Hình ảnh chung tại công viên ở các đô thị trên cả nước vào mỗi buổi sáng sớm là hàng trăm người già rèn luyện sức khỏe dưới nhiều hình thức như tập thể dục, thể dục nhịp điệu, đi bộ, ngồi thiền...

Trong vài năm tới, các công viên được nhìn nhận sẽ ngày càng có nhiều người già đến tập thể dục hơn là người trẻ. Sự thay đổi về mặt nhân khẩu học có phần đáng báo động khi tỷ lệ sinh đang suy giảm và Việt Nam bắt đầu bước vào giai đoạn già hóa nhanh.

“Từ năm 2026, tỷ trọng người trên 65 tuổi sẽ chiếm hơn 10%, Việt Nam chấm dứt cơ cấu dân số vàng tồn tại từ năm 2007 và bước vào thời kỳ dân số già. Đến năm 2039, số người hơn 65 tuổi sẽ chiếm hơn 15% tổng dân số và kéo dài đến năm 2054. Từ năm 2054 là dân số rất già”, PGS.TS Giang Thanh Long, Viện trưởng Chính sách công và Quản lý, Đại học Kinh tế Quốc dân dự báo.

Ước tính, cả nước hiện có 11,4 triệu người trên 60 tuổi, chiếm gần 12% dân số. Chỉ số già hóa tăng từ 36% năm 2009 lên gần 49% năm 2019. Tình trạng già hóa đang diễn ra ở nhiều nước châu Á, nhưng tại Việt Nam, sự thay đổi này trong bối cảnh đất nước vẫn còn đang phát triển sẽ tạo gánh nặng cho xã hội.

Gánh nặng đầu tiên là câu chuyện “chưa giàu đã già”. Là một nước có thu nhập ở mức trung bình thấp, tốc độ già hóa nhanh tạo ra thách thức lớn vì khó có thể đảm bảo được thu nhập bình quân để lo cho tương lai khi về già.

Vòng tác động mới lặp lại khi lực lượng lao động ngày càng bị thu hẹp, không còn là nhân tố lao động trẻ, giá rẻ để thu hút đầu tư như trước, dẫn tới nguy cơ thiếu hụt lao động trong tương lai.

Bên cạnh thu nhập, yếu tố sức khỏe và áp lực y tế cũng là thách thức không nhỏ. Tuổi thọ trung bình của người Việt trong những năm gần đây được cải thiện, nhưng số năm ốm đau, bệnh tật tăng lên. Số người mắc các bệnh không lây nhiễm như tim mạch, xương khớp, tiểu đường... ngày càng nhiều. Khi dân số già nhanh, việc “sống không khỏe” sẽ tạo áp lực lên hệ thống y tế.

“Chúng ta sống thọ nhưng không khỏe”, ông Giang Thanh Long nhận xét.

Trong bối cảnh đó, việc chuẩn bị cho tương lai về già trở nên đặc biệt quan trọng. Dù vậy, một khảo sát mới đây cho thấy, mức độ tự tin của người Việt để đạt được tuổi già như mong muốn chưa cao, chỉ 40% số người được khảo sát tự tin về việc có thể đạt được các kỳ vọng của mình cho cuộc sống về già.

Giữa tháng 12 năm ngoái, Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Prudential Việt Nam cùng Công ty nghiên cứu thị trường Kantar Việt Nam thực hiện khảo sát “Cuộc sống độc lập khi về già”, nhằm phản ánh các mối quan tâm, sự kỳ vọng cũng như mức độ sẵn sàng và tự tin của người Việt cho cuộc sống độc lập khi về già. Khảo sát được thực hiện với những người ở độ tuổi 30 - 45, sinh sống tại TP.HCM và Hà Nội, dựa trên ba khía cạnh là sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần và tài chính.

Kết quả cho thấy, 85% mong muốn có một cuộc sống độc lập khi về già. Tỷ lệ này cao hơn trong nhóm người quan tâm đến vấn đề tài chính nhất khi về già (95%).

Khảo sát cũng tiết lộ vấn đề sức khỏe thể chất là mối quan tâm hàng đầu (59%) khi về già của người Việt, theo sau là sức khỏe tinh thần (30%) và tài chính (11%). Theo đó, người Việt Nam có xu hướng bắt đầu hoạch định cho cuộc sống về già khi bước vào độ tuổi 40.

Mặc dù mong muốn có cuộc sống độc lập khi về già, nhưng trên thực tế, người Việt chưa có sự chuẩn bị kỹ càng so với các nước phát triển. Chỉ có 4/10 người Việt lên kế hoạch và hành động cho cuộc sống về già của mình.

“Người Việt có xu hướng độc lập cuộc sống ở tuổi già, nhưng kết quả khảo sát cho thấy một khoảng cách lớn giữa sự kỳ vọng và mức độ chuẩn bị của họ cho giai đoạn này. Đây chính là thách thức mà bản thân mỗi người cần phải hành động ngay để đạt được một cuộc sống về già như kỳ vọng”, ông Phương Tiến Minh, Tổng giám đốc Prudential Việt Nam nhìn nhận.

Một trong những lý do trì hoãn việc chuẩn bị và triển khai kế hoạch về già chính là sự vướng bận trách nhiệm gia đình (51%) và tài chính chưa ổn định (44%). Nguồn tài chính khi về già là thách thức với tất cả các nước, nhưng tại Việt Nam, thách thức được đánh giá ở mức cao khi khảo sát cho thấy, có đến 71% thu nhập của người cao tuổi phụ thuộc vào bản thân và con cái.

Nhiều quốc gia đã sớm nhận ra thách thức từ sự thay đổi nhân khẩu học, nhưng các nhà làm chính sách vẫn “đau đầu” tìm kiếm giải pháp, lời giải riêng. Việt Nam cần lấy đó làm bài học để có thể chuẩn bị ở nhiều mặt, từ vấn đề đảm bảo thu nhập, bảo hiểm cho đến thiết kế các chính sách hạn chế tốc độ già hóa.

Ở góc độ này, sự chuẩn bị cho tuổi già không chỉ đến từ phía các nhà quản lý, hay chuẩn bị ở mỗi cá thể, mà còn là sự góp sức của nhiều tổ chức, doanh nghiệp tư nhân trong xã hội.

Trong báo cáo toàn cầu “Cuộc cách mạng quản lý tài sản: Sức mạnh để định hình tương lai” vừa được PwC công bố, khả năng chu cấp cho tương lai là một vấn đề đặc biệt quan trọng khi về già.

“Xã hội càng tạo ra nhiều của cải, chúng ta càng có khả năng tiết kiệm cũng như đầu tư. Bên cạnh đó, với tuổi thọ trung bình ngày một cao, ngành quản lý tài sản có thể đóng góp vào việc giải quyết các vấn đề đang ngày một nghiêm trọng về khoảng cách lương hưu cũng như tình trạng nghèo của người già”, báo cáo nhận định.

Thực tế xã hội ngày nay cũng đã xuất hiện nhiều hơn các tổ chức hỗ trợ cộng đồng các hướng dẫn và lời khuyên trong việc hoạch định tài chính để giúp họ đạt được mục tiêu đối với cuộc sống ở tuổi già sau này.