Dệt may Việt Nam: Cơ hội đi kèm thách thức lớn

Dệt may Việt Nam: Cơ hội đi kèm thách thức lớn

(ĐTCK) Trong bối cảnh cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tăng nhiệt, giới đầu tư chú ý hơn tới các doanh nghiệp ngành sợi, dệt may với kỳ vọng ngành này sẽ được hưởng lợi từ xu hướng dịch chuyển đơn hàng ra khỏi Trung Quốc. 

Xu hướng dịch chuyển đơn hàng rõ ràng

Ghi nhận tại một số doanh nghiệp ngành dệt may cho thấy, xu hướng dịch chuyển các đơn hàng từ Trung Quốc về Việt Nam là rất rõ ràng và số lượng đơn hàng xuất khẩu sang Mỹ tăng trưởng tốt.

Cụ thể, tại Công ty cổ phần Ðầu tư và phát triển TDT, ông Nguyễn Việt Thắng, Phó chủ tịch HÐQT chia sẻ, năm nay, số lượng đơn hàng xuất sang Mỹ của Công ty gia tăng rõ rệt. Hiện tại, TDT có 2 thị trường tiêu thụ chính là Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Trong đó, khách hàng ở Mỹ bao gồm các tên tuổi lớn như Pan Pacific, Winners Creation…, thị trường EU bao gồm khách hàng lớn như Asmara International, Capital World Trading…

Từ năm 2018 đến nay, Công ty đã công bố kế hoạch đầu tư mở rộng nhiều nhà máy. Trong tháng 1/2019, TDT được chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng Nhà máy may TDT Ðại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Dự kiến khi đi vào hoạt động ổn định, công suất giai đoạn 1 sẽ đạt khoảng 2 triệu sản phẩm may mặc/năm và tăng lên 4 triệu sản phẩm may mặc/năm khi hoàn thiện giai đoạn 2. Dự án được xây dựng với diện tích sử dụng khoảng 4 ha và tổng mức đầu tư dự án khoảng hơn 70 tỷ đồng.

Ðáng chú ý, theo ông Thắng, dù đơn hàng xuất đi Mỹ tăng trưởng rõ rệt nhưng chỉ các nhà máy lớn, có hệ thống hoàn thiện và được khách hàng Mỹ đánh giá cao mới có thể hưởng lợi từ xu thế này. Ðối với TDT, Công ty đã được các khách hàng thuộc Top 6 nhà nhập khẩu lớn nhất thế giới về may mặc của Mỹ (Walmart/Costco/Target/GAP/Kohl's/ANF) đánh giá tích cực, nên được hưởng lợi.

Trong khi đó, tân binh trên sàn chứng khoán - Công ty cổ phần May Sông Hồng (MSH), đã kịp gây ấn tượng với giới đầu tư nhờ diễn biến giá cổ phiếu tích cực và tỷ lệ cổ tức tiền mặt hấp dẫn. Ông Bùi Việt Quang, Tổng giám đốc MSH cho biết, xu hướng dịch chuyển đơn hàng là rõ ràng, song năng lực của Việt Nam có hạn nên đơn hàng từ Trung Quốc phải chuyển sang nhiều nước khác nữa, đặc biệt là tại khu vực châu Phi. Việt Nam chỉ có năng lực cạnh tranh đối với các chủng loại hàng phức tạp và có giá thành cao hơn.

Hiện nay, đơn hàng FOB xuất khẩu của MSH chủ yếu sang thị trường Hoa Kỳ (chiếm khoảng 70%) và châu Âu với khách hàng lớn như Columbia Sportswear, Haddad Brands, G-III. MSH là một trong những doanh nghiệp có năng lực sản xuất lớn, với 144 chuyền may, trung bình mỗi tháng sản xuất 4 triệu sản phẩm may mặc. Công ty cũng đang thực hiện đầu tư Nhà máy Sông Hồng 10 có quy mô 1,5 triệu sản phẩm/tháng, với 40 chuyền may.

Xu hướng tăng trưởng tích cực của ngành dệt may đã thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ sợi dệt vải trong chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó, những thay đổi trong yêu cầu sản phẩm của khách hàng cũng khiến ngành dệt hướng tới sản xuất các sản phẩm sợi có giá trị với giá bán cao hơn. Nhờ vậy, những doanh nghiệp lĩnh vực sợi như Công ty cổ phần Sợi Thế Kỷ (STK) đang ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực. Quý I/2019, doanh thu của STK đạt 605 tỷ đồng, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm 2018.

