Đến cuối tháng 7/2021, tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản tăng 9,88%, chứng khoán tăng 1,3% so với cuối năm 2020

Đến cuối tháng 7/2021, tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản tăng 9,88%, chứng khoán tăng 1,3% so với cuối năm 2020

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tín dụng trong các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro vẫn trong xu hướng tăng là chủ đạo, nhưng được quản lý chặt chẽ và trong tầm kiểm soát.

Báo cáo Đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết 124/2020/QH14 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, nhiệm vụ, giải pháp năm 2022 của ngành Ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất ,kinh doanh. Đặc biệt, các lĩnh vực ưu tiên, hỗ trợ tích cực quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển thủy sản, công nghiệp hỗ trợ, hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Cụ thể, tín dụng các ngành kinh tế tiếp tục tăng trưởng và có 2/3 nhóm ngành có mức tăng trưởng cao hơn cùng kỳ năm 2020. Đặc biệt, tín dụng đối với nhóm ngành thương mại, dịch vụ có mức tăng trưởng 7,56%, cao hơn mức tăng trưởng chung của nền kinh tế và cao hơn nhiều mức tăng của cùng kỳ 2020 (4,21%) cho thấy dấu hiệu phục hồi của khu vực này.

Tính đến cuối tháng 7/2021 so với cuối năm 2020, dư nợ ngành nông, lâm, thủy sản tăng 2,06%, chiếm 8,05% tổng dư nợ toàn nền kinh tế (cùng kỳ 2020 tăng 3,05% và chiếm 8,66%). Dư nợ ngành công nghiệp và xây dựng tăng 6,94%, chiếm 28,14% (cùng kỳ 2020 tăng 4,0% và chiếm 28,79%). Dư nợ ngành thương mại dịch vụ tăng 7,56%, chiếm 63,80% (cùng kỳ 2020 tăng 4,21% và chiếm 62,56%).​

Tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên đều có mức tăng trưởng khá, có 4/5 lĩnh vực (xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao) có mức tăng trưởng cao hơn mức tăng tín dụng nền kinh tế, trong đó tín dụng đối với lĩnh vực doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng mạnh (19,02%).

Tính đến cuối tháng 7/2021 so với cuối năm 2020, tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn tăng 8,04%, chiếm 25% (cùng kỳ 2020 tăng 3,29%, chiếm 24,52%). Tín dụng đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng 6,53%, chiếm 19,7% (cùng kỳ 2020 tăng 3,0%, chiếm 19,35%). Tín dụng đối với xuất khẩu tăng 8,38%, chiếm 3% (cùng kỳ 2020 tăng 3,85%, chiếm 2,92%). Tín dụng đối với công nghiệp hỗ trợ tăng 11,32%, chiếm 2,57% (cùng kỳ 2020 giảm 4,31%, chiếm 2,6%). Doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 19,02%, chiếm 0,39% (cùng kỳ giảm 1,91%, chiếm 0,35%).

Tín dụng các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được quản lý chặt chẽ và vẫn trong tầm kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước.

Cụ thể, tính đến cuối tháng 7/2021 so với cuối năm 2020, tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản tăng 9,88%, chiếm 20,11% (cùng kỳ 2020 tăng 5,47%, chiếm 19,87%). Tín dụng đối với lĩnh vực đầu tư, kinh doanh chứng khoán tăng 1,3%, chiếm 0,47% (cùng kỳ năm 2020 giảm 15,83%, chiếm 0,3%). Tín dụng phục vụ nhu cầu đời sống tăng 6,37%, chiếm 20,02% (cùng kỳ năm 2020 tăng 2,25%, chiếm 20,09%).

Điểm đáng chú ý, tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông giảm 3,57% so với cuối năm 2020, chiếm 1,07% tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế.

Các chương trình tín dụng chính sách theo chủ trương của Chính phủ tiếp tục được Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai tích cực. Tính đến cuối tháng 8/2021, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách tại Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 241.623 tỷ đồng, tăng 6,82% so với cuối năm 2020, với gần 6,5 triệu khách hàng còn dư nợ.

Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, với hệ thống các chỉ đạo và giải pháp đồng bộ của Ngân hàng Nhà nước, mặc dù chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 nhưng tín dụng toàn nền kinh tế tăng ngay từ đầu năm và cao hơn so cùng kỳ năm 2020, đáp ứng kịp thời nhu cầu của nền kinh tế, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Theo đó, đến ngày 09/9/2021, tín dụng toàn nền kinh tế đạt 9,84 triệu tỷ đồng, tăng 7,04% so với cuối năm 2020, tăng 14,82% so với cùng kỳ năm 2020.

Tin bài liên quan