Tổng lượng vốn các doanh nghiệp huy động qua kênh phát hành cổ phiếu trong 6 tháng đầu năm đạt 26.857 tỷ đồng. Ảnh: Dũng Minh.

Tổng lượng vốn các doanh nghiệp huy động qua kênh phát hành cổ phiếu trong 6 tháng đầu năm đạt 26.857 tỷ đồng. Ảnh: Dũng Minh.

Để niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường được giữ vững

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các chuyên gia cho rằng, rất cần sự nhận thức đúng về vai trò của thị trường chứng khoán, từ đó có những chính sách hỗ trợ thị trường thực tế và hiệu quả.

Giữ vững niềm tin

Thị trường chứng khoán đã có 9 phiên tăng điểm liên tục và đứng trước thách thức xảy ra một đợt điều chỉnh. Tuy nhiên, diễn biến tuần qua cho thấy, thị trường tiếp tục giao dịch sôi động, dù có những phiên tăng giảm xen kẽ, với niềm tin vững vàng vào triển vọng trung, dài hạn.

Các doanh nghiệp cũng nhờ đó tập trung triển khai mạnh mẽ kế hoạch huy động vốn, tăng vốn thông qua thị trường chứng khoán cho chiến lược phát triển dài hơi của mình.

Trao đổi tại cuộc gặp nhà đầu tư, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank cho biết, Ngân hàng đã nộp hồ sơ xin chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 80% lên Ngân hàng Nhà nước, kỳ vọng sẽ nhận được phê duyệt trong tháng 8 này.

Sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp phép, VPBank sẽ chọn ngày chốt quyền rất nhanh, dự kiến trong tháng 9.

VPBank cũng sẽ triển khai ngay quá trình chọn nhà đầu tư chiến lược nước ngoài trong quý IV/2021 để hoàn thành phát hành thêm 15% cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài muộn nhất là trong quý I/2022. Vốn chủ sở hữu của VPBank sau khi hoàn tất các bước trên sẽ đạt ít nhất 120.000 tỷ đồng.

“Hiện VPBank có quy mô thứ 11 trong số các ngân hàng Việt Nam. Muốn đạt tốc độ tăng trưởng thuộc Top đầu một cách bền vững, Ngân hàng phải có tiềm lực vốn lớn. Mục tiêu tăng quy mô vốn chủ sở hữu được Ban lãnh đạo Ngân hàng xác định là quan trọng hàng đầu”, ông Vinh cho biết.

6 tháng đầu năm, nguồn thu thuế thu nhập cá nhân từ chứng khoán, đầu tư vốn của cá nhân tăng 320%, 169% so với cùng kỳ.

Nguồn Tổng cục Thuế.

Có vốn lớn, VPBank có thể thực hiện nhiều chiến lược để đạt tốc độ tăng trưởng cao và bền vững. Kế hoạch trên của Ngân hàng sẽ thuận lợi nếu thị trường chứng khoán phát triển tốt trong nửa cuối năm và xa hơn.

Ở quy mô nhỏ hơn, trong tuần qua, Công ty cổ phần Năng lượng và bất động sản Trường Thành (mã TEG) cũng nhận giấy phép chào bán 21,6 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 3:2, cổ đông sở hữu 3 cổ phiếu nhận quyền mua thêm 2 cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu; chào bán 10 triệu cổ phiếu thông qua đấu giá công khai, giá khởi điểm là 10.000 đồng/cổ phiếu. Bên cạnh đó, TEG sẽ trả cổ tức tỷ lệ 5% bằng cổ phiếu.

Số tiền thu được từ đợt phát hành cho cổ đông hiện hữu và chào bán công khai ước tính hơn 316 tỷ đồng sẽ dùng đầu tư và gia tăng sở hữu cổ phần tại Công ty cổ phần Năng lượng Trường Thành (mã TTP) lên 90%. Tính tới 31/12/2020, TEG đang sở hữu 26,28% vốn điều lệ (trực tiếp và gián tiếp) tại TTP.

