biểu của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã thúc đẩy sự cởi mở và gần gũi hơn giữa các DN Việt Nam sắp cổ phần hóa với trên 30 đại diện các tổ chức đầu tư Nhật Bản trong không gian hội thảo tại Tokyo ngày 25/4/2014. Nhiều cuộc tiếp xúc song phương giữa DN hai nước đã diễn ra trong chuyến công tác 4 ngày tại Tokyo của cả Đoàn, với một điểm chung là các bên cùng thể hiện sự thiện chí tìm hiểu lẫn nhau, trên nền tảng mối quan hệ giữa hai quốc gia đã được nâng tầm thành đối tác chiến lược, mở đường cho các mối quan hệ kinh tế rộng dài hơn.

Đã là “hôn nhân” thì cần dài hạn

Không phải là chuyến đi xúc tiến đầu tư hay tìm vốn đơn thuần, ẩn trong thông điệp mà người đứng đầu ngành tài chính và Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Phạm Viết Muôn truyền tải đến nhà đầu tư Nhật Bản là mong đợi họ hãy đến và gia tăng đầu tư vào Việt Nam ở vai trò nhà đầu tư chiến lược. Hai DNNN đã sắp lịch bán vốn ra công chúng trong một vài tháng tới là Vinatex và Vietnam Airlines được “ưu ái” trong số các DNNN sắp cổ phần hóa tham gia Đoàn, khi có cơ hội tự giới thiệu với nhà đầu tư Nhật Bản. Hy vọng, đây sẽ là những DN đầu tiên thu hút được nhà đầu tư chiến lược từ đất nước Mặt trời mọc khi Việt Nam đang trong giai đoạn cao điểm tái cấu trúc DNNN, 2014 - 2015.

Trước sự cởi mở của các vị quan khách và DN Việt Nam, nhà đầu tư Nhật đã nêu nhiều câu hỏi: nhà đầu tư chiến lược phải đáp ứng yêu cầu gì? Phải làm gì để có cơ hội trở thành nhà đầu tư chiến lược...? Ông Muôn trả lời rằng, nhà đầu tư chiến lược trước hết phải xác định mình như là đối tác trong cuộc “hôn nhân” với DN Việt, đã khiến rất nhiều nhà đầu tư Nhật mỉm cười và lắng nghe tiếp câu chuyện DN Việt Nam chọn vị “hôn thê” như thế nào.

Ông Hoàng Xuân Vượng, Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết, tiêu chí Việt Nam đưa ra về nhà đầu tư chiến lược là phải có năng lực về tài chính, có cam kết gắn bó lâu dài và có khả năng hỗ trợ DN sau cổ phần hóa... Tóm lại, từ hình thức 100% vốn Nhà nước, trên 400 DN Việt Nam đang chuyển sang hoạt động theo hình thức đa sở hữu, rất cần người đồng hành để chung vai, sát cánh kinh doanh trong nền kinh tế thị trường, lãi cùng hưởng, lỗ cùng chịu.

Tiêu chí cụ thể về nhà đầu tư chiến lược, theo ông Vượng, sẽ phụ thuộc vào đặc thù ngành nghề, lĩnh vực hoạt động của mỗi DN, nhưng chung nhất là cam kết đi cùng DN trong ít nhất 5 năm. “Đã là hôn nhân thì phải đi đường dài, phải không các bạn?”, ông Muôn gợi mở và chia sẻ, không ít DN Việt Nam có thành viên HĐQT, Tổng giám đốc là người nước ngoài, trong đó có nhiều người Nhật Bản.

“Các DNNN khi cổ phần hóa cũng sẵn sàng đón nhận nhà đầu tư chiến lược tham gia sâu hơn vào quản trị, điều hành DN, để cùng bàn, cùng làm, cùng phát triển”, ông Muôn nói.  

Người Nhật vốn thận trọng, kín kẽ và luôn nhìn vấn đề từ tổng thể, chứ không đơn thuần tập trung vào một thương vụ. “Sau 20 năm thực hiện cổ phần hóa DNNN, ảnh hưởng của công cuộc này đối với nền kinh tế Việt Nam là như thế nào?”, ông Tesuya Inoue, chuyên gia Normura nêu câu hỏi.

“Trước năm 1990, Việt Nam chỉ có DN 100% vốn Nhà nước và kinh tế tập thể. Thông qua việc tạo ra các DN đa sở hữu, Việt Nam đã thu hút được vốn của DN vào sản xuất - kinh doanh, thu hút tài năng của xã hội vào quản trị DN. Điều quan trọng nữa là quá trình này đã giúp nhiều DN thu hút nhà đầu tư nước ngoài vào hỗ trợ DN Việt. Các tổ chức lớn như HSBC, Sumitomo, Mizuho... đã đầu tư vào DN đa sở hữu của Việt Nam và các bạn giúp DN Việt lớn mạnh hơn nhiều”, Bộ trưởng Bộ Tài chính nói.

