ĐHCĐ TPBank (TPB): Nỗ lực duy trì vị thế Ngân hàng số hàng đầu, dự kiến tăng vốn lên gần 11.717 tỷ đồng

ĐHCĐ TPBank (TPB): Nỗ lực duy trì vị thế Ngân hàng số hàng đầu, dự kiến tăng vốn lên gần 11.717 tỷ đồng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) “Chúng tôi chưa biết tới biện pháp kỹ thuật nào làm tăng giá trị cổ phiếu. Nếu các cổ đông tin tưởng vào TPBank, thì giá trị cổ phiếu TPB bây giờ là giá trị thật”.

Chia sẻ trên được ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank, mã chứng khoán TPB - sàn HOSE) chia sẻ tại ĐHCĐ thường niên 2021 diễn ra sáng nay ngày 23/4, trước ý kiến của cổ đông về câu chuyện giá cổ phiếu chưa tương xứng với tiềm năng

Bên cạnh đó, ông Đỗ Anh Tú, Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng cho biết: “TPBank có đầy đủ điều kiện để tin rằng TPB là cổ phiếu đáng đầu tư, lành mạnh, thực sự phản ánh bản chất phát triển của ngân hàng”.

Trước câu hỏi của cổ đông vì sao kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận vừa điều chỉnh từ 25% lên 32%? Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank cho biết, mục tiêu đặt ra trên cơ sở căn cứ vào tình hình kinh doanh quý I, các số liệu tăng trưởng vĩ mô và các yếu tố liên quan khác nên Ban Lãnh đạo đưa ra kế hoạch thách thức hơn.

Theo ông Hưng, quý I thường có tốc độ tăng trưởng thấp nhưng kết quả kinh doanh quý I của Ngân hàng đã cho thấy con số tăng trưởng tương đối tốt.

Cụ thể, trong 3 tháng đầu năm 2021, tổng tài sản của TPBank tăng 22,38% so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 216 nghìn tỷ đồng. Huy động trên thị trường 1 đạt hơn 144 nghìn tỷ đồng, tăng 36,06%. Tốc độ tăng trưởng nhanh về tổng tài sản và huy động đã củng cố thêm nền tảng vốn cho ngân hàng và tạo điều kiện cho các hoạt động kinh doanh mở rộng.

Tính đến 31/3/2021, dư nợ tín dụng của ngân hàng đạt hơn 138 nghìn tỷ đồng, tăng 24,36% so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu nhập hoạt động đạt xấp xỉ 2.800 tỷ đồng, tăng 15,17% so với quý I/2020. Trong quý I, ngân hàng ghi nhận mức lợi nhuận trước thuế đạt hơn 1.422 tỷ đồng, tăng 40,87% so với cùng kỳ năm trước.

Được biết, TPBank cũng thuộc nhóm ngân hàng có tỷ suất sinh lời cao nhất hệ thống: ROA đạt 2,16%, ROE đạt 26,24%. Tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) giảm từ 39,69% cuối năm 2020 xuống còn 35,2%.

Liên quan đến câu chuyện phát triển Ngân hàng số, Tổng giám đốc cho biết năm ngoái, TPBank đã ứng dụng được 75 robot thay thế cho những việc của của 180 nhân viên toàn thời gian. Năm nay, ngân hàng sẽ triển khai với tiến độ 5 robot/tuần, dự kiến có 140 robot trong cả năm. “Số hóa đã mang lại lợi ích rất lớn, không chỉ về chi phí nhân lực mà còn về đồ chính xác, giảm thiểu rủi ro… cho ngân hàng”, ông Hưng nhấn mạnh.

Hiện tại, ông Hưng cho biết, TPBank đang tiếp tục phát triển về hạ tầng, mua các giải pháp từ đối tác nước ngoài, sẽ ứng dụng các chatbot để thay thế nhân viên trực tổng đài, triển khai các giải pháp số hóa với khách hàng doanh nghiệp…

Ông Nguyễn Hưng chia sẻ trước khi tái cơ cấu, TPBank là một trong những ngân hàng bé nhất hệ thống. Nhưng sau 8 năm, tính về tổng tài sản, TPBank hiện nằm trong top 13, vượt quá nhiều ngân hàng có tuổi đời hơn 20 năm. Tuy nhiên, với số lượng khách hàng hiện nay hơn 4 triệu khách hàng, đa số là khách hàng cá nhân, so với toàn ngành vẫn còn khá thấp.

“Do đó, TPBank vẫn phải nỗ lực để làm sao mở rộng thị phần. Việc TPBank đi theo hướng ngân hàng số đã giúp ngân hàng thay thế việc mở rộng nhiều chi nhánh truyền thống, đưa trải nghiệm mới cho khách hàng… Theo đó, Ngân hàng đã thu hút được nhiều khách hàng mới và đang hoạt động”, ông Hưng nói.

Tại ĐHCĐ, các cổ đông thông qua kế hoạch tăng trưởng 32% lợi nhuận trước thuế trong năm nay so với năm 2020, tương đương khoảng 5.800 tỷ đồng. Tổng tài sản tới ngày 31/12/2021 dự kiến đạt 250.000 tỷ đồng, tăng 21% so với đầu năm nay. Tổng huy động dự kiến đạt 221.893 tỷ đồng, tăng 20%. Trong đó, tiền gửi khách hàng và phát hành giấy tờ có giá ước đạt 172.010 tỷ đồng, tiền gửi và vay của tổ chức tín dụng khác ước đạt 49.883 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng ở mức 20% và 22%.

Kế hoạch phát hành riêng lẻ 100 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược, nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp nhằm tăng vốn điều lệ cũng được thông qua. Được biết, sau phát hành, vốn điều lệ của ngân hàng dự kiến tăng thêm 1.000 tỷ đồng, lên gần 11.717 tỷ đồng.

Ban Lãnh đạo Ngân hàng cho biết thêm, theo Thông tư 01, tổng số nợ cơ cấu lại của TPBank khoảng 6.000 tỷ đồng, đến nay, con số giảm xuống chỉ còn khoảng 1.000 tỷ đồng. Còn theo Thông tư 03 thì ngân hàng phải trích lập khoảng 140 tỷ đồng dự phòng, đã được tính toán trong kế hoạch kinh doanh năm nay.

Trong năm 2021, ngoài 5 lĩnh vực ưu tiên theo định hướng của NHNN, TPBank cũng sẽ tập trung vào những lĩnh vực như cho vay mua nhà, cho vay mua xe, tín dụng tiêu dùng có tài sản đảm bảo…

Đối với kế hoạch thành lập công ty tài chính của TPBank, ông Hưng đánh giá đây vẫn là lĩnh vực rủi ro cao và lợi nhuận cao. So với tổng dư nợ chung, tín dụng tiêu dùng không chiếm tỷ trọng quá lớn. Việc ngân hàng có được một công ty tài chính trong thời gian tới vẫn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, phải có sự phê duyệt từ cơ quan quản lý. Nhưng quan điểm của TPBank triển khai tín dụng tiêu dùng vẫn sẽ phải đảm bảo hiệu quả tốt nhất, kiểm soát tỷ lệ nợ xấu…

Dẫu vậy, cổ đông vẫn còn những băn khoăn: “Chính sách cổ tức cần duy trì ổn định cho cổ đông. Tránh tình trạng năm ngoái chia 20% năm nay không chia tạo ra những thất vọng trong ngắn hạn”.

Tin bài liên quan