Hiện tại, TTP đang là cổ đông lớn tại hai dự án trang trại điện mặt trời quy mô hơn 300 MW tại Việt Nam, đó là Nhà máy điện mặt trời Hòa Hội tại Phú Yên và Nhà máy điện mặt trời Bình Nguyên ở Quảng Ngãi.

Hai dự án đã phát điện thành công trong tháng 5, 6 năm 2019, được ký kết hợp đồng mua bán điện với mức giá FIT cố định 9,35 UScents/kWh trong 20 năm.

Trong chiến lược phát triển của mình, TTP có kế hoạch đầu tư nhiều nhà máy điện năng lượng tái tạo như Nhà máy điện mặt trời Kỳ Sơn tại Hà Tĩnh (250 MW), Nhà máy điện mặt trời Quảng Phú tại Đăk Nông (50 MW), Nhà máy điện mặt trời Chánh Thuận tại Bình Định (50 MW), Nhà máy điện mặt trời Cát Hiệp 2 ở Bình Định (50 MW), Nhà máy điện mặt trời Trường Thành Ninh Tân ở Khánh Hòa (24,96 MW); Nhà máy điện gió Phù Mỹ ở Bình Định (125 MW), Nhà máy điện gió Đông Hải 3 ở Trà Vinh (quy mô 120 MW), nhà máy điện gió Tân Ân ở Cà Mau (quy mô 100 MW).

Các dự án này đều đã hoàn tất các thủ tục thẩm định theo yêu cầu và đang chờ Quy hoạch điện VIII được thông qua để triển khai các thủ tục đầu tư.

Nhiều ngân hàng, doanh nghiệp đều cấp tập triển khai kế hoạch tăng vốn để mở rộng quy mô hoạt động và đón đầu cơ hội khi đại dịch được kiểm soát.

Ông Vũ Đức Tiến, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) cho biết, SHS đang tư vấn cho hơn 10 doanh nghiệp có kế hoạch tăng vốn qua thị trường chứng khoán trong năm nay. “Trong nguy có cơ”, đại dịch Covid-19 đã tạo ra cú huých lớn cho sự phát triển của thị trường chứng khoán. Nếu được phát triển và khơi thông, đây sẽ là kênh dẫn vốn hiệu quả với nhiều doanh nghiệp.

Chưa có “củ cà rốt”

Số liệu từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, tổng mức huy động trên thị trường chứng khoán ước đạt 176.745 tỷ đồng, tăng 65% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, huy động vốn qua phát hành cổ phiếu và cổ phần hóa đạt 26.857 tỷ đồng, tăng 197%.

Số liệu huy động vốn qua phát hành cổ phiếu như trên là rất khiêm tốn và dựa vào thông tin được các doanh nghiệp công bố, tổng huy động qua kênh này trong nửa cuối năm 2021 sẽ lớn hơn rất nhiều, ước hơn 50.000 tỷ đồng, trong đó khối ngân hàng chiếm tỷ trọng lớn.

Quan sát các đợt huy động vốn qua thị trường chứng khoán gần đây cũng như bản cáo bạch của nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư có nhận xét khá thống nhất rằng, các kế hoạch huy động vốn có mục đích sử dụng khá cụ thể, rõ ràng, dự án có tiềm năng, chứ không phải dùng để bổ sung vốn lưu động hay “trợ thở” cho doanh nghiệp.

Khi có niềm tin vào triển vọng của doanh nghiệp, có niềm tin vào triển vọng của thị trường chứng khoán, theo ông Tôn Tích Quý, nguyên Phó giám đốc Trung tâm đào tạo chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, người dân sẽ mạnh dạn bỏ vốn vào doanh nghiệp.

Cá nhân ông Quý đầu tư và thực hiện chiến lược tích sản vào Gilimex (mã GIL), doanh nghiệp có kế hoạch tăng vốn cho các dự án khu công nghiệp, dệt may. Có thời điểm cổ phiếu GIL rớt xuống vùng giá 5x, nhưng nay đã hồi phục về 7x.

