Trong tháng 3/2017, một số ngân hàng tăng lãi suất huy động thêm mức 0,1 - 0,5%/năm

Trong tháng 3/2017, một số ngân hàng tăng lãi suất huy động thêm mức 0,1 - 0,5%/năm

Để lãi suất không tăng mà còn phải giảm, khó!

(ĐTCK) Lãi suất ngân hàng tăng trong thời gian qua mang tính cục bộ và mùa vụ, nhưng áp lực tăng lãi suất từ nay đến cuối năm là không nhỏ.

Lãi suất tăng mang tính cục bộ

Thông tin của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (UBGS) cho biết, mặt bằng lãi suất huy động trong quý I/2017 có xu hướng tăng nhẹ kể từ tháng 3. Cụ thể, tại các kỳ hạn ngắn, lãi suất huy động được một số ngân hàng tăng thêm mức 0,1 - 0,5%/năm. Đáng chú ý, các ngân hàng thương mại tăng phát hành giấy tờ có giá (tăng trưởng 0,7% so với mức tăng trưởng âm 7,7% của cùng kỳ năm ngoái) khiến lãi suất ở các kỳ hạn dài (5 năm, 7 năm) lên mức cao 9,2%/năm.

Tuy nhiên, UBGS cho rằng, hiện tượng trên chủ yếu mang tính cục bộ và tính mùa vụ (tương tự trong quý I/2016), cụ thể: thanh khoản của toàn hệ thống mặc dù kém dồi dào hơn do tăng trưởng tín dụng nhanh hơn huy động, song thanh khoản của hệ thống vẫn ở mức an toàn, ước tính đến hết quý I/2017, tín dụng tăng khoảng 3,2% (cùng kỳ năm 2016 tăng 3,04%), mức tăng cao nhất trong 5 năm trở lại đây và cao hơn tốc độ tăng của huy động vốn (tăng khoảng 3%). Do đó, chỉ số tín dụng/huy động (LDR) toàn hệ thống quý I/2017 ở mức 87%, tương đương cùng kỳ năm 2016.

Muốn giữ chân dòng vốn không chuyển dịch ra nước ngoài, lãi suất USD nên được điều chỉnh tăng

- TS. Nguyễn Trí Hiếu

Tổng kết ý kiến của các ngân hàng tại buổi họp giữa lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) với các ngân hàng thương mại nhằm đánh giá tình hình lãi suất trong quý I/2017, xu hướng lãi suất năm 2017 diễn ra mới đây, Phó thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đánh giá, thị trường không có nhiều biến động.

“Ngay từ hội nghị toàn ngành, trong định hướng điều hành từ đầu năm, Thống đốc NHNN đưa ra mục tiêu ổn định mặt bằng lãi suất, phấn đấu nếu có điều kiện thì giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Tôi khẳng định, Thống đốc vẫn chủ trương điều hành như vậy”, bà Hồng nói.

Theo bà Hồng, trong điều hành cung ứng tiền để điều tiết thanh khoản, NHNN sẽ theo dõi sát và khi hệ thống có khó khăn về vấn đề thanh khoản thì hỗ trợ kịp thời, linh hoạt qua các kênh nghiệp vụ thị trường mở, tái cấp vốn...

Đặc biệt, NHNN đang thực hiện đánh giá tổng kết tái cơ cấu và xử lý nợ xấu và đã trình Chính phủ cho chủ trương xây dựng Luật Hỗ trợ tái cơ cấu và xử lý nợ xấu, hiện trong quá trình xin ý kiến để đưa ra Quốc hội vào tháng 5/2017, với tinh thần tháo gỡ khó khăn trong xử lý nợ xấu, tạo điều kiện cho việc ổn định lãi suất.

… nhưng có áp lực tăng lãi suất từ nay đến cuối năm

Phân tích của UBGS cho thấy, thanh khoản hệ thống luôn có sự phân hóa giữa các nhóm ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ và nhóm ngân hàng thương mại cổ phần lớn nên diễn ra hiện tượng một số ngân hàng cạnh tranh thu hút vốn bằng cách nâng lãi suất huy động. Chênh lệch lãi suất huy động giữa hai nhóm ngân hàng này hiện khoảng 0,5%/năm.

Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần nhận định, lãi suất khó có thể quay về mức thấp như trước đây, mà nhiều khả năng sẽ tăng dần do các ngân hàng cần cải thiện chỉ số vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn theo lộ trình của NHNN, đặc biệt là chuẩn bị nguồn lực trước bài toán thanh khoản khi thời điểm áp dụng Basel II đang tới gần.

Về chỉ số vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, một lãnh đạo UBGS cho biết, tính đến cuối tháng 3/2017, tín dụng trung và dài hạn chiếm 55,2% tổng tín dụng và tăng khoảng 2,75%. Thống kê một số ngân hàng tăng lãi suất trong quý I/2017 cho thấy, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn bình quân khoảng 45,35%. Hiện tỷ lệ này được phép tối đa là 50%, nhưng sang năm 2018 sẽ giảm còn 40%.

Thực tế cho thấy, động thái tăng lãi suất của một số ngân hàng còn xuất phát từ kỳ vọng về lạm phát và tỷ giá gia tăng khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến tiếp tục tăng lãi suất USD và giá hàng hóa cơ bản dự báo tăng trở lại, các ngân hàng nhỏ chủ động huy động nguồn trung và dài hạn để chuẩn bị cho kế hoạch tăng trưởng cả năm 2017.

Liên quan đến USD, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, giữa tháng 3 vừa qua, Fed tăng lãi suất lần thứ hai trong vòng 3 tháng và dự kiến sẽ tăng thêm nhiều lần nữa trong năm nay sẽ tác động không nhỏ đến lãi suất trong nước. Lãi suất USD tăng lên mà Việt Nam vẫn áp dụng lãi suất USD ở mức 0%/năm cho tiền gửi có thể tạo ra sự chuyển dịch USD từ trong nước ra nước ngoài, tới thị trường có lãi suất cao, từ đó tạo sức ép lên tỷ giá vì nhu cầu mua USD trong nước sẽ tăng. Muốn giữ chân dòng vốn không chuyển dịch ra nước ngoài, lãi suất USD nên được điều chỉnh tăng.

“Tuy nhiên, lãi suất USD tăng sẽ có tác động làm lãi suất VND tăng, vì cần sự chênh lệch lớn giữa lãi suất VND và USD để hạn chế khả năng dịch chuyển từ VND sang USD”, TS. Hiếu nói.

Với áp lực lạm phát tăng lên, nhu cầu tín dụng gia tăng theo đà phục hồi kinh tế, trong khi sự phục hồi cán cân vãng lai chưa vững chắc, dòng vốn FDI có diễn biến khả quan nhưng có những yếu tố bất định…, nhiệm vụ đặt ra là lãi suất không tăng mà còn phải giảm là thách thức không nhỏ, rất khó để thực hiện.

Tin bài liên quan