Đến tháng 6, có gần 31 triệu người bị ảnh hưởng tiêu cực bởi Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đây là những con số rất đáng lưu ý được Tổng cục Thống kê vừa chính thức công bố liên quan đến những tác động của dịch Covid -19 tới tình hình lao động việc làm tại Việt Nam trong cuộc họp báo sáng qua 10/7.
Đến tháng 6, có gần 31 triệu người bị ảnh hưởng tiêu cực bởi Covid-19

Ông Phạm Quang Vinh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, dịch Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam từ tháng 1/2020 đã ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình lao động việc làm trong các ngành và tại tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó, ảnh hưởng rõ rệt nhất vào quý II/2020.

Tính đến tháng 6/2020, cả nước có 30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19. Lực lượng lao động và lao động có việc làm đều giảm trên 2 triệu người, là mức giảm lớn nhất trong vòng 10 năm qua.

Trong đó, lao động nữ, lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật thấp hoặc không có trình độ chuyên môn kỹ thuật và lao động làm công việc phi chính thức bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Đây là năm đầu tiên thu nhập của người lao động trong quý II giảm so với cùng kỳ năm trước trong 5 năm qua (giảm 5,1%).

Thống kê cụ thể mức suy giảm trong từng lĩnh vực, Tổng cục Thống kê cho biết, khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch COVID-19 với 72% lao động bị ảnh hưởng, tiếp đến là khu vực Công nghiệp và xây dựng với 67,8%; tỷ lệ lao động bị ảnh hưởng trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 25,1%.

Lao động có việc làm ở ba khu vực kinh tế đều giảm so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước. Lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 17 triệu người, giảm 1,1 triệu người so với quý trước và giảm gần 1,7 triệu người so với cùng kỳ năm trước; khu vực Công nghiệp và xây dựng là 16 triệu người, giảm 497,4 nghìn người so với quý trước và giảm 287,7 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; khu vực Dịch vụ là 18,7 triệu người, giảm 778,1 nghìn người so với quý trước và giảm 642,6 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.

Riêng trong quý II là thời gian chịu tác động nặng nề nhất từ dịch Covid, lao động có việc làm giảm tương ứng so với mức giảm của lực lượng lao động. Điều này cho thấy, dịch Covid -19 làm cho đa số người lao động mất việc phải tạm thời rời khỏi thị trường lao động trong thời gian dịch bệnh lây lan, đặc biệt là trong tháng 4/2020 khi các biện pháp giãn cách xã hội được áp dụng nghiêm túc và triệt để.

Một số ngành có số lao động giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước như ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 324,6 nghìn người; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 156,9 nghìn người; ngành giáo dục và đào tạo giảm 122,7 nghìn người; ngành bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy giảm 120 nghìn người. 

Lao động trong một số nghề giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước như: nghề lao động giản đơn giảm gần 8%; nhóm thợ thủ công và các thợ có liên quan giảm 6,6%; lao động trong nhóm nghề chuyên môn kỹ thuật bậc trung giảm 6,5%.

Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức quý II2020 là 55,9%, tăng 0,6 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 0,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước; tỷ lệ này ở khu vực nông thôn cao hơn 15,1 điểm phần trăm so với khu vực thành thị, tương ứng là 62,6% và 47,5%; tỷ lệ lao động nữ làm công việc phi chính thức ở một số ngành dịch vụ khá cao (hoạt động làm thuê các công việc trong hộ gia đình: 97,7%, giáo dục và đào tạo: 79,5%, dịch vụ lưu trú và ăn uống: 69,0%).

Đáng chú ý, số liệu của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, hiện tượng tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng bắt đầu tăng lên khi dịch Covid-19 xuất hiện. Đây là nhóm lao động có nhu cầu làm việc nhưng không được đáp ứng đủ công việc, bao gồm những người thất nghiệp, thiếu việc việc làm và một nhóm ngoài lực lượng lao động có nhu cầu làm việc nhưng không tìm việc hoặc có tìm việc nhưng chưa sẵn sàng làm việc ngay.

Tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng là tỷ số giữa lao động có nhu cầu làm việc nhưng không được đáp ứng đầy đủ công việc so với tổng lực lượng lao động có nhu cầu làm việc trong nền kinh tế.

Kết quả điều tra lao động việc làm từ năm 2018 đến nay cho thấy, tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng của Việt Nam dao động ở mức 4%. Tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng bắt đầu tăng lên khi dịch Covid-19 xuất hiện từ tháng 1/2020 tại Việt Nam, chiếm 4,6% vào quý I/2020 và 5,8% vào quý II/2020.

Đa số lao động không sử dụng hết tiềm năng là những người dưới 34 tuổi (52,6%), trong khi đó lực lượng lao động dưới 34 tuổi chỉ chiếm 36,5%. Điều này cho thấy tỷ trọng lao động trẻ của Việt Nam tham gia vào thị trường lao động không cao nhưng mức độ “không sử dụng hết tiềm năng” của họ cao hơn nhiều so với lao động nhóm tuổi khác. Như vậy, việc tận dụng lợi thế về lao động trẻ và có kỹ năng còn hạn chế, đặc biệt trong bối cảnh xuất hiện dịch Covid-19 tại Việt Nam.

Trước tình hình khó khăn của người lao động trong việc tiếp cận công việc để tạo thu nhập cho bản thân và gia đình, Chính phủ đã ban hành các chính sách nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn đối với doanh nghiệp và người lao động, trong đó có Nghị quyết số 42/ND-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Tính đến ngày 25/6/2020, các địa phương đã thực hiện chi trả cho khoảng 11,2 triệu đối tượng thụ hưởng với tổng kinh phí 11.320 tỷ đồng thuộc gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng theo Nghị quyết số 42/NQ-CP.

Tin bài liên quan