ĐHCĐ PVI: Hai nội dung quan trọng không được thông qua

ĐHCĐ PVI: Hai nội dung quan trọng không được thông qua

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Chiều 28/4, Công ty cổ phần PVI tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên 2021. Hai đề xuất của cổ đông lớn HDI đều không được đại hội thông qua.

Biến động quản trị

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo của PVI xác nhận, trước thềm đại hội đồng cổ đông của PVI, một thành viên Hội đồng quản trị PVI, Tiến sỹ Christian Hinsch, thuộc nhóm ứng viên do HDI giới thiệu, không may bị tai nạn và đã qua đời.

Như vậy, Hội đồng quản trị PVI còn 8 người (HDI có 4 ghế, PVN có 4 ghế- PV). Cục diện quản trị tại PVI có sự thay đổi, trước là 5-4 nay là 4-4.

Tại đại hội, HĐQT PVI đã có tờ trình Đại hội miễn nhiệm thành viên HĐQT đối với Tiến sỹ Christian Hinsch, bầu bổ sung một thành viên HĐQT độc lập cho thời gian còn lại của nhiệm kỳ 2017-2022.

Theo quy định tại Điều lệ PVI, việc bầu, bãi miễn và thay thế thành viên Hội đồng quản trị phải được 65% tổng số phiếu bầu của các cổ đông có quyền biểu quyết có mặt trực tiếp hoặc thông qua đại diện được ủy quyền có mặt tại Đại hội đồng cổ đông.

Tại đại hội, chỉ có 60,71% cổ phần có quyền biểu quyết tán thành nội dung bầu bổ sung thành viên HĐQT. Căn cứ theo Điều lệ PVI, ĐHĐCĐ đã không thông qua nội dung bầu bổ sung 1 thành viên HĐQT và sẽ duy trì cơ cấu 8 thành viên như hiện nay.

Một diễn biến đáng chú ý khác tại đại hội là cổ đông HDI đề xuất sửa đổi Điều lệ PVI nội dung từ “Tổng giám đốc là người đại diện theo pháp luật của Công ty” của Điều lệ hiện hành thành “có 2 người đại diện theo pháp luật thường trú tại Việt Nam”.

Do có ý kiến khác nhau giữa các cổ đông lớn HDI và PVN nên ĐHĐCĐ đã tiến hành biểu quyết việc có thông qua nội dung sửa đổi hay không.

Kết quả là chỉ có 60,71% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết tại Đại hội đồng ý sửa đổi. Như vậy, căn cứ theo Điều lệ PVI, ĐHCĐ đã không thông qua việc sửa đổi nội dung về người đại diện theo pháp luật của PVI. Điều lệ PVI sẽ giữ nguyên nội dung “Tổng giám đốc là người đại diện theo pháp luật của Công ty” của Điều lệ hiện hành.

HDI sẽ tiếp tục phản pháo?

Trước câu hỏi của cổ đông yêu cầu làm rõ thông tin về quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đối với HDI và hiện nay tỷ lệ sở hữu của HDI tại PVI như thế nào?

Ông Jens Holger Wohthat, Thành viên Ban điều hành HDI, Chủ tịch HĐQT PVI đã trả lời: “Vấn đề này đã được UBCK xem xét trong một thời gian và HDI đã thường xuyên báo cáo, giải trình với UBCK trên cơ sở tham vấn ý kiến của luật sư trong nước và nước ngoài. Quan điểm của HDI là trên cơ sở những thông tin hiện tại, HDI tin tưởng rằng đã hoạt động tuân thủ và phù hợp với các quy định của pháp luật Việt Nam. HDI một mặt sẽ tuân thủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính theo quyết định của UBCK, mặt khác HDI sẽ tiến hành các biện pháp phù hợp để bảo vệ quyền lợi của HDI, bao gồm biện pháp sử dụng cơ chế bảo vệ nhà đầu tư nước ngoài mà chính phủ Đức và Việt Nam đã thống nhất, có thể xem xét sử dụng các biện pháp pháp lý cần thiết thông qua tòa án và trọng tài quốc tế".

Ông Jens Holger Wohthat cũng tái khẳng định, HDI đã nắm giữ trực tiếp và gián tiếp 53,92% vốn điều lệ PVI từ cuối năm 2019.

Theo Quyết định số 201/QĐ-XPVPHC của Ủy ban Chứng khoán ban hành ngày 16/4/2021, HDI ngoài bị phạt tiền 185 triệu đồng còn buộc phải chuyển nhượng cổ phiếu trong thời hạn tối đa 60 ngày kể từ ngày 16/4 để giảm tỷ lệ nắm giữ theo đúng quy định.

Câu hỏi được nhiều nhà đầu tư quan tâm đến vụ việc này đặt ra là, tỷ lệ biểu quyết của HDI tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 diễn ra chiều 28/4 có ảnh hưởng gì không? Nghị quyết ĐHĐCĐ 2021 của PVI nếu được thông qua với tỷ lệ sở hữu của các cổ đông theo chốt quyền mới nhất của Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam có hợp lệ?

Ngoài HDI sở hữu trực tiếp và gián tiếp tới 53,92% cổ phần PVI, và đang phải thực hiện Quyết định xử phạt vi phạm hành chính của UBCKNN, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) sở hữu 35% cổ phần PVI, ngoài ra PVI đã mua vào hơn 10 triệu cổ phiếu quỹ, chiếm tỷ lệ trên 4% cổ phần.

Tin bài liên quan