Ảnh shutterstock

Ảnh shutterstock

Đề xuất giải pháp đổi mới phát triển doanh nghiệp trong xu hướng chuyển đổi số

(ĐTCK) Năm 2018 và 5 tháng đầu năm 2019, hoạt động của khu vực doanh nghiệp Việt Nam có nhiều khởi sắc với số lượng doanh nghiệp mới gia nhập thị trường gia tăng, đặc biệt là các doanh nghiệp mới khởi nghiệp. Đây là tín hiệu đáng mừng cho thấy những triển vọng sáng của nền kinh tế cũng như niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp đang ngày càng tích cực.

Tại Diễn đàn Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp do Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh tổ chức diễn ra ngày 18/6, ông Nguyễn Hoa Cương, Phó cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, bức tranh phát triển của doanh nghiệp Việt Nam năm trong năm 2018 và các tháng đầu năm 2019 có nhiều bước tiến khả quan với số lượng doanh nghiệp thành lập mới của Việt Nam liên tiếp đạt kỷ lục trong những năm gần đây.

Năm 2018, cả nước có hơn 131.000 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng lý là 1,4 triệu tỷ đồng, tăng 3,5% về số doanh nghiệp và tăng 14,1% về số vốn đăng ký. Năm 2019, triển vọng cũng rất sáng sủa với số lượng doanh nghiệp thành lập mới dự kiến đạt khoảng 140.000 doanh nghiệp.

Trong đó, 5 tháng đầu năm nay, cả nước đã có gần 54.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 669,7 nghìn tỷ đồng, tăng 3,2% về số doanh nghiệp và tăng 29,6% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018

Đặc biệt, số lượng các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo đang có sự bùng nổ tại Việt Nam với khoảng hơn 3.000 doanh nghiệp tính đến nay, cho thấy hệ sinh thái khởi nghiệp đang ngày càng được hoàn thiện và nhiều cơ hội mới về đổi mới sáng tạo đang tạo ra sân chơi đầy hấp dẫn thu hút các start up và các quỹ đầu tư.

Đề xuất giải pháp đổi mới phát triển doanh nghiệp trong xu hướng chuyển đổi số  ảnh 1

Không chỉ gia tăng về số lượng, cơ cấu doanh nghiệp và vốn đăng ký của các doanh nghiệp trong một số ngành nghề tiếp tục có sự thay đổi đã cho thấy sự chuyển đổi theo hướng tích cực trong cơ cấu của nền kinh tế vào các ngành chế biến chế tạo có giá trị gia tăng cao hơn cũng như nhiều ngành nghề mới liên quan đến sản xuất chế tạo, nông nghiệp, công nghiệp hỗ trợ.

“Điều này cho thấy niềm tin ngày càng lớn của xã hội vào môi trường đầu tư kinh doanh. Đặc biệt, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng là điểm đáng mừng, chứng tỏ kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp về môi trường kinh doanh tăng lên. Quan trọng hơn là con số này cho thấy năng lực kinh doanh, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp thông qua hàm lượng trí tuệ, hàm lượng khoa học công nghệ đã và đang có chiều hướng gia tăng, phù hợp với xu thế chuyển đổi kinh tế số trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và gia tăng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp”, ông Cương nhận xét.

Tuy nhiên, bên cạnh bức tranh sáng này, một vấn đề đáng chú ý là tuy số doanh nghiệp thành lập nhiều, nhưng tỷ lệ doanh nghiệp hoạt động trên thị trường không cao, chỉ đạt khoảng 55% tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới.

Theo bà Nguyễn Thy Nga, Giám đốc Công ty Vstartup Việt Nam, điều này cho thấy môi trường kinh doanh trong nước vẫn còn không ít thách thức đối với doanh nghiệp khởi nghiệp như hành lang pháp lý, thiếu không gian giới thiệu sản phẩm, khó khăn khi muốn giải thể, do đó rất cần có những giải pháp khơi thông những vướng mắc để số doanh nghiệp thực sự đi vào hoạt động gia tăng một cách thực chất, cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp có môi trường thuận lợi để phát triển cả về số lượng và chất lượng.

Nhìn nhận ở góc độ quy mô và chất lượng tăng trưởng của các doanh nghiệp, ông Hồ Sỹ Hùng, Phó chủ tịch  Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho rằng, hầu hết các doanh nghiệp trong nước còn ở quy mô nhỏ, năng lực sản xuất, cạnh tranh trong môi trường toàn cầu còn hạn chế. Nhìn về tổng thể, khu vực kinh tế tư nhân vẫn còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác.

Do đó, theo ông Hùng, chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và phát triển doanh nghiệp trong nền kinh tế số là 2 vấn đề cần được ưu tiên để giúp doanh nghiệp tự chủ và vươn lên trong hội nhập.

Ngoài ra, ông Hùng cũng cho rằng bên cạnh vai trò hỗ trợ của nhà nước, bản thân các doanh nghiệp cũng cần chủ động đầu tư cải tiến công nghệ, nghiên cứu, học hỏi và ứng dụng những mô hình phương pháp kinh doanh mới, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và các phương thức mới để phát triển nhanh hơn.

Quan tâm sự phát triển của các doanh nghiệp khởi nghiệp, ông Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Hiệp hội tự động hóa Việt Nam cho rằng, hiện có 3 vấn đề khó khăn hạn chế sự phát triển mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp, đó là chưa có hệ thống luật pháp đầy đủ về đầu tư mạo hiểm.

Tổ chức dịch vụ trong hệ sinh thái khởi nghiệp được đánh giá là thành tố quan trọng của hệ sinh thái khởi nghiệp, nhưng gần như chưa được quan tâm xây dựng.

Ngoài ra, còn thiếu chính sách phù hợp khuyến khích các viện nghiên cứu, trường đại học thương mại hóa kết quả nghiên cứu và đạt hàng từ các doanh nghiệp công nghiệp…

Theo ông Quân đây là 3 vấn đề cần có giải pháp tháo gỡ để thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mạnh mẽ hơn nữa ở Việt Nam đáp ứng mục tiêu kỳ vọng mà Chính phủ đặt ra hiện nay. 

Tin bài liên quan