Dù vậy, để giữ niềm tin vào sự phát triển bền vững và lành mạnh của thị trường chứng khoán, các chuyên gia cho rằng, rất cần sự nhận thức đúng về vai trò của thị trường, từ đó có những chính sách hỗ trợ thị trường thực tế và hiệu quả.

Ông Hồ Quốc Tuấn, Giáo sư giảng dạy Đại học Bristol (Anh Quốc) cho rằng, trong 15 năm qua, thị trường chứng khoán Việt Nam có rất ít chính sách hỗ trợ, những chính sách được các nền kinh tế sử dụng hiệu quả như thuế phí thì càng không. Trong khi nhìn ra thế giới, các nền kinh tế trong khu vực châu Á đã phát triển thị trường hiệu quả, thu hút được nhiều doanh nghiệp niêm yết, đóng góp lớn cho Nhà nước.

Vấn đề nhức nhối nhất mà các chuyên gia và thành viên thị trường đều đề cập là chất lượng hàng hóa và những giải pháp để bảo vệ nhà đầu tư, giúp nhiều nhà đầu tư yên tâm bỏ vốn dài hạn vào thị trường. Phải mạnh tay xử lý các doanh nghiệp yếu kém, loại bỏ khỏi sàn chứng khoán hàng hóa kém chất lượng, thậm chí bằng cách công bố thông tin định kỳ từ cơ quan quản lý thị trường. Một ví dụ được nhiều thành viên thị trường chỉ ra là, trong nửa đầu năm 2021, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã tổ chức thanh kiểm tra giao dịch 7 mã cổ phiếu, tuy nhiên, đó là những mã cổ phiếu nào, kết quả thanh tra ra sao thì đến nay thị trường vẫn chưa nắm được.

Các nhà đầu tư cũng chờ đợi cơ quan quản lý công khai, minh bạch kết quả kiểm tra định kỳ chất lượng của các công ty kiểm toán, hay các công ty kiểm toán bị “tuýt còi”, bị loại khỏi danh sách được chấp thuận kiểm toán đơn vị có lợi ích công chúng do đã “thỏa hiệp” với doanh nghiệp phát hành các báo cáo tài chính được kiểm toán kém chất lượng…

Tăng cơ chế thu hút nhà đầu tư tổ chức vào thị trường

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam.

Khi chính sách tiền tệ thắt chặt, người dân đổ tiền vào chứng khoán, đây là một quy luật thông thường. Nhưng hiện nay, thị trường chứng khoán chưa phải là kênh dẫn vốn trung và dài hạn. Để thị trường chứng khoán thực sự là kênh dẫn vốn trung và dài hạn cần phải có một số giải pháp cụ thể.

Thứ nhất, sớm triển khai mở room cho nhà đầu tư nước ngoài. Việc này đang bị trì hoãn do Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán có quy định chồng chéo và cả những quy định riêng của những ngành nghề đặc thù.

Thứ hai, hiện nay thị trường phụ thuộc nhiều vào nhà đầu tư cá nhân (80 - 90%) trong khi đó nhà đầu tư tổ chức ngày càng thu hẹp lại. Cần cải thiện nâng tỷ lệ nhà đầu tư tổ chức lên cao hơn.

Tại Đài Loan, ban đầu thị trường có 100% là nhà đầu tư cá nhân, sau đó thị trường gặp khủng hoảng, sụt giảm mạnh, nhà đầu tư ồ ạt bán tháo, không ai đỡ. Đài Loan đã thay đổi bằng cách có cơ chế tăng nhà đầu tư tổ chức tham gia vào thị trường, phát triển các sản phẩm, khuyến khích đầu tư ETFs tạo ra sự bền vững cho thị trường.

Với kinh nghiệm từ các nước, cần có cơ chế thu hút nhà đầu tư tổ chức, phát triển các ETFs, hiện nay số lượng ETF tại Việt Nam còn rất thấp. Thời gian tới, thị trường cố gắng đưa ra nhiều quỹ chỉ số tốt để hút dòng tiền nhà đầu tư tổ chức và giảm sự phụ thuộc vào nhà đầu tư cá nhân.

