Deutsche Bank “nặng gánh” với 1.300 tỷ USD tài sản phái sinh

Deutsche Bank “nặng gánh” với 1.300 tỷ USD tài sản phái sinh

(ĐTCK) Deutsche Bank, ngân hàng đầu tư lớn nhất châu Âu, hôm thứ Hai cho biết, Ngân hàng sẽ làm gọn lại “hệ thống tài chính” đồ sộ của mình để đáp ứng các yêu cầu đang ngày một khắt khe hơn của cơ quan quản lý.

Deutsche Bank là một trong những ngân hàng bị xếp vào diện đặc biệt lưu ý, bởi tỷ trọng tiền vay cho hoạt động kinh doanh quá lớn.

Các chuyên viên phân tích ở Berenberg Bank tính toán rằng, tỷ lệ đòn bẩy của Deutsche Bank rơi vào khoảng 2%, nghĩa là ngân hàng này vay 50 USD trên mỗi 1 USD mà Ngân hàng sở hữu. Điều đó khiến cho Deutsche Bank trở thành một trong những ngân hàng sử dụng đòn bẩy lớn nhất ở châu Âu.

Trả lời báo chí, Stefan Krause, Giám đốc Tài chính của Deutsche Bank cho biết, tỷ lệ đòn bẩy của Ngân hàng là khoảng 3%, đủ để tuân theo các quy định sẽ có hiệu lực đến năm 2019. Nhưng nhiều kinh tế gia nhận xét, tỷ lệ đó vẫn thấp một cách khó chấp nhận. Các đề xuất mới đang yêu cầu nâng tỷ lệ đòn bẩy lên, ví dụ 8 ngân hàng nội lớn nhất của Mỹ được yêu cầu duy trì tỷ lệ này ở mức 6%.

The Financial Times và Reuters gần đây đều có bài viết về việc Deutsche Bank đang lên kế hoạch cắt giảm tổng tài sản khoảng 20%, đồng nghĩa với việc ngân hàng này sẽ phải thoái hàng chục tỷ EUR các chứng khoán phái sinh và các khoản đầu tư khác.

Cuộc tranh luận về việc các ngân hàng nên sử dụng bao nhiêu phần trăm tiền đi vay để hoạt động kinh doanh ngày càng lên cao. Gần đây nhất, các nhà quản lý Mỹ cũng như Ủy ban Basel về giám sát ngân hàng đã đề xuất các quy tắc hạn chế hơn nữa việc sử dụng đòn bẩy, hay nói cách khác là tiền cho vay của các ngân hàng và yêu cầu các ngân hàng phải giữ lại một tỷ lệ phần trăm cao hơn số vốn trên tổng số tiền mặt hay vốn chủ sở hữu.

Bởi vậy, sẽ không có gì lạ nếu Deutsche Bank quyết định cắt giảm tổng số vốn vay để giải quyết những lo ngại từ phía cơ quan quản lý. Để giảm tỷ lệ vốn trên đòn bẩy, Ngân hàng có thể đồng thời tăng tiền hoặc giảm tổng số các tài sản tài chính, hoặc kết hợp cả hai phương án. Để tăng vốn, Ngân hàng đồng thời phải phát hành thêm cổ phiếu cho nhà đầu tư, hoặc giữ lại lợi nhuận thay vì trả cho cổ đông. Các khoản thưởng cho lãnh đạo có thể sẽ bị giảm mạnh. Do đó, đối với các ngân hàng, phương án giảm tài sản nghe có vẻ hấp dẫn hơn.

Dấu hiệu gần đây nhất của việc thắt chặt yêu cầu về vốn đệm với các ngân hàng là Cơ quan ngân hàng châu Âu (European Banking Authority) trong hôm thứ Hai đưa ra một thông cáo kêu gọi cơ quan quản lý của các quốc gia trong Liên minh châu Âu không cho phép trì hoãn các quy định về vốn đệm của ngân hàng. Từ năm ngoái, các ngân hàng ở châu Âu đã được yêu cầu xây dựng các đệm tài chính và đến nay vẫn còn những nghi ngờ lớn về sức khỏe của hệ thống ngân hàng ở nhiều nước, trong đó có Đức.

Thêm vào đó, cơ quan quản lý Mỹ đang cân nhắc nâng yêu cầu về vốn ở các ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Mỹ. Quy định này có thể sẽ có tác động mạnh tới Deutsche Bank, ngân hàng có sự hiện diện lớn ở Phố Wall và là ngân hàng đầu tư ngoại lớn nhất ở Mỹ.

Trong bài phỏng vấn Báo Börsen Zeitung hôm 6/7, Krause nói rằng, Deutsche Bank sẽ giảm bớt các tài sản phái sinh nhằm giảm bớt tổng tài sản. Danh mục tài sản phái sinh của Deutsche Bank được định giá hơn 1.000 tỷ EUR, tương đương 1.300 tỷ USD.

Sau những thông tin này, bất chấp viễn cảnh Ngân hàng sẽ trả ít cổ tức hơn cho nhà đầu tư, cổ phiếu của Deutsche Bank hôm thứ Hai vẫn tăng hơn 1% trên sàn giao dịch Frankfurt. Trước đó, hồi tháng 4, Deutsche Bank đã phát hành 3 tỷ EUR cổ phiếu mới để tăng vốn, nhưng không đủ để làm dịu đi luồng ý kiến chỉ trích rằng, Deutsche Bank vẫn là một trong những ngân hàng dùng đòn bẩy cao nhất trên thế giới.

Các ông chủ trong ngành ngân hàng phàn nàn, yêu cầu cao hơn về vốn sẽ khiến họ phải giảm bớt việc cho vay, nhưng phe chỉ trích cho đó là một lý luận không xác đáng và phản bác lại rằng, các ngân hàng châu Âu, trong đó có Deutsche Bank đã thắt chặt cho vay ngay từ sau cuộc khủng hoàng tài chính - không phải vì các yêu cầu về vốn, mà bởi vì việc cho vay đem lại ít lợi nhuận hơn các hoạt động khác.

Về phần mình, các lãnh đạo Deutsche Bank nhấn mạnh, Deutsche Bank là một trong những ngân hàng có cấu trúc vốn tốt nhất thế giới, nếu tính theo các chỉ số đo lường của Đức. Tuy nhiên, cách đo lường của Đức cho phép các ngân hàng giải ngân vốn cho các khoản đầu tư được xem là ít rủi ro và cách đo lường này không còn hợp thời. Các cơ quan quản lý hiện nay quan tâm đến phương pháp đo lường đơn giản hơn, đó là tỷ lệ đòn bẩy. Phe ủng hộ cho là tỷ lệ này khó bị các ngân hàng thao túng hơn, dù các ngân hàng vẫn có thể biến tấu nó tùy theo cách đánh giá tài sản của mình.