Một lần đến Huế…
Nếu bạn đang tìm kiếm một vùng đất chất chứa đầy sự lãng mạn cổ xưa thì đến Huế là một lựa chọn thích hợp. Bây giờ ở đây, ngoài sự trầm mặc cổ kính ôm ấp những trái tim yên bình, thì tôi còn thấy ở Huế có cả sự náo nhiệt trong từng góc phố Tây mà người ta không ngờ đến.
Nhưng Huế xưa nay vẫn vậy - vẫn mang niềm kiêu hãnh của vùng đất vàng son một thời. Nó đôi khi làm Huế “không nhanh và không mới” như các thành phố khác, nhưng bù lại, bất kỳ ai tới Huế cũng đều có thể một lần nữa bắt kịp cuộc sống của mình sau khi đã chạy đua quá nhiều. Trong thời đại gia tốc, không gì đáng mừng hơn là người ta tìm được những phút giây thảnh thơi để tâm hồn có dịp “giảm tốc”.
Ở Huế, tôi cũng nghe vài ba vị khách du lịch kháo nhau rằng, không dễ tìm thấy một công trình kiến trúc nào dưới 200 năm tuổi tại đây đâu. Ý nghĩ đó có vẻ không đơn thuần chỉ là cách nói quá để quảng bá du lịch cố đô, bởi ngay khi vừa bước xuống ga tàu, tôi đã có cảm giác như đang lạc vào một miền đất cổ nào đó.
Thành phố cổ nên cái gì cũng cổ. Từng ngóc ngách, từng con phố, từng viên đá lót đường đều như khoác lên mình lớp bụi thời gian vô hình và đều như đang hít thở chậm rãi theo nhịp của quá khứ.
Đến đây, bạn sẽ chẳng còn muốn mua sắm gì, chẳng thấy thèm ăn bất kỳ thứ gì. Tất cả những gì bạn muốn làm chỉ là đi dọc các con phố, len lỏi vào ngõ ngách và dùng mọi giác quan vốn có để chạm, sờ, ngửi mùi cũ kĩ của tháng năm mà thôi.
Đi cùng chúng tôi trong hành trình này là Trâm Anh, cô gái Huế mới 19 tuổi của hôm nay. Năng động, hiện đại trong những tà áo dài e ấp và kiều diễm của Huế xưa. Một vẻ đẹp mong manh tựa sương mai khiến màu xanh rêu phong, cổ kính lại càng thêm phần thơ mộng.
“Mà lạ lắm, con gái Huế mặc áo dài đẹp và có hồn ghê…”.
Trong khi quan sát hai thế hệ của Huế cùng gặp nhau, cùng thưởng thức nhau, tôi mới phát hiện ra rằng, “trước và sau” tuy đã có sự khác biệt, nhưng cả hai vẫn còn mang trong mình nhiều giá trị văn hóa khu biệt của vùng đất cố đô lịch sử. Hay nói đúng hơn, thế hệ trước dường như đã vun đắp và xây dựng để thế hệ sau tiếp nối và giữ gìn.
… để tìm dấu vết vàng son một thời
Nhắc đến Cố đô Huế, người ta phải nghĩ ngay đến những thành quách, cung điện lỗng lẫy, đặc biệt là những lăng tẩm uy nghi cho đến bây giờ vẫn giữ nguyên nét trầm tư, u tịch.
Khu lăng tẩm Huế là một quần thể đa dạng và đồ sộ. Tôi phải dùng từ đồ sộ, vì sau 200 năm lịch sử, quần thể di tích này vẫn luôn làm tốt vai trò “người nắm giữ thời gian” của mình và luôn là biểu tượng không thể thay thế của Huế.
Lăng Minh Mạng uy nghi nằm đăng đối giữa sông và nước nhằm thể hiện cái “hùng tâm đại chí” của một chính trị gia có tài. Lăng vua Gia Long mộc mạc, nhưng hoành tráng giữa núi rừng trùng điệp, thể hiện hùng khí của một chiến tướng trăm trận khi xưa. Lăng vua Tự Đức với phong cảnh hữu tình gợi cho du khách cảm nhận về một vị vua mang nặng những nỗi niềm trắc ẩn. Mỗi lăng vua Nguyễn đều phản ánh cuộc đời và tính cách của vị chủ nhân đang yên nghỉ trong đó.
Đặc biệt, về mặt nghệ thuật kiến trúc, cả Quần thể Di tích Cố đô Huế còn được đánh giá như một “kiệt tác đô thị của một Kinh đô phong kiến phương Đông”. Bởi vậy, từ năm 1993, Quần thể Di tích Cố đô Huế đã chính thức được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới tiêu biểu đầu tiên của Việt Nam chỉ sau có một lần nộp đơn đệ trình.
