Để khơi thông vốn chảy qua M&A

Để khơi thông vốn chảy qua M&A

(ĐTCK) Câu chuyện M&A không còn xa lạ với thị trường Việt Nam khi những năm gần đây, tần suất mua bán, sáp nhập doanh nghiệp ngày càng tăng, tỷ lệ thuận với đó là dòng vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài chảy vào sân chơi này ngày một nhiều.

Các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang ở vị thế dẫn dắt thị trường M&A Việt Nam. Con số thống kê của M&A Vietnam Forum cho thấy, trong 10 năm qua, giá trị thương vụ do nhà đầu tư nước ngoài đóng vai trò bên mua chiếm tỷ trọng áp đảo.

Năm 2017, trong khi nhà đầu tư trong nước mua chỉ 8,2%, thì 91,8% đã về tay doanh nghiệp ngoại. Tại khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, 6 tháng đầu năm 2018 ghi nhận việc M&A tăng rất mạnh về cả lượt dự án và vốn đầu tư.

Một diễn biến đáng chú ý gần đây là việc các doanh nghiệp ngoại tỏ ra khá hứng thú với hoạt động cổ phần hóa và thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước, nổi bật là thương vụ ThaiBev mua cổ phần chi phối tại Sabeco và tỷ phú người Thái mua cổ phần Vinamilk do Tổng công ty Ðầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) thoái vốn…

Thị trường M&A tại Việt Nam được đánh giá là còn nhiều dư địa lớn, khi hàng loạt các doanh nghiệp như PV Oil, BSR, PV Power…vẫn đang chờ đợi nhà đầu tư xứng tầm để thực hiện bán vốn nhà nước, đa dạng hóa cổ đông.

Tuy nhiên, thực tế cũng chỉ ra rằng, không phải cứ doanh nghiệp hấp dẫn thì bán được cổ phần và không phải doanh nghiệp ngoại có tiền là có thể mua được.

Tại nhiều doanh nghiệp lớn, nhất là khối ngân hàng, tỷ lệ nắm giữ cổ phần của Nhà nước vẫn cao và đây được coi là rào cản lớn cho dòng chảy vốn ngoại. Ở các công ty tư nhân, dù cần vốn, nhưng người sáng lập thường không sẵn sàng bán lượng lớn cổ phần cho khối ngoại.

Trong khi đó, trừ các nhà đầu tư tài chính, các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài “khoái” săn những doanh nghiệp mà họ có thể nắm giữ được tỷ trọng cổ phần có sức nặng chi phối. Sự khập khễnh trong tư duy giữa bên cung và bên cầu này khiến việc tìm hiểu M&A thì nhiều, nhưng để đi đến thành công thì còn hạn chế.

Một lý do khác không kém phần quan trọng, đó là văn hóa minh bạch và mức độ chuẩn mực trong các báo cáo tài chính của doanh nghiệp Việt Nam. Ðại đa số doanh nghiệp áp dụng chuẩn mực kế toán Việt Nam, trong khi chuẩn mực này chưa tương đồng với chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế. Ðây là những thách thức cần phải được nhận diện và có giải pháp cải thiện để có thể thu hút rộng rãi hơn dòng vốn vào M&A trong giai đoạn tới.

Bên cạnh nỗ lực minh bạch hóa thông tin, thực thi báo cáo tài chính theo chuẩn mực quốc tế của một số doanh nghiệp, nhà đầu tư ngoại đang rất kỳ vọng vào nỗ lực của Chính phủ trong việc tạo thêm nguồn hàng tốt hơn, cũng như hoàn thiện hệ thống pháp lý liên quan đến đầu tư và M&A.

Dự án Luật Chứng khoán sửa đổi, bổ sung đang được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xây dựng được chờ đợi sẽ tháo gỡ những rào cản về giới hạn sở hữu nhà đầu tư ngoại, mở lối cho dòng chảy vốn qua M&A đến với doanh nghiệp Việt dễ dàng hơn.

Sau 1 thập kỷ M&A phát triển mạnh tại Việt Nam, có 4.353 thương vụ được thực hiện trong giai đoạn 2009-2018 với tổng giá trị M&A đạt 48,8 tỷ USD. Làm thế nào để thập niên tiếp theo, dòng chảy vốn qua M&A tiếp tục chảy mạnh, tạo giá trị gia tăng cho các bên trên tinh thần “cùng thắng”, là câu chuyện trọng tâm trong Diễn đàn M&A 2018 sắp được tổ chức tại Việt Nam. 

Tin bài liên quan