Xuất khẩu không tăng đột biến
Dự kiến mang về giá trị xuất khẩu 40 tỷ USD trong năm 2019, qua 8 tháng của năm 2019, ngành dệt may mang về 21,7 tỷ USD, tăng 9,8% (chưa tính xơ sợi, vải, phụ liệu khác).
Kết quả này cho thấy, xuất khẩu đã không tăng đột biến. Thậm chí, những người đứng đầu ngành đã từng lo lắng khi tổng kết sản xuất kinh doanh nửa đầu năm về tình trạng đơn hàng về chậm, giảm. Nhiều doanh nghiệp dệt may có vốn trong nước than thở: “Tuy công nhân có việc để làm, nhưng thu nhập bị giảm do đơn hàng gia công doanh nghiệp ký thấp hơn năm ngoái”.
Quý III/2019 đã gần qua, hoàn toàn không có chuyện các doanh nghiệp dệt may Việt Nam được hưởng lợi, tăng được giá trị xuất khẩu nhờ cuộc thương chiến như một số dự báo từng đưa ra hồi đầu năm.
Trong tổng thể ngành dệt may, các doanh nghiệp FDI của Hàn Quốc, Đài Loan… lại được nhận định có nhiều lợi thế về xuất khẩu hơn hẳn, khi sở hữu các nhà máy sản xuất theo chuỗi giá trị, từ khâu sản xuất sợi, vải, dệt nhuộm, thiết kế cho tới may mặc.
“Các công ty dệt may Hàn Quốc tại Việt Nam được lợi lớn nhất trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. 143 doanh nghiệp nước này đang chiếm khoảng 50% giá trị xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang Mỹ”, FiinGroup - đơn vị chuyên cung cấp thông tin tài chính và doanh nghiệp tại Việt Nam nhận định.
Làn sóng FDI vào ngành dệt may Việt Nam gần 2 thập niên qua chứng kiến nhiều tập đoàn lớn với lượng vốn mang vào Việt Nam tới cả tỷ USD.
Nhiều nhà máy dệt vải, nhuộm, may mọc lên tại Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh… đã góp phần tăng nhanh năng lực xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu năm 2018 đã lên tới 36,2 tỷ USD.
Dệt may là mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam vào Mỹ. Tuy nhiên, chủ thể xuất khẩu chính là các doanh nghiệp FDI, các công ty nội chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong việc xuất khẩu sang Mỹ. Chẳng hạn, với quần áo, các công ty Việt Nam chỉ chiếm 16% giá trị xuất khẩu. Còn ở quy mô ngành, 65% giá trị xuất khẩu được tạo nên bởi các doanh nghiệp FDI.
Thời gian qua, các tập đoàn dệt may Hàn Quốc và đặc biệt là Trung Quốc và Đài Loan đã xây dựng thêm nhiều nhà xưởng tại Việt Nam nhằm tận dụng ưu đãi từ các FTA. Các tập đoàn này tiến vào Việt Nam từ những năm đầu thế kỷ 21 và phát triển các chuỗi cung ứng tốt.
Chưa có sự dịch chuyển dòng vốn sang Việt Nam
Ngoài việc chưa hưởng lợi từ tăng nhanh xuất khẩu, việc đón dòng vốn đầu tư dịch chuyển vào Việt Nam trong ngành này cũng chưa xảy ra.
Theo Hiệp hội dệt may Việt Nam (Vitas), hiện nay, khâu dệt, nhuộm - mắt xích quan trọng của chuỗi cung ứng ít được đầu tư. Các địa phương không mặn mà với các dự án dệt, nhuộm vì lo ngại vấn đề môi trường. Chính vì vậy, Vitas đã đề nghị Chính phủ xây dựng quy hoạch để hình thành một số khu công nghiệp dệt may trọng điểm, hoàn thành chuỗi khép kín sợi - dệt - nhuộm - may. Trong đó, Nhà nước cần hỗ trợ đầu tư xử lý nước thải tại các khu công nghiệp này.
Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho hay, các diễn biến trên thị trường đến thời điểm hiện tại mới chỉ do yếu tố tâm lý và dự báo, chưa có sự dịch chuyển sản xuất rõ ràng từ Trung Quốc sang Việt Nam.
“Việc quyết định dịch chuyển đầu tư còn phụ thuộc nhiều yếu tố và cần thêm thời gian, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam cũng đang trong “tầm ngắm” áp thuế của Mỹ nếu có sự dịch chuyển diễn ra”, lãnh đạo Vinatex phân tích.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) khẳng định, đã có nhiều suy đoán chưa đúng về sự dịch chuyển dòng vốn Trung Quốc sang Việt Nam. Việt Nam không được hưởng lợi gì từ xung đột thương mại này như nhiều dự báo trước đó.
Một vấn đề nữa, đó là dù kim ngạch xuất khẩu lớn, nhưng ngành dệt may thiếu nguyên liệu đầu vào, khi phải nhập khẩu 100% bông, 80% vải, xơ sợi, cúc, khóa… nên chi phí sản phẩm của các công ty nội địa cao hơn nhiều so với các công ty FDI.
Quần áo được gia công tại các công xưởng của chủ là người Việt thì phần lớn vải sợi, kim, chỉ là đầu vào phải nhập từ Trung Quốc, Ấn Độ, vì vải sợi do các công ty nội địa Việt Nam sản xuất mới chỉ đáp ứng được 20%. Bởi vậy, Việt Nam càng xuất khẩu hàng dệt may nhiều, thì các công ty dệt sợi của Trung Quốc và Ấn Độ càng được lợi nhiều, vì chúng ta phải tăng nhập khẩu nguyên liệu của họ để sản xuất.
Một thực tế được các chuyên gia từ FiinGroup chỉ ra, dù chiến tranh thương mại đang xảy ra thì nhiều khách hàng Mỹ vẫn giao dịch với các đối tác ở Trung Quốc, bởi chi phí sản xuất hàng dệt may tại thị trường này rẻ hơn nhiều so với Việt Nam, do họ chủ động được nguyên liệu.