Lý giải về sự cần thiết ban hành Luật Đầu tư (sửa đổi), tại phiên họp toàn thể lần thứ 11 của Ủy ban Kinh tế thẩm tra dự án Luật Đầu tư sửa đổi chiều 29/8, đại diện Ban soạn thảo trình bày tờ trình của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng khẳng định, cùng với các kết quả đạt được, thực tiễn hơn 4 năm thi hành Luật Đầu tư đã đặt ra yêu cầu phải tiếp tục hoàn thiện hơn nữa một số quy định của luật để phù hợp với bối cảnh mới.
Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cho biết, so với dự thảo luật đã trình Chính phủ trong tháng 3/2019, quy mô và mức độ sửa đổi bổ sung của dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi khá lớn, trong đó sửa đổi 30 điều, bổ sung 3 điều trong tổng số 76 điều của Luật Đầu tư. Đồng thời, sửa đổi 60 điều, bổ sung 1 chương và 8 điều, bãi bỏ 2 điều trong tổng số 213 điều của Luật Doanh nghiệp.
“Với quy mô và mức độ sửa đổi lớn như vậy, Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho phép tách dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp thành 2 dự án là Luật Đầu tư sửa đổi và Luật Doanh nghiệp sửa đổi”, Thứ trưởng Thắng nhấn mạnh.
Liên quan nội dung của Luật, Thứ trưởng Thắng cho biết, dự thảo luật bổ sung các khái niệm “chấp thuận chủ trương đầu tư”, “ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện”, “điều kiện đầu tư kinh doanh”, “điều kiện tiếp cận thị trường của nhà đầu tư nước ngoài” để cụ thể hóa các khái niệm này, tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện.
Đồng thời, sửa đổi các khái niệm “đầu tư kinh doanh”, “vốn đầu tư” theo hướng làm rõ hình thức, nội dung cụ thể của khái niệm này nhằm bảo đảm tính khả thi, minh bạch và thống nhất trong thực hiện.
Khái niệm “vốn đầu tư” cũng được sửa đổi phù hợp với pháp luật dân sự và Điều ước quốc tế bao gồm quyền tài sản và các tài sản hình thành trong tương lai, có bổ sung cập nhật các xu hướng mới của cuộc CMCN 4.0.
Đồng thời, bãi bỏ khái niệm “hợp đồng đầu tư theo hình thức đối tác công tư” và quy định về đầu tư theo hình thức PPP nhằm bảo đảm thống nhất khái niệm này theo dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức PPP.
Đối với ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh và đầu tư kinh doanh có điều kiện, dự thảo Luật tiếp tục khẳng định nguyên tắc: Bộ, cơ quan ngang bộ, HĐND và UBND các cấp không được ban hành quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh, nhưng áp dụng cơ chế linh hoạt, phù hợp với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về thẩm quyền quy định thủ tục hành chính.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng
Theo đó, các cơ quan này có thể ban hành văn bản quy định về thủ tục hành chính để thực hiện đầu tư kinh doanh trong trường hợp được giao trong luật. Bãi bỏ 12 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; sửa đổi 19 ngành, nghề và bổ sung 6 ngành, nghề để phù hợp với yêu cầu, thực tiễn quản lý nhà nước đối với các ngành, nghề này và bảo đảm tính thống nhất với các luật có liên quan. Đáng chú ý, dự thảo luật Bổ sung ngành “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào Danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh.
Với nhóm ngành, nghề đầu tư có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài, dự thảo Luật bổ sung quy định về danh mục ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài theo cách tiếp cận chọn bỏ. Danh mục bao gồm ngành, nghề nhà đầu tư nước ngoài chưa được tiếp cận thị trường và được tiếp cận thị trường có điều kiện.
