Tận dụng thế mạnh của mỗi bên để cùng hợp tác trên nhiều khía cạnh, mang lại lợi ích cho cả hai bên. Trong đó, Newell sẽ hỗ trợ TLG phân phối Flexoffice ở các thị trường Newell có thế mạnh như châu Mỹ, Nam Mỹ, châu Âu.
Năm 2018, Newell đạt doanh số 15 tỷ USD, là doanh nghiệp hàng đầu thế giới trong lĩnh vực hàng tiêu dùng và gia dụng. Mới đây, vào khoảng tháng 3/2019, quỹ ngoại NWL Cayman Holdings Ltd (được nắm giữ bởi Newell Brands) đã mua 5 triệu cổ phần phát hành thêm của TLG, tương ứng 7,07% vốn, với giá 85.000 đồng/CP, cao hơn hẳn so với thị giá TLG. Sau phát hành, TLG thu về 425 tỷ đồng.
Tại ĐHCĐ TLG diễn ra ngày 30/5, cổ đông cũng đã tiến hành bầu bổ sung ông Tayfun Uner làm Thành viên HĐQT của Công ty. Ông Tayfun Uner hiện đang là Phó chủ tịch Cấp cao APAC & EMEA tại Newell Brands (Newell).
Chia sẻ bên lề đại hội, ông Tayfun Uner cho biết, bước đầu sẽ hợp tác với TLG ở mức hơn 7% và sẽ có hợp tác sâu rộng hơn trong tương lai. Hai phân khúc sản phẩm của Newell và Thiên Long khác nhau nên không cạnh tranh trực tiếp.
Năm 2019, TLG đặt kế hoạch doanh thu 3.200 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2018, lợi nhuận sau thuế 325 tỷ đồng, tăng 10,5%. Trong đó, thị trường nội địa, TLG dẫn đầu thị phần mảng bút viết với khoảng 60%, đây cũng là nhóm chủ lực mang về 41% doanh thu cho Tập đoàn.
Theo chia sẻ từ ban lãnh đạo, hiện đối thủ lớn nhất của Thiên Long là những doanh nghiệp Trung Quốc như Deli…, cạnh tranh sát cánh kế tiếp là Ấn Độ, Thái Lan.
“Nhưng Thiên Long có thế mạnh riêng và không ngại đối thủ”, ông Thọ nói.
Đồng thời, Công ty lên kế hoạch tiếp tục đa dạng hoá cơ cấu sản phẩm, trong đó mục tiêu đẩy mạnh xuất khẩu với tỷ trọng kỳ vọng 20-25% đến năm 2020.
Mới đây, HĐQT cũng đã có nghị quyết chi khoảng 19 tỷ đồng để thành lập công ty tại Singapore. Theo ban lãnh đạo công ty, sản phẩm xuất khẩu của TLG mang nhãn hiệu FlexOffice và việc thành lập công ty tại Singapo là để thuận lợi cho việc thương mại, nhất là xuất nhập khẩu của công ty.
Singapore là trung tâm kinh tế lớn, giao thông thuận tiện, thủ tục nhanh chóng, vận hành minh bạch, pháp lý rõ ràng… là điều kiện tốt cho hoạt động của TLG. Không chỉ Singapore mà Thiên Long sẽ mở thêm các đơn vị tại những quốc gia tiềm năng khác như Myanma, Philipin.
Ông Nguyễn Đình Tâm, Tổng giám đốc TLG cho biết, khó khăn lớn nhất của TLG hiện nay là không thể kiểm soát 100% giá nguyên vật liệu (ảnh hưởng bởi giá dầu thế giới). Nhưng nhờ phát huy thế mạnh về phân phối, đồng thời đã chủ động tăng tỷ lệ nội địa hóa nguyên vật liệu sản xuất thành công (nhờ đầu tư công nghệ cao) nên giá thành tốt, chất lượng vượt trội hơn, giảm thiểu được tác động biến động nguyên vật liệu.
Vấn đề được cổ đông quan tâm khá nhiều tại ĐHCĐ là biên lãi gộp có xu hướng giảm. Ông Thọ chia sẻ, Công ty cũng cân nhắc và đắn đo, biên lợi nhuận thấp là vấn đề nên Thiên Long cần tìm sự đột phá. Tăng tỷ trọng hàng chất lượng cao như nhãn hiệu Bizner là một hướng đi.
Ngoài ra, Thiên Long cũng sắp tham gia thị trường máy tính cho học sinh (thuộc văn phòng phẩm) – sản phẩm cạnh tranh không nhiều, là thị trường rất tiềm năng. Hiện máy tính này đã được Bộ Giáo dục chấp thuận sử dụng trong phòng thi.