Và để tâm hồn nhẹ như dòng sông Hương
Ai cũng bảo Huế đẹp vì có dòng sông Hương thơ mộng. Đó quả là một nhận xét tinh tế. Điểm nhấn của Huế chính là sông Hương - phần hồn của kinh thành Huế. Sông Hương vốn đã mang trong mình “dòng nước của cung đình”.
Lòng sông Hương chảy qua TP. Huế là đoạn sâu nhất. Vì thế, ngay từ thời Nguyễn, các nhà vua đã cho xây dựng bên bờ Bắc sông Hương trạm Thương bạc (trạm thu thuế đường thủy) với ngụ ý nơi nước sâu nhất thì tiền của mới tích tụ được nhiều nhất.
Cũng tại đây, một hệ thống kiến trúc biểu thị cho quyền uy của chế độ trung ương tập quyền nhà Nguyễn là ba tòa thành: Kinh thành Huế, Hoàng thành Huế, Tử cấm thành Huế được bố trí đăng đối trên một trục dọc xuyên suốt từ mặt Nam ra mặt Bắc.
Hệ thống thành quách ở đây là một mẫu mực của sự kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn giữa tinh hoa kiến trúc Đông và Tây. Lại đặt trong một khung cảnh thiên nhiên sẵn có, nên từ lâu, người ta thường xem núi Ngự Bình, dòng Hương Giang, cồn Giã Viên… là một bộ phận không tách rời của Kinh thành Huế vậy.
Thú vui tao nhã nhất trên sông Hương là được đi thuyền để thưởng cảnh. 4 giờ chiều, con sông đưa chiếc thuyền rồng của chúng tôi lạc vào chuyến hành trình khám phá. Thuyền lướt nhẹ trên mặt nước, qua những làng mạc trù phú, qua thôn Vĩ Dạ của nhà thơ lừng danh Hàn Mặc Tử. Từ Phu Văn Lầu đến cầu Tràng Tiền soi bóng xuống dòng sông xanh biếc, đi qua cả Kinh thành giữa không gian cổ kính.
Văng vẳng trong chiều hoàng hôn là tiếng chuông ngân của chùa Thiên Mụ như một búp sen đang tỏa bóng xuống dòng sông Hương. Nhiều người đến đây dâng hương đều tin rằng, nếu thành tâm, họ và gia đình sẽ được ban sức khỏe, may mắn và bình an.
Dưới ánh đèn lung linh và ánh trăng thơ mộng của đêm vàng, một giọng hò vang lên. Ai đang ngân, ai đang hát những giai điệu trong trẻo, đằm thắm và ngọt ngào của ca Huế. Không cần micro, tiếng ca vẫn đủ sức nặng để truyền vào hồn người cảm xúc. Tiếng đàn nguyệt, đàn bầu dẫn dắt những mê hồn đi từ xứ này sang xứ khác của mộng ảo.
Nghe mà như không nghe, điều này đúng, vì tiếng Huế trầm buồn, có khi chỉ thưởng thức chứ chưa chắc đã “tròn vành rõ chữ”. Tiếng hát của người nghệ sĩ làm cho tâm hồn người nghe thêm đậm ân tình với Huế. Tiếng hát làm những nhà nhiếp ảnh nghiệp dư như tôi trơ ra đó. Vì máy thì chụp được hình, chứ chụp sao được tiếng ca lướt nhẹ qua dòng sông.
Tiếng hát cũng làm tôi nhớ đến hai câu thơ rất hay của nhà thơ Thu Bồn:
“Con sông dùng dằng con sông không chảy
Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu”.
(Ý nói về con sông biết chảy sâu vào lịch sử, văn hóa và vào cả tâm hồn con người).
Để Huế mãi mãi được giữ gìn
Huế kết thúc sứ mệnh là thủ đô Việt Nam vào năm 1945 khi vị Hoàng đế cuối cùng của nhà Nguyễn là Bảo Đại thoái vị. Năm tháng trôi đi vô thường. Những ảnh hưởng của thiên nhiên lên thành quách cũ đã có nhiều, nhưng các lăng tẩm vẫn làm tròn vai trò giữ lại vẻ đẹp cổ kính cho thế hệ mai sau. Bởi vậy, kinh đô vàng son một thời của Việt Nam ngày nào nay đã trở thành vùng đất cho sự mộng sơ, phiêu lãng trú ngụ.
Có thể tôi chưa kịp nói hết những tinh hoa về Huế. Có thể Huế cổ kính hơn những gì riêng tôi cảm nhận được. Nhưng tôi không bao giờ phủ nhận một điều, Huế thật đẹp, thật mộng mơ và nữ tính. Với riêng tôi, cơ hội khám phá Huế cũng là cơ hội để khám phá chính bản thân mình. Hẹn một ngày về, Huế ơi!
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com