Về ngành, nghề và địa bàn ưu đãi đầu tư, ngoài 4 ngành ưu đãi đầu tư đã được bổ sung vào Luật Đầu tư theo qy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, dự thảo Luật này bổ sung các ngành hoạt động nghiên cứu và phát triển; sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hình thành từ kết quả nghiên cứu khoa học; hoạt động đổi mới sáng tạo; sản xuất hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ tạo ra hoặc tham gia chuỗi giá trị, cụm liên kết ngành. Loại bỏ nhà ở thương mại ra khỏi đối tượng ưu đãi đầu tư để thống nhất với quy định trong Luật Đất đai…
Về thẩm quyền, thủ tực chấp thuận chủ trương đầu tư, thu hẹp phạm vi dự án phải trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư của Luật Đầu tư theo hướng loại bỏ dự án sản xuất thuốc lá; phân cấp cho UBND cấp tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh sân golf; nâng mức vốn dự án thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ từ 5.000 tỷ đồng lên 10.000 tỷ đồng…
Về quy định thủ tục triển khai thực hiện dự án đầu tư, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số quy định về điều chỉnh dự án đầu tư theo hướng làm rõ quyền của nhà đầu tư trong việc điều chỉnh mục tiêu, quy mô, nội dung dự án đầu tư; sáp nhập, tách dự án đầu tư; thay đổi nhà đầu tư; chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án đầu tư và các nội dung khác; quy định cụ thể các trường hợp điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư; bổ sung quy định về giãn tiến độ thực hiện dự án đầu tư để thực hiện thống nhất thủ tục điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư và động bộ quy định của Luật Đất đai; bổ sung quy định về gian hạn thực hiện dự án đầu tư.
Theo đó, khi hết thời hạn thực hiện dự án mà nhà đầu tư có nhu cầu tiếp tục thực hiện dự án và đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật thì được xem xét gia hạn thực hiện hoạt động của dự án…
Đồng tình quan điểm cần thiết sửa đổi Luật Đầu tư, nguyên phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Phúc bày tỏ tán thành quan điểm của Ban soạn thảo là phải tính đến tác động và xu hướng của cuộc CMCN 4.0 trong nội dung về ngành nghề và địa bàn ưu đãi đầu tư.
“Công nghệ mới dẫn đến mô hình đầu tư kinh doanh mới. Vì vậy cần tính trước đến việc ứng xử với cái mới này thế nào và cần đưa vào cụ thể trong Luật. Còn tới đây đây, nếu có một số mô hình kinh doanh mới mới mà trái với Luật thì có Quốc hội có thể ban hành Nghị quyết quy định và điều chỉnh”, ông Phúc nêu quan điểm.
Ông Phúc cũng khẳng định ủng hộ quan điểm mới nên hạn chế quản lý chặt chẽ danh mục dự án phải quyết định chủ trương đầu tư, không nên dàn trải để rộng đường tự do kinh doanh cho DN, từ đó tạo sức hấp dẫn thu hút nhà đầu tư.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cũng thống nhất cao với việc sửa đổi Luật lần này vì tính cần thiết.
“Hy vọng lần này các bộ ngành đều đặt lợi ích quốc gia, thuận lợi cho nhà đầu tư lên trên chứ không phải thuận lợi cho những nhà quản lý. Môi trường thân thiện là phải thân thiện với nhà đầu tư”, ông Đông nhấn mạnh.
Ông Đông cũng đánh giá cao cách tiếp cận lựa chọn “chọn bỏ” của dự thảo Luật, tuy nhiên lưu ý Ban soạn thảo cần quy định hết sức cụ thể rõ ràng và tường minh, tránh trường hợp diễn giải khác nhau giữa các địa phương dẫn tới ứng xử không công bằng với các nhà đầu tư.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Bùi Văn Xuyền quan tâm việc 18 nội dung giao Chính phủ quy định chi tiết dự kiến ban hành bao nhiêu Nghị định, thông tư, tiến độ, thời gian hoàn thành việc xây dựng ban hành các văn bản này để đảm bảo tiến độ thông qua ban hành Luật.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, Ban soạn thảo cần làm rõ vì sao lựa chọn bổ sung 4 nhóm ngành được ưu đãi đầu tư; vì sao bổ sung quy định không yêu cầu nhà đầu tư phải có dự án đầu tư và cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trước khi thành lập doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo... Đối với ngành “kinh doanh dịch vụ đòi nợ”, cần sửa lại từ ngữ cho phù hợp, chẳng hạn “kinh doanh dịch vụ xử lý nợ”…
Phát biểu kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị ban soạn thảo tiếp tục rà soát các quy định, điều khoản của Luật Đầu tư (sửa đổi) với các luật khác; tiếp tục cập nhật các yêu cầu của Nghị quyết 50/NQ – TW về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 vừa được Bộ Chính trị thông qua để có bộ lọc nâng cao chất lượng, hiệu quả trong hợp tác đầu tư nước ngoài. Từ đó sẽ tiếp thu chỉnh lý, giải trình các ý kiến của các đại biểu đã phát biểu, hoàn thiện báo cáo thẩm tra trình UBTVQH.