Người Nhật sẽ nắm bắt được cơ hội

Chia sẻ bức tranh kinh tế đang sáng dần tại Việt Nam, với tăng trưởng GDP quý sau cao hơn quý trước, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, Việt Nam tiếp tục đặt mục tiêu số 1 là ổn định kinhh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và giữ tỷ giá hối đoái ổn định. Thực tế, dự trữ ngoại hối của Việt Nam ngày càng tăng cao, đã tăng gấp 3 lần trong 3 năm qua, ước đạt 32 tỷ USD cuối năm 2013 (con số mới nhất, tính đến nay được Thống đốc NHNN đưa ra là 35 tỷ USD). Dòng vốn đầu tư trực tiếp, vốn đầu tư gián tiếp và kiều hối có sự tăng trưởng, là một trong nhiều yếu tố thuận lợi để Việt Nam thực hiện mục tiêu nói trên.

Cũng theo Bộ trưởng, Chính phủ Việt Nam quyết tâm đẩy mạnh cải cách DNNN, đặc biệt chú trọng cổ phần hóa DNNN và gắn với niêm yết, đồng thời thực hiện thoái vốn đầu tư ngoài ngành để tạo động lực thúc đẩy DN phát triển. Trong việc thu hút dòng vốn ngoại, Việt Nam đang tiến hành sửa Luật Đầu tư, đồng thời cho phép nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng cổ phần, giảm tỷ lệ sở hữu của Nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty, bao gồm cả ngân hàng xuống không quá 65%. Trong năm 2013, tỷ lệ đầu tư/GDP ở mức 30%. Để kích thích kinh tế, Chính phủ đã đặt mục tiêu mức đầu tư/GDP khoảng 32%, đầu tư cơ sở hạ tầng được đẩy mạnh để thúc đẩy sự phục hồi của nền kinh tế.

Với thời gian hạn hẹp 1 ngày, Việt Nam đã gói trọn thông điệp về tiến trình cải cách nền kinh tế với cơ hội đang rộng mở, gửi đến nhà đầu tư Nhật Bản. Dù chưa có ngay phản hồi từ phía bạn, nhưng sự có mặt của gần như 100% khách mời, đến từ các DN và tổ chức tài chính uy tín hàng đầu Nhật Bản đã cho thấy, sự kiện có tầm quan trọng với các bên.

Nhiều hãng thông tấn lớn tại Nhật đã đến truyền thông về sự kiện. Phóng viên Đài truyền hình Nhật Bản đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Tài chính: “Tại đây, ông đã nói về cơ hội và thể hiện sự cầu thị với các nhà đầu tư lớn Nhật Bản. Vậy ở không gian rộng hơn, với người dân Nhật Bản, ông sẽ nói điều gì? “.

Người đứng đầu Bộ Tài chính nói: “Việt Nam cam kết là điểm đến lâu dài, cam kết ủng hộ nhà đầu tư Nhật Bản để xây dựng mối quan hệ bền chặt hơn. Mong các bạn nắm bắt cơ hội từ Việt Nam và sớm khẳng định vị trí số 1 thứ ba, sau vị trí số 1 về vốn ODA và vốn đầu tư trực tiếp vào Việt Nam”.

Bữa tiệc tối sau Hội nghị tiếp tục tạo một diễn đàn để kết nối. Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng và Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Phạm Viết Muôn đến từng bàn hỏi thăm, chúc rượu các thành viên và khách mời. Khi đến bàn tôi, Bộ trưởng ngồi lại và nói: Tôi muốn phỏng vấn nhà báo có được không? Và Bộ trưởng đặt câu hỏi: nhà báo cảm thấy Hội nghị hôm nay như thế nào?

Ở vị thế của người làm báo, tôi chỉ quen với việc đi phỏng vấn người khác, thật bất ngờ khi được Bộ trưởng “phỏng vấn” chính mình. Bối rối trước câu hỏi mở của Bộ trưởng, tôi chỉ  kịp nói hai điều trong suy nghĩ cá nhân. Một là, quan sát các DN trong Đoàn công tác, tôi thấy không chỉ Vietnam Airlines, Vinatex, mà lãnh đạo Vinalines, Vinacomin, Licogi, Đất Xanh… đã rất chủ động trong việc tiếp xúc song phương với nhà đầu tư Nhật Bản ngay bên lề Hội nghị. Hai là, nhiều tổ chức của Nhật (như SBI Holding, Sumitomo Mitsui Asset Manegment Co., Sumitomo Life Insurance Company, Daiwa Securities, Daiwa Institute of Research, The TOA Institution, Misubishi Corporation, Knowledge Company, Mizuho Bank, Recof Cororation, Normura Securities, Resona Bank, JP Morgan Securities, Aizawa Securities… - PV) đã đến Hội nghị từ rất sớm, cho thấy sự quan tâm của các tổ chức hàng đầu Nhật Bản đến Việt Nam. “Cơ hội đang rộng mở với cả hai phía”, thưa Bộ trưởng.

Bộ trưởng bắt tay tôi với nụ cười thật tươi và nói: Người Nhật thông minh và rất trọng chữ Tín. Ông tin người Nhật nắm bắt được cơ hội từ Việt Nam và sẽ đến Việt Nam nhiều hơn nữa…

Tin bài liên quan