Thứ ba, thị trường chứng khoán Việt Nam có thanh khoản tốt nhưng lại yếu về sản phẩm. Hiện thị trường có nhiều sản phẩm nhưng chưa có thông tư hướng dẫn cụ thể sản phẩm phái sinh. Ngoài ra thị trường cần trang bị công cụ bảo hiểm rủi ro. Các quỹ tổ chức muốn vào thị trường Việt Nam nhưng họ không có công cụ bảo hiểm.

Thứ tư, kênh dẫn vốn từ trái phiếu hiện nay mới có trái phiếu Chính phủ chưa tạo ra thị trường thứ cấp cho trái phiếu doanh nghiệp. Chỉ có một số ít doanh nghiệp phải tự làm thị trường (như NVL). Đây là kênh dễ hút dòng tiền đặc biệt khi đầu tư cổ phiếu rủi ro có thể tìm đến trái phiếu tốt.

Thứ năm, phải có phương án đào tạo cho người dân về đầu tư chứng khoán. Việt Nam có 96 triệu dân mà mới có 3 triệu tài khoản chứng khoán là con số khiêm tốn. Tại Đài Loan, tỷ lệ người dân tham gia thị trường chứng khoán là hơn 50%, tại Thái Lan 20 - 30%. Cần hướng dẫn, khuyến khích người dân tham gia vào thị trường bằng những cách làm cụ thể góp phần tăng quy mô thị trường.

Để thị trường tăng sức thu hút, cần đa dạng mặt hàng và nâng cao chất lượng hàng hóa. Hiện có hơn 1.700 mã chứng khoán trên thị trường, một nửa là ở UPCoM, nửa còn lại chủ yếu nằm ở HNX và số ít ở HOSE. Để phát triển thị trường, kéo người dân đến với chứng khoán nhiều hơn cần tăng cường chất lượng hàng tốt, hiện nằm chủ yếu trong phần vốn nhà nước tại các công ty cổ phần, doanh nghiệp nhà nước. Do đó, cần đẩy nhanh tiến độ cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước và niêm yết trên sàn.

Ưu tiên số 1 phải là tạo thêm nhiều hàng chất lượng cao

Ông Lê Chí Phúc, Tổng giám đốc SGI Capital.
Ông Lê Chí Phúc, Tổng giám đốc SGI Capital.

Giải pháp này có thể được thực hiện bằng cách IPO và niêm yết hết các tổng công ty nhà nước còn đang ngoài sàn. Các tổng công ty phải niêm yết trên HOSE.

Bên cạnh đó, cần nâng chuẩn niêm yết và các tiêu chuẩn phát hành thêm để sàng lọc hàng kém chất lượng ra khỏi sàn. Nhóm cổ phiếu "rác" chính là mảng tối của thị trường chứng khoán làm mất tiền của rất nhiều nhà đầu tư, lãng phí nguồn lực xã hội, và giảm uy tín thị trường chứng khoán.

Cơ quan quản lý cũng xem xét ban hành các giải pháp kỹ thuật giúp thị trường chứng khoán giao dịch thuận lợi hơn như giao dịch T+0, bán khống, phát triển thị trường phái sinh, đảm bảo sự ổn định hệ thống giao dịch.

Một chính sách cởi mở và hỗ trợ ngành quản lý quỹ như các nước có thị trường chứng khoán phát triển hơn (Singapore, Hàn Quốc) là cần thiết: cho phép thành lập hedge fund (quỹ phòng hộ), giảm thuế cho phần lợi tức nhà đầu tư thu được từ quỹ (đặc biệt là quỹ hưu trí). Hỗ trợ sự phát triển của ngành quản lý quỹ sẽ giúp nhà đầu tư không chuyên có thêm lựa chọn hiệu quả, tăng sự ổn định và hiệu quả của chức năng phân bổ vốn của thị trường chứng khoán.

Tin bài liên quan