“Việc này là do giảm các loại thuế nhập khẩu theo cam kết. Nhưng sang năm 2020, chúng tôi cam kết sẽ đưa doanh thu sẽ trở về bằng các năm trước và có tăng trưởng", Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương trần tình tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2019.
Không biết có bao nhiêu người sẽ nhớ cam kết này của ông Dương, nhưng lãnh đạo tỉnh Quảng Nam và Chính phủ chắc chắn sẽ nhớ.
Trong báo cáo thu ngân sách 9 tháng của địa phương này, một trong những lý do thu không đạt là vì khoản nộp ngân sách của Thaco không như dự toán. Mức hụt thu dự kiến cả năm của ngân sách cấp tỉnh trong tổng nguồn thu ngân sách địa phương vào khoảng 928 tỷ đồng, gần bằng mức giảm nộp của Thaco trong năm 2019.
Nếu Thaco thực hiện đúng cam kết, thì năm 2020, Quảng Nam sẽ không phải quá lo lắng về các khoản thu ngân sách. Và không chỉ riêng Quảng Nam, vì chủ tịch Thaco cũng đang xây dựng kế hoạch để đạt doanh thu tăng trong chăn nuôi và nông nghiệp, đặc biệt kế hoạch là xuất khẩu đạt 2 tỷ USD năm 2022... Nhưng lời trần tình của ông Dương cùng nhiều doanh nghiệp khác không chỉ dừng ở cam kết sẽ tạo nguồn thu ngân sách lớn hơn. Những lo ngại về khó khăn trong mở rộng sản xuất quy mô lớn, trong tiếp cận đất đai, vốn liếng… vẫn còn rất nhiều.
Ngay trong Hội nghị, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng đã phải nhắc đến tình trạng 1 dự án mất tới 3-5 năm thực hiện thủ tục đầu tư, thậm chí nhiều dự án đang ách tắc bởi những chồng lấn trong nhiều văn bản pháp luật liên quan đến đất đai, xây dựng, đấu thầu... không thể giải quyết. Thực trạng này đang ảnh hưởng rất lớn đến các các kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp và cả kế hoạch thu ngân sách của các địa phương. Đây là lý do ông đề nghị xây dựng một “nghị trình 20” cho năm 2020 nhằm giải quyết ngay, dứt điểm 20 nút thắt trong thủ tục đầu tư - xây dựng - đất đai - môi trường...
Hội nghị Thủ tướng với Chính phủ đã kết thúc, công việc mà cả Chính phủ và doanh nghiệp cùng làm đang dày thêm, với áp lực rất lớn và không dễ thực hiện.
Tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp đang tin là sẽ có những thay đổi cụ thể trong năm tới khi Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước, các cấp chính quyền địa phương thay đổi tư duy. Theo đó, không phải những gì mà Nhà nước không muốn làm thì chuyển cho tư nhân, mà là những gì tư nhân làm được và làm tốt thì nên để tư nhân tham gia, kể cả doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ công. Sẽ tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh với các kế hoạch cắt giảm danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, đơn giản hóa các quy định về điều kiện kinh doanh, chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm...Các cơ quan quản lý Nhà nước sẽ phải loại trừ những cán bộ nhũng nhiễu phiền hà, gây khó khăn cho sản xuất, kinh doanh do tham nhũng tiêu cực hoặc do trình độ yếu kém để kéo dài thời gian, làm mất thời gian, cơ hội đầu tư của doanh nghiệp...
Chắc chắn, sẽ không chỉ có một vài đơn vị, không chỉ một vài bộ, ngành hay địa phương cùng Chính phủ vào cuộc, nhất là khi nhiều vấn đề đang nằm ở các thông tư, nghị định, trong nhiều văn bản luật, pháp lệnh.
Trong cuộc gặp doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhắc lại thông điệp gửi tới thành viên Chính phủ, các cấp chính quyền địa phương rằng, trừ cứu hỏa và thiên tai, việc giải quyết các khó khăn của doanh nghiệp phải nằm ở trang đầu quyển sổ tay hành động của lãnh đạo.
Có lẽ, các đại biểu Quốc hội, cùng lịch trình làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của Quốc hội cũng phải đặt ưu tiên xử lý các luật, pháp lệnh liên quan đến hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp.
Khi cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, công khai, minh bạch, khuyến khích các ý tưởng sáng tạo, các cách làm mới cho doanh nghiệp, thì những cam kết về tăng trưởng, tạo doanh thu, tạo việc làm như của Chủ tịch Thaco sẽ không còn đơn lẻ.