Đề xuất tịch thu xe khiến ngành vận tải ô tô lo 'sốt vó'

Đề xuất tịch thu xe của tài xế "nặng" hơi men, bất kể người vi phạm không phải là chủ sở hữu chiếc xe, đang khiến các doanh nghiệp vận tải ô tô lo "sốt vó".
Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Ngành vận tải đường bộ bao gồm các hãng vận chuyển hàng hóa, vận tải hành khách và vận tải taxi, các doanh nghiệp cho thuê ô tô với số phương tiện gần hai triệu chiếc, chịu trách nhiệm tới 90% về vận chuyển hành khách và hàng hóa tại Việt Nam.

Thế nhưng đa số tài xế điều khiển hai triệu chiếc ô tô này không phải là chủ sở hữu. Vì vậy, các doanh nghiệp vận tải đang “phát sốt” bởi đề xuất tịch thu xe khi lái xe có nồng độ cồn trên 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/lít khí thở.  

Nếu phương tiện bị tịch thu hàng loạt, viễn cảnh những doanh nghiệp vận chuyển hàng hoá, vận chuyển hành khách, các công ty cho thuê xe phá sản chắc chắn sẽ diễn ra; vì làm sao dám giao xe cho lái xe chở khách độc lập hàng tuần trên đường? Làm sao dám giao xe cho người lạ thuê khi không thể kiểm soát được khách sau khi thuê xe có sử dụng rượu bia hay không?  

Những tranh luận trái chiều gay gắt đã nổ ra tại cuộc tọa đàm ở Hà Nội hôm 11/3 về chủ đề “Tịch thu phương tiện: Pháp lý và thực tiễn”. Đại diện Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, ông Khuất Việt Hùng cho rằng các tài xế phải có trách nhiệm đền bù cho chủ xe, nhưng ý kiến này không nhận được nhiều sự đồng tình bởi lái xe đại đa số là người lao động nghèo, làm sao có nổi hàng tỷ đồng để đền bù cho chủ sở hữu?  

Trên những diễn đàn khác, luật sư Trần Vũ Hải cũng giải thích là: “Nếu người chủ xe vô can, thì xe sẽ trả lại cho chủ (Điều 126), lái xe buộc phải nộp phạt số tiền ngang bằng giá trị xe”.

Nhưng các bình luận trái chiều chất vấn gay gắt: “Lái xe lấy đâu ra số tiền “khủng khiếp” ấy khi trị giá xe có thể lên tới vài tỉ đồng? Áp dụng biện pháp giữ phương tiện của doanh nghiệp (chủ sở hữu xe) đến khi người lái xe hoàn thành nghĩa vụ nộp khoản phạt “không tưởng” ấy có phải thực chất là tịch thu xe của doanh nghiệp không? Những hệ lụy, bất công đối với doanh nghiệp, Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia đã tính đến chưa?”.  

Đại diện một hãng taxi lớn tại Hà Nội cho biết: “Làm việc với hàng ngàn tài xế suốt hàng chục năm nay nên chúng tôi biết rõ rằng, đa phần họ là người lao động nghèo. Như vậy, liệu có khả thi không để cưỡng chế họ nộp phạt hàng tỉ đồng? Lái xe vi phạm thì chỉ xử phạt đúng vào người lái xe thôi chứ tại sao lại cố tình nhắm vào doanh nghiệp ở đây?”.  

Kết quả khảo sát trên Báo DT cho thấy, có 30% ý kiến độc giả cho rằng không nên tịch thu xe vì đó là những tài sản quá lớn và nhiều khi không phải của người lái; 53% ý kiến cho rằng chỉ nên xử phạt thật nặng và tước giấy phép lái xe 1 - 3 năm. Chỉ 17% ý kiến đồng tình với việc tịch thu xe vì tính mạng con người là trên hết.  

Theo Trung tâm Truyền thông & Giáo dục cộng đồng, tại một số diễn đàn, cũng có khoảng 75% ý kiến không ủng hộ đề xuất tịch thu xe mà cho rằng chỉ cần tăng mức phạt bằng tiền, thu bằng lái vĩnh viễn hoặc bỏ tù lái xe vi phạm.   “Chúng tôi không phản đối chủ trương đúng đắn loại trừ các “ma men” cầm lái để nhằm kéo giảm tỉ lệ thương vong và người chết bởi tai nạn giao thông hàng năm - Đại diện một công ty vận tải hành khách đường dài nhấn mạnh - Nhưng vấn đề là cách chúng ta làm như thế nào cho đúng. Một số nước văn minh trên thế giới cũng áp dụng biện pháp thu xe nhưng phải sau khi đã áp dụng tất cả các biện pháp: phạt tiền, thu bằng lái có thời hạn hoặc vĩnh viễn, phạt lao động công ích hoặc bỏ tù lái xe vi phạm.

Thêm nữa, tịch thu xe chỉ áp dụng đối với các lái xe tái vi phạm nhiều lần, và/hoặc gây tai nạn nghiêm trọng. Vội vã áp dụng những quy định bất hợp lý khi chưa nghiên cứu kỹ môi trường xã hội, trình độ dân trí và pháp luật VN có thể đẩy hàng loạt doanh nghiệp vận tải lâm vào khó khăn chồng chất và hàng triệu người lao động có thể mất việc”.  

Mặc dù uống rượu rồi mà còn lái xe thì “coi như cầm súng liên thanh, hay lựu đạn đã mở chốt” (trích lời luật sư Trần Vũ Hải), hoặc nói như đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương: “uống rượu bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông là có thể giết người”, nhưng vấn đề quan trọng nhất là phải xử phạt đúng người vi phạm, chứ một xã hội công bằng thì không thể chấp nhận việc “quýt làm” mà “cam chịu”.  

Bước lùi của môi trường kinh doanh?
Nhiều công ty cho thuê ô tô và các doanh nghiệp vận tải đang băn khoăn tự hỏi đề xuất tịch thu xe bằng mọi giá, không cần phân biệt rõ chủ sở hữu với người vi phạm liệu có phải là một bước lùi của môi trường kinh doanh tại Việt Nam trước thế giới hay không, một môi trường vốn đã quá nhiều khó khăn?
Tin bài liên quan