Nhiều trường hợp vi phạm giao thông không được cập nhật vào hệ thống dữ liệu quản lý giấy phép lái xe. Ảnh minh hoạ Đức Tiến
“Nhiều trường hợp tạm giữ GPLX do vi phạm có thời hạn 1, 2 tuần nhưng nhiều lái xe không đến nộp phạt lấy lại bằng, mà giả mất bằng lái đến cơ quan đường bộ để xin lại GPLX. Thậm chí, một số doanh nghiệp kinh doanh vận tải lái xe giả mất bằng để xin cấp lại”, đại diện Vụ Quản lý phương tiện và người lái của Bộ GTVT cho biết.
Cũng theo ông này, đề xuất của Bộ trưởng GTVT với mong muốn quản chặt tình trạng này, hạn chế đối tượng giả mất bằng hoặc bị tạm giữ bằng cố tình khai sai để xin cấp lại.
“Đây mới là đề xuất, có thể Bộ sẽ giao cho các cơ quan tham mưu nghiên cứu các vấn đề về pháp chế, quy định. Ngành giao thông cũng đang xây dựng quy chế phối hợp để CSGT cập nhật luôn các vi phạm bằng phần mềm, liên thông thông tin hai ngành để thuận tiện quản lý”, ông này cho biết.
Cũng theo đại diện Vụ Quản lý phương tiện và người lái, những người mất bằng lái thật vẫn hoàn toàn có thể được cấp lại bằng.
"Không thể đẩy phần khó về cho người dân"
Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Việt Nam (nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam) bày tỏ, quy định mất bằng lái xe phải thi lại là không nên.
Theo đó, ông Quyền cho biết, trước đây đã có quy định, khi mất GPLX thì người mất phải chờ 1 tháng (kể từ ngày nộp đơn trình báo mất và xin cấp lại) để lực lượng chức năng kiểm tra, xác minh xem mất thật hay do vi phạm bị lực lượng chức năng thu giữ bằng lái.
Tuy nhiên, sau đó cải cách hành chính cho rằng, quy định này gây khó khăn cho người dân, nên đã bãi bỏ.
"Bây giờ, lại đưa ra đề xuất, các trường hợp mất bằng lái xe đều buộc phải thi lại để cấp bằng mới sẽ rất khó cho những người bị mất thực sự, trong khi vừa bị mất tài sản, giấy tờ thì lại bị làm khó là học lại. Để cấp lại GPLX sẽ phát sinh chi phí không cần thiết về mặt thời gian và kinh phí", ông Quyền nói.
Theo ông Quyền, nếu vấn đề mấu chốt trong quản lý bằng lái xe hiện nay là bất cập phối hợp do CSGT không cập nhật đầy đủ và kịp thời về các trường hợp vi phạm, thì phải chỉnh đốn lại khâu này. Không thể vì một sự phối hợp chưa chặt chẽ của cơ quan quản lý nhà nước mà đẩy phần khó về cho người dân.