Đường băng 2 sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài đang xuống cấp nghiêm trọng.
Sáng nay (24/2), đại diện Văn phòng Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cho biết đơn vị này vừa có văn bản gửi Cục Hàng không đề xuất tạm ngừng khai thác đường cất hạ cánh 25R/07L vào ban đêm để tiến hành sửa chữa tạm thời.
Qua kiểm tra, Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất phát hiện đường băng 07L/25R ngày càng xuất hiện nhiều vết rạn nứt, mặt đường bê tông nhựa bị biến dạng, hằn vệt bánh xe theo vệt lăn của càng máy bay.
Khu vực đầu đường cất hạ cánh có tình trạng lún bề mặt bê tông nhựa với diện tích lớn, đọng nước sau khi trời mưa tiềm ẩn nguy cơ uy hiếp an toàn bay.
Nhằm đảm bảo an toàn hoạt động khai thác bay, Cảng đề nghị Cục Hàng không Việt Nam xem xét chấp thuận phương án tạm ngừng khai thác đường cất hạ cánh 25R/07L để tiến hành sửa chữa, tẩy vệt cao su, sơn bảo trì tín hiệu, đo ma sát, seo cỏ.
Đồng thời, kiểm tra, bảo dưỡng thiết bị phục vụ bay.
Đại diện Văn phòng Cảng thông tin thời gian sửa chữa sẽ tiến hành vào buổi đêm từ sau 23 giờ cho tới 6 giờ sáng hôm sau, hoạt động khai thác ban ngày vẫn diễn ra bình thường. Công tác sửa chữa dự kiến kéo dài từ 27.2 - 9.3.
"Đây chỉ là công tác sửa chữa, bảo dưỡng tạm thời trong thời gian chờ dự án cải tạo lớn. Chi phí do Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất thực hiện" - vị này nói,
Đường băng 07L/25R của sân bay Tân Sơn Nhất cùng đường băng 1B của sân bay Nội Bài là 2 công trình đang xuống cấp trầm trọng, uy hiếp an toàn bay tại 2 sân bay lớn nhất cả nước.
Tuy nhiên do những bất cập về cơ chế vốn, dự án sửa chữa, cải tạo 2 đường băng này đã vướng gần 2 năm chưa thể triển khai.
Mới đây, Bộ GTVT vừa trình Chính phủ kế hoạch bố trí vốn đầu tư cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh và đường lăn của cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và Nội Bài đang bị xuống cấp trầm trọng, nguy cơ đóng cửa.
heo đó, tổng mức đầu tư cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn của Tân Sơn Nhất dự kiến khoảng 1.876 tỉ đồng, Nội Bài khoảng 2.276 tỉ đồng, tổng mức đầu tư dự kiến 4.152 tỉ đồng.
Dự kiến thời gian triển khai từ khi chuẩn bị đầu tư đến khi hoàn thành khoảng 23,5 tháng với Tân Sơn Nhất và 26,5 tháng với Nội Bài.
Nhu cầu vốn dự kiến năm 2020 khoảng 950 tỉ đồng, năm 2021 và 2022 khoảng 3.202 tỉ đồng.
Bộ GTVT đề xuất 3 phương án vốn: sử dụng vốn đầu tư công, nguồn vốn của Tổng công ty cảng hàng không VN (ACV) và phương án sử dụng nguồn chênh lệch thu - chi từ khai thác tài sản khu bay do ACV đang tạm quản lý, khai thác hằng năm từ năm 2019, phần còn thiếu sử dụng nguồn vốn của ACV như phương án 2.