Dệt may toan tính với bài toán TPP

Dệt may toan tính với bài toán TPP

(ĐTCK) Hiệp định Đối tác Kinh tế Xuyên Thái Bình Dương (TPP) dự kiến được ký kết trong năm 2015 đang được kỳ vọng sẽ mở ra những cơ hội phát triển to lớn cho ngành dệt may trong nước.

Khi TPP được ký kết, thuế suất thuế nhập khẩu các sản phẩm dệt may vào thị trường Mỹ, thị trường tiêu thụ tới 44% sản phẩm dệt may xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2012, sẽ giảm từ 17 - 32% về 0%.

Tuy nhiên, để được hưởng mức thuế suất ưu đãi, các DN dệt may phải đáp ứng được điều kiện sản phẩm có xuất xứ “từ sợi trở đi” trong khu vực TPP. Đây là vấn đề nan giải với không ít DN trong ngành, khi nguyên liệu phụ liệu cho sản xuất lâu nay chủ yếu từ nguồn nhập khẩu.

Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch CTCP Dệt may Sài Gòn 3, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may TP. HCM cho biết, nguyên phụ liệu sản xuất trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 30% tổng công suất may trong nước. Để tận dụng được cơ hội từ TPP, gia tăng sức cạnh tranh, các DN dệt may Việt Nam cần phải kết nối nguồn nguyên phụ liệu, đặc biệt là vải sản xuất trong các nước nội khối TPP.

Tại CTCP Sản xuất thương mại May Sài Gòn (GMC), theo ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty, GMC đang phối hợp với khách hàng tìm nguồn cung nguyên liệu từ các nước trong khối TPP, trước mắt thăm dò khả năng cung cấp của thị trường Malaysia và theo dõi việc phát triển đầu tư nhà máy dệt, nhuộm trong nước, kể cả ở các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Dệt may toan tính với bài toán TPP ảnh 1

Các DN dệt may cần kết nối nguồn nguyên phụ liệu

Ông Phạm Xuân Hồng cho rằng, trước mắt, các DN dệt may trong nước có thể liên kết với các DN FDI trong lĩnh vực này. Các DN FDI có thế mạnh về tài chính, kinh nghiệm, công nghệ tốt thì bước đầu sẽ tạo được nguyên vật liệu đủ tiêu chuẩn về môi trường - xã hội, đáp ứng quy định khắt khe của TPP và không phải DN nào sản xuất vải cũng đầu tư dây chuyền may để tạo ra thành phẩm. Việc liên kết khai thác nguồn nguyên liệu từ các DN FDI sẽ giúp DN dệt may trong nước gia tăng tỷ lệ nội địa hóa trong sản phẩm xuất khẩu. Về dài hạn, theo ông Hồng, mỗi DN cần từng bước đầu tư hoàn thiện chuỗi giá trị dệt may để tăng dần tỷ lệ nội địa hóa.

Hiện nhiều DN trong nước đang nỗ lực đầu tư phát triển nguyên phụ liệu. Chẳng hạn, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) vừa đưa vào hoạt động 3 nhà máy sản xuất sợi là Sợi Phú Bài 2, Sợi Vinatex - Hồng Lĩnh và Sợi Đồng Văn, tăng công suất thêm 1.270 tấn sợi Ne30/năm. Vinatex cũng đang tiếp tục đầu tư một số nhà máy sợi với quy mô từ 10.000 - 30.000 cọc sợi như Nhà máy sợi Phú Hưng, Đông Quý, PVTEX Nam Định, PVTEX Phú Bài 3. Hay CTCP Sợi Thế Kỷ, với thế mạnh sợi DTY microfilament cao cấp sẽ tiếp tục mở rộng nhà máy tại KCN Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh, nâng tổng công suất lên hơn 50.000 tấn sợi DTY, FDY/năm. Dự kiến, nhà máy này sẽ đi vào hoạt động trong năm 2015 với công nghệ nhập khẩu từ CHLB Đức và Nhật Bản. Thêm vào đó, với các chính sách khuyến khích đầu tư của Chính phủ trong lĩnh vực sợi và dệt nhuộm, hiện đã có một số dự án mới của nhà đầu tư từ Hồng Kông, Đài Loan, Hàn Quốc được triển khai để đón đầu cơ hội từ TPP. Tuy nhiên, những dự án này phải mất vài năm nữa mới đi vào hoạt động.

Với CTCP Dệt may Đầu tư thương mại Thành Công (TCM), DN có vốn đầu tư Hàn Quốc, do chủ động được khâu dệt nhuộm với 4 nhà máy sợi có công suất 21.000 tấn/năm, DN này đang tìm mua thêm nhà máy may nhằm tăng công suất may hiện tại, sử dụng hết nguồn sợi tự sản xuất. Ông Robin Kim, Phó tổng giám đốc TCM cho biết, TCM sẽ tiếp tục đầu tư cho khâu nhuộm vải. Từ đầu năm đến nay, TCM đã đầu tư hơn 10 tỷ đồng để mua sắm máy móc mới, với công nghệ hiện đại, giảm thiểu tác hại đến môi trường.

Theo Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may TP. HCM, không nên khuyến khích đầu tư nước ngoài thêm vào lĩnh vực may do DN FDI hiện đang chiếm tới 60% số DN may tại Việt Nam và đây là lĩnh vực này không đòi hỏi vốn lớn, kỹ thuật phức tạp, DN trong nước có thể tự đầu tư.

Ở một góc độ khác, ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam nhìn nhận, DN nội địa cần chuyển dần từ gia công sang các phương thức có giá trị gia tăng cao hơn như FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm), ODM (tự thiết kế, sản xuất và bán sản phẩm), OEM (gia công sử dụng thiết bị của mình) song song với việc phát triển thương hiệu riêng (OBM) trong thị trường nội địa. 

Được biết, nhằm giúp các DN nhìn nhận được toàn cảnh ngành dệt may trong nước để có quyết định đầu tư đúng đắn dựa trên lợi thế cạnh tranh của mình, Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã tiến hành khảo sát tổng thể các DN trong ngành. Kết quả cuộc khảo sát dự kiến sẽ được Hiệp hội công bố trong tháng 10/2013.