Ngày 28/5, Sabeco sẽ tổ chức ĐHCĐ thường niên năm 2015

Ngày 28/5, Sabeco sẽ tổ chức ĐHCĐ thường niên năm 2015

Đề xuất bán tiếp cổ phần Nhà nước tại Sabeco

(ĐTCK) Nguồn tin của ĐTCK cho biết, Bộ Công thương vừa có tờ trình Chính phủ về việc bán tiếp phần vốn Nhà nước tại Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).

Bán luôn một lần

Có hai phương án được Bộ Công thương đưa ra để xem xét là bán tiếp cổ phần Nhà nước tại Sabeco, giảm tỷ lệ sở hữu từ 89,59% hiện nay xuống còn 36% trong một lần. Phương án thứ 2 là vốn Nhà nước tại Sabeco sẽ được bán làm 2 đợt, đợt 1 bán 40% và đợt 2 bán 13,59% cổ phần (tỷ lệ sở hữu giảm còn 36%). 

Trong đó, Bộ Công thương đề xuất lựa chọn phương án 1 và thực hiện đấu giá công khai. Với khối lượng vốn Nhà nước sẽ bán ra trong một lần khá lớn, Bộ Công thương kỳ vọng tìm được từ 2 - 5 cổ đông chiến lược tham gia mua cổ phần. Được biết, hiện đề xuất này của Bộ Công thương đang được lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan liên quan như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính.

Trong số các NĐT nội địa muốn trở thành đối tác chiến lược và sở hữu cổ phần của Sabeco hiện nay, có những tên tuổi mới như CTCP Tư vấn và Đầu tư Ánh Dương, CTCP Tập đoàn Đức Bình, Công ty Hưng Thịnh Diamond. Trước đó, CTCP Tập đoàn Liên Việt, CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) là những DN rất quan tâm tới việc mua cổ phần của Sabeco.

Các NĐT ngoại cũng rất quan tâm tới việc mua cổ phần của DN bia lớn nhất Việt Nam này. Những cái tên có thể kể tới là Tập đoàn Asahi (Nhật Bản), Heineken (Hà Lan, hiện đang sở hữu gần 5% vốn điều lệ tại Sabeco), SAB Miller (Hoa Kỳ), Thaibev (Thái Lan). Tuy nhiên, các nguồn tin cho hay, các “ông lớn” trong ngành bia thế giới không dễ có cơ hội mua cổ phần tại Sabeco trong lần bán tiếp vốn Nhà nước sắp tới, vì các ràng buộc về điều kiện trở thành cổ đông chiến lược.

Dự kiến, các tiêu chí này là có lợi ích chiến lược phù hợp với chiến lược phát triển của Sabeco, cụ thể là không cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm của Sabeco; đáp ứng mục tiêu nâng cao chất lượng và năng lực sản xuất - kinh doanh sản phẩm rượu và nước giải khát tại Sabeco.

Không chỉ nâng cao công nghệ, tiếp thị bán hàng, mở rộng thị trường, mà với Sabeco, yếu tố quản lý dòng tiền trong hoạt động sản xuất - kinh doanh hay giải pháp thích hợp cho các bất động sản đang do Sabeco quản lý và sử dụng cũng được chú trọng trong quá trình chọn đối tác chiến lược. 

Lo lợi nhuận giảm

Ngày 28/5, Sabeco sẽ tổ chức ĐHCĐ thường niên năm 2015. Trong chương trình đại hội gửi tới các cổ đông, không thấy nhắc tới nội dung sẽ bán tiếp cổ phần Nhà nước tại DN. Được biết, do cổ đông sở hữu vốn Nhà nước chưa đồng ý một số chỉ tiêu trong tài liệu trình ĐHCĐ và cần xem xét lại, nên thay vì diễn ra vào ngày 25/5, đại hội của Sabeco sẽ chuyển sang ngày 28/5, diễn ra tại TP. HCM.

Năm 2014, Sabeco đạt sản lượng 1,394 tỷ lít bia các loại, tăng 2%; lợi nhuận sau thuế đạt 3.049 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2013. Sabeco đưa ra kế hoạch kinh doanh năm 2015 với dự kiến doanh thu và lợi nhuận sau thuế đều tăng trưởng 3% so với năm 2014, tương ứng mức 31.721 tỷ đồng và 3.108 tỷ đồng. Sản lượng bia tiêu thụ dự kiến là 1,425 tỷ lít.

Trong bản công bố thông tin gửi tới các cổ đông, Sabeco lưu ý một điểm khá quan trọng. Theo đó, Bộ Tài chính đang trình Chính phủ dự thảo Nghị định về thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), nếu được ban hành sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới kế hoạch lợi nhuận và cổ tức.

Được biết, theo quy định hiện hành của Luật Thuế TTĐB, trường hợp cơ sở sản xuất bán hàng qua các cơ sở kinh doanh thương mại thì giá làm căn cứ tính thuế TTĐB là giá bán của cơ sở sản xuất, nhưng không được thấp hơn 10% so với giá bán bình quân của cơ sở kinh doanh thương mại bán ra; trường hợp giá bán của cơ sở sản xuất thấp hơn 10% so với giá cơ sở kinh doanh thương mại bán ra, thì giá tính thuế TTĐB là giá do cơ quan thuế ấn định.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho rằng, đến nay, tỷ lệ khống chế nêu trên không còn phù hợp với thực tế kinh doanh thương mại phân chia theo nhiều cấp: tổng đại lý, đại lý, cửa hàng ủy nhiệm, hộ bán lẻ. Thậm chí, tỷ lệ khống chế 10% áp dụng cho một cấp đại lý thương mại đầu tiên là quá cao, tạo kẽ hở để giảm giá tính thuế thông qua việc tổ chức nhiều cấp đại lý, kể cả đại lý có quan hệ liên kết.

Dẫn chứng cho trường hợp này được Bộ Tài chính nhắc tới là hiện tượng Sabeco thành lập Công ty TNHH MTV Thương mại Bia Sài Gòn để bán sản phẩm bia Sài Gòn cho 10 công ty cổ phần thương mại khu vực mà Công ty có vốn góp từ 90 - 94,92%.

Nguồn tin của ĐTCK cho biết thêm, có những đề nghị truy thu thuế lên tới vài trăm tỷ đồng/năm liên quan đến Sabeco.

Tin bài liên quan