Năm 2013, VNI vẫn dẫn đầu mảng bảo hiểm hàng không với 36,54% thị phần

Năm 2013, VNI vẫn dẫn đầu mảng bảo hiểm hàng không với 36,54% thị phần

Để mất thị phần, cổ đông VNI chỉ trích Ban lãnh đạo

(ĐTCK) Mất thị phần bảo hiểm hàng không, doanh thu giảm mạnh, bị nghi ngờ dùng quỹ dự phòng bắt buộc để làm đẹp con số lợi nhuận..., Ban lãnh đạo CTCP Bảo hiểm Hàng không (VNI) đã bị cổ đông lớn tiếng chỉ trích tại ĐHCĐ cuối tuần qua.

Để rơi thị phần vào tay Bảo Việt và PVI

Mở đầu ĐHCĐ, một số cổ đông liên tục bày tỏ bức xúc trước việc VNI để thị phần bảo hiểm hàng không rơi vào tay Bảo hiểm Bảo Việt và Bảo hiểm PVI.

“Với lợi thế của cổ đông lớn là Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, nắm 20% vốn tại VNI), VNI chỉ việc ngồi mà xơi miếng bánh bảo hiểm hàng không, mà giờ lại bị mất. Liệu nội bộ Ban lãnh đạo Công ty có kiểm điểm về sự mất mát này”, một cổ đông từng là thành viên Ban kiểm soát của Công ty nói và đề xuất nên tuyển chọn Ban điều hành có tâm, có tầm, thực sự say mê, tâm huyết với Công ty. Cổ đông này không ngần ngại đề xuất Ban lãnh đạo nên giảm thù lao, cắt giảm chi phí, thậm chí từ chức nếu không giữ được thị phần và đạt các chỉ tiêu kinh doanh khác.

Ông Trần Thanh Hiền, Chủ tịch HĐQT VNI trần tình, việc chia sẻ thị phần bảo hiểm hàng không với hai DN lớn nêu trên do môi trường pháp lý thay đổi, phải đấu thầu công khai, trong khi VNI chỉ là DN nhỏ, có trường hợp không trúng thầu. Còn về bảo hiểm phi hàng không, VNI đã phối hợp với AIG để triển khai bán bảo hiểm du lịch.

Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, năm 2013, VNI vẫn dẫn đầu mảng bảo hiểm hàng không với 36,54% thị phần, Bảo hiểm Bảo Việt chiếm 34,31% và Bảo hiểm PVI chiếm 11,77%. Tuy nhiên, việc VNI để rơi thị phần bảo hiểm hàng không khiến nhiều cổ đông lo lắng, thậm chí mất hoàn toàn thị phần khi phương án xấu xảy ra là Vietnam Airlines thoái vốn sau năm 2015.

Trong khi đó, mảng bảo hiểm phi hàng không đang bị các DN lớn chiếm lĩnh. Năm 2013, VNI mất một loạt hợp đồng cung cấp dịch vụ bảo hiểm phi hàng không với các đơn vị có vốn góp hoặc trong hệ thống của Vietnam Airlines. Riêng với mảng dịch vụ bảo hiểm phi hàng không cho các đơn vị thuộc Vietnam Airlines, VNI đã bị hụt doanh thu khoảng 14 tỷ đồng so với năm 2012 và đó là một trong những yếu tố chính khiến doanh thu của VNI năm qua không đạt kế hoạch. 

Trước mối nghi ngờ VNI dùng quỹ dự phòng bắt buộc để làm đẹp con số lợi nhuận, cả Chủ tịch và Tổng giám đốc VNI, ông Nguyễn Anh Đức cùng các thành viên HĐQT đều khẳng định, không có chuyện này. Thậm chí, năm 2013, Công ty còn trích bổ sung 18,6 tỷ đồng vào quỹ dự phòng nghiệp vụ.

Sẽ ra sao nếu Vietnam Airlines thoái vốn?

“Theo lộ trình thoái vốn đầu tư ngoài ngành của Chính phủ, từ nay đến năm 2015, Vietnam Airlines không có tên trong danh sách phải thoái vốn đầu tư vào các DN thành viên. Tuy nhiên, nếu câu chuyện đó diễn ra trong tương lai thì tôi tin Vietnam Airlines sẽ tiếp tục đồng hành cùng VNI. Ngay thời điểm này, chúng ta cần chuẩn bị, muốn vậy rất cần cổ đông đồng thuận cùng DN phát triển đi lên”, Chủ tịch HĐQT VNI nói.

Trước đề xuất nên từ chức của cổ đông, ông Hiền khảng khái: “Cổ đông đã nói thế, tôi muốn từ chức luôn. Nhưng tôi sang VNI (để nhận chức Chủ tịch HĐQT) với trách nhiệm lớn, chứ không phải hành động theo ý thức cá nhân. Riêng HĐQT không dùng cái gì của VNI, từ tiền tiếp khách, xe, điện thoại. Việc tuyển dụng nhân sự cấp cao cũng đều trải qua khâu tuyển dụng đàng hoàng, bài bản”.

Liên quan đến việc giữ chân khách hàng là cổ đông lớn, cổ đông VNI cho rằng, Ban lãnh đạo Công ty cần tập trung tận dụng lợi thế cổ đông lớn còn lại như Geleximco, Nam Việt, cùng các cổ đông mới thế chân TKV và Lilama. Trên thực tế, VNI bị mất khách hàng lớn sau khi TKV và Lilama thoái vốn.

Đại diện cho cổ đông Geleximco, ông Đào Mạnh Kháng, Phó tổng giám đốc Công ty, thành viên Đoàn chủ tịch đại hội VNI cho biết: “Là tập đoàn đa ngành tham gia nhiều lĩnh vực bảo hiểm, chứng khoán, ngân hàng, Geleximco đã hỗ trợ, có mối quan hệ hữu cơ với các DN mình bỏ vốn đầu tư. Với riêng VNI, mọi tài sản, công trình xây dựng của Geleximco đều do VNI bảo hiểm. Chúng tôi xác nhận sẽ không thoái vốn khỏi VNI”.

Cuối cùng, Đại hội VNI đã thông qua các tờ trình với tỷ lệ nhất trí cao, trong đó có kế hoạch kinh doanh năm 2014 với doanh thu 506 tỷ đồng (trong đó, doanh thu bảo hiểm 452,6 tỷ đồng, doanh thu hoạt động tài chính 53,3 tỷ đồng), lợi nhuận sau thuế 21,53 tỷ đồng.        

Tin bài liên quan