Đề xuất chuyển giao sớm cổ phần Nhà nước tại Bệnh viện Giao thông Vận tải về SCIC

0:00 / 0:00
0:00
Bộ GTVT muốn triển khai sớm việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn Nhà nước tại Công ty cổ phần Bệnh viện GTVT sang SCIC.
Bệnh viện GTVT vắng vẻ dù cơ sở vật chất khá hiện đại.

Bệnh viện GTVT vắng vẻ dù cơ sở vật chất khá hiện đại.

Bộ GTVT vừa có công văn gửi Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp về việc sớm khởi động lộ trình chuyển giao phần vốn Nhà nước tại Công ty CP Bệnh viện GTVT từ bộ này sang Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).

Theo Bộ GTVT, do tình hình cấp bách vì thiếu thành viên Hội đồng quản trị và Ban điều hành nên Công ty cổ phần Bệnh viện GTVT hiện đang khó khăn, hoạt động cầm chừng và Đại hội đồng cổ đông bất thường đang phải lùi thời gian tổ chức khi thực hiện các thủ tục chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu, Bộ GTVT đề nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp sớm có ý kiến chỉ đạo về phương án chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu sang SCIC để SCIC chỉ đạo Người Đại diện vốn nhà nước tại Bệnh viện tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường thực hiện kiện toàn bộ máy tổ chức và hoạt động của Công ty cổ phần Bệnh viện Giao thông vận tải.

“Về phương hướng phát triển Công ty cổ phần Bệnh viện GTVT, SCIC sẽ phối hợp với Người Đại diện vốn nhà nước tại Bệnh viện, các Bộ ban ngành hoàn thiện và thực hiện sau khi chuyển giao để đảm bảo tính khả thi”, Bộ GTVT đề nghị.

Theo Thông báo số 248/TB- VPCP ngày 23/7/2020 của Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại cuộc họp về chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại Công ty CP Bệnh viện GTVT sang SCIC.

Theo đó, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đồng ý chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại Công ty cổ phần Bệnh viện GTVT từ Bộ GTVT sang SCIC như kiến nghị của Bộ GTVT và ý kiến thống nhất của tất cả các đại biểu tham dự cuộc họp.

“Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ GTVT, SCIC và các cơ quan có liên quan xây dựng phương án chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại Công ty CP Bệnh viện GTVT từ Bộ GTVT sang SCIC bảo đảm đúng quy định pháp luật và có phương hướng phát triển Công ty cổ phần Bệnh viện GTVT theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, đội ngũ chuyên gia bác sỹ chuyên nghiệp”, Phó Thủ tướng chỉ đạo.

Trong công văn gửi Thủ tướng Chính phủ vào tháng 6/2020, Bộ GTVT cho biết là hiện bộ này đang khẩn trương xây dựng Đề án trình Thủ tướng chuyển giao các bệnh viện công lập trực thuộc về các địa phương, đồng thời giải thể Cục Y tế GTVT theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu BCHTW Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Do không còn cơ quan tham mưu, giúp việc về y tế nên Bộ GTVT sẽ không tiếp tục thực hiện việc quản lý đối với các bệnh viện. Chính vì vậy, việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp CPH từ các Bộ, ngành, địa phương sang SCIC, theo Bộ BGTVT là thực hiện theo đúng chủ trương của Đảng và chỉ đạo của Chính phủ nhằm tách bạch chức năng quản lý nhà nước và chức năng chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

“SCIC với kinh nghiệm quản lý vốn, nhân sự tại các doanh nghiệp cổ phần có vốn nhà nước sẽ giúp công tác điều hành Bệnh viện GTVT thuận lợi hơn”, ông Nguyễn Văn Công, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết.

Được biết, đề xuất chuyển phần vốn Nhà nước tại Bệnh viện GTVT đã được Bộ GTVT đưa ra ngay từ tháng 11/2019 tại văn bản số 11266/BGTVT-QLDN báo cáo Thủ tướng về việc hoàn thành điều chỉnh tăng vốn điều lệ tại Bệnh viện GTVT và đề xuất xử lý kiến nghị Nhà nước mua lại cổ phần của nhà đầu tư chiến lược lả Công ty cổ phần Tập đoàn T&T.

Cụ thể, tại thời điểm này, Bệnh viện GTVT đã hoàn tất mọi thủ tục tăng vốn điều lệ, bao gồm việc tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường lần thứ nhất năm 2019 (ngày 4/9/2019) và được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thay đổi lần 2 (ngày 25/9/2019).

Quan trọng hơn, vốn điều lệ của Bệnh viện GTVT cũng đã tăng từ 168 tỷ đồng lên 391,459 tỷ đồng, do việc hạch toán giá trị Dự án ODA tòa nhà Bệnh viện vào phần vốn nhà nước. Điều này dẫn tới việc, cổ đông Nhà nước từ chỗ chỉ nắm 5.498.400 cổ phiếu, chiếm 32,73% vốn điều lệ, nay tăng lên 27.844.370 cổ phiếu, tương đương 71,13% vốn điều lệ. Số lượng cổ phần của các nhà đầu tư khác, bao gồm cả cổ đông chiến lược là Tập đoàn T&T dù vẫn giữ nguyên về số lượng tuyệt đối (11.301.600 cổ phần), nhưng tỷ lệ nắm giữ đã giảm từ 67,27% xuống còn 28,87%.

Chính sự thay đổi trong cơ cấu cổ đông không mong đợi này đã dẫn đến hàng loạt bất ổn trong hoạt động điều hành tại Công ty cổ phần Bệnh viện GTVT khi các cổ đông lớn, trong đó có T&T đồng loạt kiến nghị Bộ GTVT mua lại số cổ phần nắm giữ. Tập đoàn T&T cũng rút khỏi mọi hoạt động điều hành và dừng triển khai các cam kết hỗ trợ tài chính, đầu tư, khiến hoạt động tại Bệnh viện GTVT gặp rất nhiều khó khăn.

Tin bài liên quan