Gà làm món nướng thường hơn 1kg, gà làm xong để ráo nước, được đâm thủng nhiều chỗ trên da trước khi ướp gia vị nên trông không đẹp mắt
Gia vị ướp gà là bí quyết để món gà nướng của Gia Lai trở nên quyến rũ.
Công thức không được tiết lộ, thế nhưng chỉ cần ngửi mùi khói nướng, người sành ăn đã có thể cảm nhận được hương mật ong, hương tỏi, sả, ngũ vị hương hòa quyện.
Điều khiến thực khách phải lưu tâm chính là cách nướng. Gà không nướng trên vỉ mà được kẹp vào thân tre, một cây tre là mỗi con gà.
Cây tre sau đó được cắm xuống đống than hồng. Mỗi lượt nướng có hàng chục con gà.
Than để nướng gà là loại than củi nên có mùi khói thơm khi nướng, chính mùi khói là một phần tạo nên hương vị đặc trưng cho món gà nướng Gia Lai.
Khoảng cách giữa con gà với mặt than khoảng 50 cm, than phải cháy đượm để hơi nóng có thể làm gà chín nhưng không khô.
Gà sau khi nướng được cắm vào vách nhà để chảy hết mỡ và cũng để hấp thụ thêm mùi khói bếp.
Cùng lúc này, gạo dẻo được cho vào ống tre để nướng cùng với gà trên than hồng. Sau khi cơm chín, đầu bếp chặt thành từng đoạn, bày lên đĩa.
Gà sau khi để ráo mỡ cũng được bày lên mâm. Cách bày trí của người Gia Lai thường khá đơn giản.
Muối lạc là món chấm thường được người Gia Lai dùng để ăn với cơm lam. Nguyên liệu chính của món này là lạc rang giã nhuyễn, muối và ít đường cát.
Cùng với muối lạc là món muối lá é (loại lá có mùi thơm gần giống húng quế), gà nướng chấm muối lá é sẽ làm gà càng thơm hơn và tròn vị hơn.
Tại Pleiku, gà nướng được bán ở một số quán nổi tiếng, chỉ cần hỏi bất cứ người dân địa phương nào bạn cũng được hướng dẫn tận tình. Khi khách đến ăn, người bán sẽ giới thiệu hai loại gà, gồm gà ta hoặc gà rừng lai gà ta.
Theo những người sành ăn, nếu ăn nướng, muốn thịt mềm và không bị khô, bạn nên chọn loại gà ta. Gà rừng, hay còn gọi là gà thôn bản nên dùng để nấu cháo, trộn gỏi.
Giá mỗi con gà nướng cùng cơm lam khoảng 300.000 đồng. Các quán ăn thường bán từ trưa đến nửa đêm.