Ông Ðặng Triệu Hòa, Tổng giám đốc Sợi Thế kỷ cho biết, các mặt hàng sợi polyester filament nhập khẩu từ Trung quốc vào Mỹ trước đây chịu mức thuế 8%. Hiện tại, với việc Mỹ áp thuế 25% đối với các hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, sợi polyester filament từ Trung quốc đã phải chịu mức thuế 33%.

Nhờ vậy, STK nhận được nhiều đề nghị báo giá của khách hàng Mỹ tìm hiểu khả năng đặt hàng sản phẩm sợi, đặc biệt là các loại sợi chất lượng cao (để làm vải sử dụng cho sản phẩm ghế, trần xe hơi…). Tuy nhiên, sẽ phải mất vài tháng để đơn hàng từ Mỹ tăng lên vì khách hàng cần thời gian thử mẫu.

Ngoài ra, ông Hòa cho rằng, với việc Chính phủ Mỹ dự định sẽ áp thuế bổ sung 25% đối với gói hàng hóa nhập khẩu từ Trung quốc trị giá 300 tỷ USD, thì các mặt hàng may mặc nhập khẩu từ Trung quốc cũng sẽ phải chịu thêm mức thuế bổ sung trên.

Hiện nay, mức thuế suất nhập khẩu bình thường mà Mỹ áp dụng cho các mặt hàng may mặc sử dụng sợi nhân tạo là khoảng từ 28% - 32%. Nếu áp thêm thuế mới, thuế suất nhập khẩu các mặt hàng này từ Trung quốc sẽ khoảng từ 53% - 57%, con số quá cao. Chính vì vậy, các khách hàng tại Việt Nam của STK cho biết, họ cũng nhận được nhiều yêu cầu tìm hiểu cung cấp vải để phục vụ cho việc xuất khẩu hàng may mặc đi Mỹ.

STK dự báo, nếu Chính phủ Mỹ chính thức áp thuế bổ sung đối với gói hàng hóa trị giá 300 tỷ USD, thì nhu cầu sợi nội địa sẽ tăng lên trong thời gian tới. 

Rủi ro nguyên phụ liệu

Mặc dù trước mắt, các doanh nghiệp ngành dệt may Việt Nam được hưởng lợi nhờ xu hướng dịch chuyển đơn hàng từ Trung Quốc, tuy nhiên, vẫn có những thách thức liên quan đến nguyên phụ liệu, vốn được xem là rủi ro đặc thù ngành.

Hiện tại, với đa số các doanh nghiệp xuất hàng theo hình thức FOB (theo chỉ định của đối tác hoặc tự chủ động nguồn nguyên liệu), phần lớn vải nguyên liệu dùng cho các đơn hàng FOB được nhập khẩu từ Mỹ, Trung Quốc, Hồng Kông, Ðài Loan…

Cần lưu ý, Trung Quốc cung cấp phần lớn bông, vải ra thế giới và Việt Nam là một trong số những nước nhập nhiều bông, vải của quốc gia này. Nếu Trung Quốc tăng thuế mặt hàng này, hoặc cực đoan hơn, có kế hoạch hạn chế cung cấp cho những nước may mặc xuất khẩu, đặc biệt những nước có Mỹ là thị trường trọng điểm thì khó khăn trong việc quản lý chi phí đầu vào hoặc tìm nguồn thay thế là không tránh khỏi.

Ngoài ra, trong quá trình hội nhập, bên cạnh sức ép cạnh tranh gay gắt, các doanh nghiệp dệt may còn phải đối mặt với các rào cản thương mại ngày càng gia tăng từ các thị trường nhập khẩu lớn như Mỹ, EU với các yêu cầu khắt khe về quy tắc xuất xứ, trách nhiệm xã hội, nhãn mác sinh thái, bảo vệ môi trường…

Ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam chia sẻ, kể từ thời điểm chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nổ ra, hơn 7 tháng qua, thị trường chứng kiến sự suy giảm với nhiều âu lo.

Trong số 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ bị áp thuế tới 25% có mặt hàng vải. Do đó, việc Trung Quốc thận trọng, kìm hãm sản xuất vải đã ảnh hưởng trực tiếp tới ngành sợi Việt Nam. Nhiều năm nay, sợi Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, vốn là công xưởng sản xuất nguyên liệu vải lớn nhất toàn cầu. Tất nhiên, khi việc áp thuế với Trung Quốc xảy ra, ngay lập tức ngành sợi Việt Nam bị ảnh hưởng.

Tin bài liên quan