Đại diện cho ngành hàng xuất khẩu lớn trên 40 tỷ USD/năm, Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) vừa phát đi thông báo về việc tham gia cùng với 8 hiệp hội khác tại 5 quốc gia thuộc Mạng lưới Dệt may bền vững của khu vực châu Á (Mạng lưới STAR) để yêu cầu thực hành mua hàng có trách nhiệm hơn trong ngành dệt may.
Bà Hoàng Ngọc Ánh, Tổng thư ký Vitas cho biết: "Việt Nam tham gia sáng kiến này vì chúng tôi tin rằng việc thực hành mua hàng có trách nhiệm là rất quan trọng và cần thiết. Các hoạt động thu mua có trách nhiệm sẽ hỗ trợ ngành dệt may phát triển bền vững và mang lại lợi ích lâu dài cho người lao động và nhà cung cấp trong ngành dệt may, đặc biệt trong đại dịch Covid-19".
Trung tuần tháng 1/2021, Mạng lưới Hiệp hội các nhà sản xuất liên châu Á đầu tiên của ngành dệt may, đại diện cho hơn 60% tổng số các nhà sản xuất, xuất khẩu hàng dệt may trên toàn thế giới đã cùng họp để bắt đầu một sáng kiến mới kêu gọi thực hành mua hàng có trách nhiệm hơn trong ngành dệt may.
Phát ngôn viên Miran Ali, đại diện cho Mạng lưới STAR cho biết: “Chúng tôi cùng tập hợp lại với tư cách là các Hiệp hội và nhà sản xuất ở châu Á, để thống nhất các quan điểm chung về điều khoản thanh toán và giao hàng, thể hiện rõ quan điểm mạnh mẽ trong các cuộc trao đổi mang tính cá nhân hoặc tập thể với các nhãn hàng và người mua hàng về việc cải thiện thực hành mua hàng”. Điểm đặc biệt của sáng kiến này là: đặt ra các câu hỏi xung quanh thực tiễn mua hàng, chẳng hạn như điều khoản thanh toán và giao hàng...
Ông Miran Ali nhấn mạnh, đặc điểm của ngành dệt may là sự mất cân bằng về quyền lực giữa một bên là nhãn hàng và người mua hàng, một bên là các nhà sản xuất. Sự mất cân bằng này ngày càng gia tăng và rõ ràng hơn trong đại dịch Covid-19, trong đó việc hủy đơn đặt hàng, đặc biệt là từ các nhãn hàng và người mua hàng ở châu Âu và Hoa Kỳ, khiến nhiều nhà sản xuất châu Á gặp khó khăn.
Ông Trần Như Tùng, Phó tổng giám đốc CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công cho biết: Thực hành mua hàng có trách nhiệm là yếu tố cơ bản để đảm bảo sự đối xử công bằng đối với người lao động ngành may mặc và tạo môi trường làm việc lành mạnh. Nhà cung cấp khó có thể trở thành người sử dụng lao động tốt nếu người mua không cam kết thực hành mua hàng có trách nhiệm.
Theo kế hoạch, tháng 3 năm 2021, các hiệp hội sẽ làm việc cùng nhau trong năm nhóm công tác, xác định “ranh giới đỏ”, đưa ra các kiến nghị về các chủ đề như thực tiễn thanh toán và giao hàng, lập kế hoạch, trao đổi thông tin và đàm phán với bên thứ ba. Dựa trên kết quả thảo luận của các nhóm làm việc, giai đoạn thứ hai sẽ thúc đẩy việc triển khai trong ngành dệt may.
Mạng lưới STAR được thành lập năm 2016, với sự tham gia của 9 Hiệp hội may mặc từ 6 quốc gia, đóng vai trò là một nền tảng đối thoại và xây dựng niềm tin để trao đổi về các thực hành tốt nhằm phát triển bền vững ngành công nghiệp dệt may. Mạng lưới STAR được thành lập với sự hỗ trợ của dự án Thúc đẩy phát triển bền vững ngành dệt may tại các nước châu Á (FABRIC) do Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) GmbH, đại diện cho Bộ Hợp tác và Phát triển Kinh tế Liên bang Đức (BMZ), tài trợ.