Xuất khẩu dệt may của Việt Nam phục hồi theo nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh tại Mỹ và EU
Báo cáo về triển vọng ngành dệt may của Công ty CP Chứng khoán VNDirect vừa công bố cho hay, xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam đang phục hồi theo nhu cầu tiêu dùng gia tăng tại các thị trường chính như Mỹ, EU.
Động lực cho gia tăng đơn hàng xuất khẩu là bởi người tiêu dùng Mỹ và châu Âu đã tăng nhu cầu mua sắm mạnh mẽ sau khi kết thúc lệnh phong tỏa. Theo Bộ Thương mại Hoa Kỳ, tăng trưởng GDP của Hoa Kỳ trong quý 1/2021 đạt mức 6,4% - mức tăng tốt nhất kể từ năm 1984. Trong khi tiêu dùng cá nhân tăng 10,7% - cao thứ hai kể từ năm 1960.
Do đó, nhu cầu về mua sắm hàng hóa cá nhân trong quý 1, như quần áo và giày dép tăng lên đáng kể. Số liệu của Văn phòng Dệt may Mỹ (OTEXA) thống kê giá trị nhập khẩu dệt may của Hoa Kỳ đạt 24 tỷ USD .
Tại EU, cầu hàng dệt may đã khá hơn cùng kỳ nâm trước. Ủy ban Châu Âu (EC) cũng đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP của EU cho năm 2021 và 2022 do sự phục hồi đáng kể của EU. EC dự báo tăng trưởng GDP trong khu vực Eurozone lần lượt đạt 4,3% và 4,4% cho năm 2021 và 2022.
Theo Hiệp hội dệt may Việt Nam (Vitas), đến nay Mỹ vẫn là nhà nhập khẩu lớn nhất của ngành dệt may Việt Nam, với 3,5 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ, chiếm 48% giá trị xuất khẩu ngành dệt may của Việt Nam trong quý 1/2021. Giá trị xuất khẩu sang các thị trường EU đạt 650 triệu USD, tăng 3,1% so với cùng kỳ.
Ngoài ra, khó khăn của ngành dệt may Myanmar sẽ là cơ hội để Việt Nam tăng thị phần tại thị trường EU, Nhật Bản và Hàn Quốc khi Myanmar hiện đang là đối thủ cạnh tranh của Việt Nam tại ba thị trường này.
Trong đó, các DN lớn như Việt Tiến, TNG, Thành Công và May Sông Hồng có thể là những doanh nghiệp được hưởng lợi lớn nhất. Nhật Bản là thị trường xuất khẩu chính của VGG, chiếm 28% doanh thu xuất khẩu trong năm 2020 và khách hàng lớn nhất của VGG là Uniqlo, chiếm 80% doanh thu của VGG tại thị trường Nhật Bản.
Thậm chí, VNDirect kỳ vọng Uniqlo sẽ chuyển đơn hàng từ Myanmar sang Việt Nam giúp Việt Tiến nâng tỷ trọng doanh thu từ thị trường Nhật Bản lên 35% trong năm 2021.
Thực tế, nhiều doanh nghiệp tạm ngừng sản xuất tại Myanmar, có kế hoạch chuyển sang Việt Nam như Adastrica có kế hoạch dừng sản xuất tại Myanmar vào tháng 6 tới và xem xét chuyển sản xuất sang Việt Nam, Indonesia vàTrung Quốc. Nhãn hàng Next thì tạm dừng đặt hàng mới tại Myanmar, Shimamura cân nhắc sản xuất thay thế ở Trung Quốc hoặc một quốc gia Đông Nam Á khác.
"Giá trị xuất khẩu dệt may của Việt Nam trong năm 2021 sẽ phục hồi theo triển vọng phục hồi kinh tế tại các thị trường xuất khẩu lớn như Hoa Kỳ và EU và hoàn thành mục tiêu xuất khẩu 39 tỷ USD", Báo cáo của VNDirect một lần nữa nhận định.
Trước đó, lãnh đạo Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) cũng cho rằng, thị trường 6 nước cung ứng hàng hóa dệt may ở Nam Á và Đông Nam Á bị ngưng trệ sản xuất do Covid-19 có thể là một chỉ dấu cho thấy, trong quý II và quý III năm nay, doanh nghiệp may sẽ có nhiều đơn hàng nếu Việt Nam tiếp tục duy trì được việc kiểm soát dịch bệnh.
Nhiều doanh nghiệp thuộc Vinatex và trong ngành đã có đơn hàng hết tháng 8 và 9. Dù vậy, phần lớn vẫn là các đơn hàng cơ bản, đơn giá tiếp tục duy trì ở mức thấp, hàng hoá cao cấp chưa trở lại, nhất là sản phẩm veston nam.
Bài viết triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.
Xem thêm nội dung TẠI ĐÂY!