Covid-19 khiến hàng không tê liệt
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn đánh giá, bước vào năm 2020 ngoài những khó khăn cũ như cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung diễn biến khó lường, căng thẳng chính trị leo thang, bất ổn chính sách gia tăng trên toàn cầu, đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh đến kinh tế xã hội thế giới, làm tê liệt các ngành dịch vụ trong đó đặc biệt là ngành hàng không và du lịch.
Tại Việt Nam, với chủ trương phòng chống dịch của Chính phủ và của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch COVID-19 là “phải hy sinh lợi ích kinh tế để đảm bảo sức khỏe cho người dân”, nên các hoạt động vận tải hàng không trong nhiều tháng đã phải hy sinh quyền lợi chính đáng là được vận chuyển hành khách để phục vụ cho chủ trương “giãn cách xã hội”, “khoanh vùng dập dịch” nên dừng vận chuyển hành khách.
Trong hoàn cảnh đó, các doanh nghiệp hàng không, các tổ chức kinh tế - xã hội trong ngành hàng không Việt Nam đã có nhiều cố gắng nỗ lực to lớn để vượt qua những khó khăn, tác động tiêu cực của dịch bệnh.
Trong thời gian tới, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn cho biết, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tiếp tục nghiên cứu tham mưu cho Chính phủ ban hành những chính sách để giúp ngành hàng không phục hồi.
Tuy nhiên dự báo trong thời gian tới, ngành hàng không vẫn đứng trước khó khăn to lớn, khi dịch bệnh trên thế giới chưa được kiểm soát kéo theo hoạt động vận tải hàng không quốc tế tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức. Do đó, các doanh nghiệp và các nhà quản lý cần cùng nhau để đưa ra những giải pháp thích hợp.
Ông Phạm Văn Hảo, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, ngay từ khi dịch COVID-19 bắt đầu, hoạt động vận chuyển hàng không đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Theo đánh giá nhận định của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (CIAO) ngành hàng không thế giới đã và tiếp tục đối mặt với khó khăn với hai kịch bản có thể xảy ra.
Kịch bản thứ nhất mô hình chữ V, là mô hình sụt giảm đến mức đáy trong thời gian ngắn và phục hồi nhanh sau đó. Với kịch bản này thị trường hàng không thế giới sẽ sụt giảm 38 - 55% sản lượng.
Kịch bản thứ hai mô hình chữ U, tức sụt giảm mức đáy và kéo dài đáy 3 - 5 tháng do ảnh hưởng kép của suy thoái kinh tế sau đó mới phục hồi. Ở kịch bản này hàng không thế giới sẽ sụt giảm 48 - 71% sản lượng.
Tại Việt Nam, tính chung 10 tháng năm 2020 ngành hàng không vận chuyển 23 triệu lượt khách, giảm 22% so với cùng kỳ năm 2019.
Mất 4 năm để phục hồi
Dự báo hàng không Việt Nam phải mất 4 năm sau mới phục hồi lại, tức vào năm 2024 mới trở lại mức tăng trưởng của năm 2019.
Đại diện Vietnam Airlines, ông Nguyễn Tiến Hoàng cho biết sức tàn phá của Covid-19 vô cùng khủng khiếp. Tại Vietnam Airlines, 9 tháng năm 2020 doanh thu của Vietnam Airlines giảm hơn một nửa so với cùng kỳ 2019, thâm hụt dòng tiền hơn 7.358 tỷ đồng.
Ước thực hiện cả năm 2020, doanh thu Vietnam Airlines giảm hơn một nửa so với năm 2019, số lỗ hợp nhất vào khoảng từ 14.000 -15.000 tỷ đồng, dòng tiền thâm hụt khoảng 15.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Covid-19 khiến các kế hoạch dài hạn bị phá vỡ và đe dọa sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Thực trạng hiện nay các hãng liên tục đổ vào thị trường nội địa, dư thừa nguồn cung, giảm giá vé mạnh để thu hút hành khách không chỉ từ hàng không mà cả ở vận tải đường bộ, đường thủy.
Đại diện VNA cũng nhấn mạnh, tiềm lực tài chính giảm sút, các hãng hàng không khó có khả năng cạnh tranh, Covid-19 ngăn cản tiến trình phục hồi của hàng không. Các hãng cần được hỗ trợ chính sách tốt để vay ưu đãi vượt qua khủng hoảng này.
Tại hội thảo các chuyên gia, doanh nghiệp đã kiến nghị 7 nhóm giải pháp trước mắt để hỗ trợ ngành hàng không.
Thứ nhất, giảm sâu hơn, ít nhất giảm 70% và kéo dài thời gian thực hiện việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu hàng không tới hết năm 2021.
Thứ hai, kéo dài thời gian giảm một số phí liên quan tới hoạt động của các hãng hàng không (như phí hạ, cất cánh…).
Thứ ba, kéo dài và đơn giản hóa các thủ tục giải ngân các gói hỗ trợ của Nhà nước (các gói hỗ trợ người lao động, hỗ trợ cho một số hoạt động/dịch vụ của doanh nghiệp hàng không…).
Thứ tư, nghiên cứu ban hành các quy trình, thủ tục cần thiết để sớm mở trở lại các đường bay quốc tế, trước hết là với những nước đã kiểm soát tốt dịch bệnh.
Thứ năm, mở rộng gói hỗ trợ tín dụng để các doanh nghiệp, đặc biệt biệt là các hãng hàng không, có thể cải thiện khả năng thanh toán khi dòng tiền còn mất cân đối và đơn giản hóa các thủ tục để có thể giải ngân những gói hỗ trợ này một cách kịp thời.
Thứ sáu, đẩy nhanh việc thực hiện các dự án trọng điểm về nâng cấp, phát triển một cách đồng bộ cơ sở hạ tầng hàng không, đặc biệt là ở những sân bay lớn đang bị quá tải nặng.
Thứ bảy, phát triển nguồn nhân lực cho ngành hàng không, đặc biệt là nhân lực kỹ thuật hàng không.